Làm luật và sửa luật

07:00 | 09/06/2013

718 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc xây dựng luật của Quốc hội không hề đơn giản chút nào. Đây là một nội dung quan trọng và tốn nhiều thời gian của Quốc hội.

Bảo Dân (NLM số 228)

Trong buổi thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi bàn về chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm tới, ĐBQH, luật sư Trương Trọng Nghĩa đã “đăng ký”: “Nếu có nhiều luật quá, Quốc hội không làm kịp, không có đủ kinh phí, thời gian để làm thì tôi xin thưa, cá nhân tôi sẽ nhận đứng ra vận động mọi người soạn luật. Đứng ở phương diện cá nhân, tôi có thể vận động các hội viên trong Liên đoàn Luật sư góp công, góp sức để xây dựng dự thảo Luật Biểu tình đúng theo Hiến pháp. Thời gian dự kiến có thể trong khoảng 3-6 tháng”.

Tuy nhiên, đại biểu này cũng cho biết, nếu tuân thủ đầy đủ các bước thì cá nhân một ĐBQH không thể đứng ra xây dựng một dự án luật. Xem ra việc xây dựng luật của Quốc hội không hề đơn giản chút nào. Đây là một nội dung quan trọng và tốn nhiều thời gian của Quốc hội.              

Trong chương trình xây dựng luật và pháp luật của Quốc hội khóa XIII, riêng năm 2013, Quốc hội sẽ thông qua 32 dự án luật và 4 dự án pháp lệnh. Kỳ họp thứ 5 sẽ thông qua 12 dự án luật (có 3 luật sửa đổi) và cho ý kiến 9 dự án luật khác.

Tuy nhiên, theo dõi các kỳ họp Quốc hội, cử tri không khỏi băn khoăn về số luật sửa đổi quá nhiều. Cử tri băn khoăn rằng, tại sao các dự án luật của ta được chuẩn bị bàn thảo đến như thế mà lại có những chương, điều mau chóng không thích hợp đến mức phải sửa đổi. Theo dõi quá trình ban hành luật người ta thấy nhiều dự án luật chỉ tồn tại được trong vòng một nhiệm kỳ Quốc hội.

Có trường hợp luật ban hành chưa kịp “ngấm” đã phải sửa đổi như Luật Phòng chống tham nhũng. Lại có luật, ngay khi vừa mới ban hành thì việc phải sửa đổi đã được báo trước vì quy định mức thu nhập chịu thuế bằng số tiền cụ thể chứ không tính theo thu nhập tối thiểu. Lại có luật biết trước khó thực hiện như Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Người dân nhớ rằng, có một luật mà phải có mấy nghị định hướng dẫn thực hiện. Thế nhưng, trong các bộ luật thì Luật Đất đai có lẽ là bộ luật tốn nhiều thời gian, công sức và gây phiền toái cho hệ thống chính trị nhất.

Từ năm 1988 đến nay đã 3 lần ban hành Luật Đất đai với 5 lần ban hành luật sửa đổi, bổ sung. Luật Đất đai 2003 sau khi ban hành đã có nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng. Đến Luật Đất đai 2003 so với Luật Đất đai 1993 tuy dài hơn nhưng lại thiếu chặt chẽ, có nhiều sơ hở và cách xa thực tế hơn Luật Đất đai 1988 và 1993. Tuy nhiên, việc vận dụng luật do chính quyền địa phương thực hiện đã làm cho vấn đề đất đai thêm rối, dẫn đến khiếu kiện triền miên lại đổ thừa tại luật, báo hại Quốc hội cứ phải lo mà sửa nhiều lần vẫn chưa hoàn thiện.

Liền 3 năm 2008, 2009 và 2010 có 3 lần ra “Luật sửa đổi Luật Đất đai” cũng chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh những bất cập khiếu kiện về đất đai ngày càng gia tăng là vấn nạn tiêu cực, tham nhũng đất đai trở nên phức tạp và ngày càng tràn lan. Thống kê cho hay, số vụ khiếu kiện đất đai từ 37% năm 1992 lên 53% năm 1994, rồi gần 80% năm 2010. Các chuyên gia cho biết, tính ra, chỉ riêng Luật Đất đai đã có tới 2.000 văn bản các cấp trong đó có 200 nghị định xoay quanh việc hưóng dẫn thực hiện. Đúng là kỷ lục.

Ai cũng biết rằng, Quốc hội phải lo bàn bạc và quyết định nhiều vấn đề bức thiết cho quốc kế, dân sinh, mà chỉ trong một khóa mà Luật Đất đai 2003 phải mất 3 lần ra luật sửa lại? Rõ ràng, khâu chuẩn bị dự án nghị định, thông tư, quyết định và nhiều văn bản phục vụ Luật Đất đai không đáp ứng yêu cầu. Nghiên cứu các văn bản về đất đai, nhà ở, quản lý về kinh doanh bất động sản, công dân càng bối rối vì quá nhiều văn bản. Trong khâu thực hiện, nếu sai, người ta sẵn sàng viện dẫn ra các văn bản A, B, C để thanh minh thanh nga. Hóa ra, nhiều văn bản không nhất quán, thậm chí đối lập nhau gây khó cho cơ quan quản lý doanh nghiệp và người dân.

Các luật gia chỉ ra rằng, có Nghị định 181CP-2004, dài tới 14 chương, 186 điều, đếm trên máy tính có trên 76.000 chữ. Dài và khó quán triệt trong khâu thực hiện.

Kho lưu trữ, tủ sách pháp lý cứ đầy thêm các văn bản mới nhưng tính hiệu lực vẫn có vấn đề. Các cấp chính quyền, các chuyên gia, cơ quan chủ quản, ngành chuyên trách và người dân vẫn trông chờ các luật được sửa đổi nhanh hơn, đầy đủ hơn và điều quan trọng là sớm có hướng dẫn thực hiện.

Rõ ràng là việc đưa các luật vào cuộc sống chưa đáp ứng yêu cầu xây đựng một Nhà nước có nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Khá nhiều luật lỡ hẹn cả trong xây dựng dự án và thực hiện.

Góp ý vào chương trình xây dựng luật của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai không đồng tình với cách đánh giá những mặt hạn chế trong vấn đề đưa luật vào cuộc sống thời gian qua là “một số luật còn chậm đưa vào cuộc sống”, “một số luật vẫn phải chờ thông tư, nghị định”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban này, phải đánh giá lại rằng, “hầu hết luật đều chậm đi vào cuộc sống vì dù được thông qua ban hành rồi nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn”.

Bà Mai dẫn chứng rằng: Pháp lệnh người có công, Quốc hội đã dày công xây dựng, rất nhiều chính sách đưa ra để giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống như, điều khoản trợ cấp cho các bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Lúc thảo luận về vấn đề này, hầu hết các đại biểu đều mong muốn thực hiện ngay từ 1/9/2011 vì đây là vấn đề bức xúc nhưng mãi đến 1/1/2012 mới chính thức có hiệu lực. Vậy mà, đến tận cuối năm 2012 pháp lệnh vẫn phải chờ nghị định hướng dẫn. Cứ phải chờ như vậy làm sao giải quyết được những vấn đề bức xúc? Đại biểu Trương Thị Mai đề nghị, vấn đề nào quá rõ rồi phải thực thi ngay chứ không thể chờ quá lâu được.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị “xem lại luật ban hành văn bản, nếu luật rõ rồi phải thi hành chứ không thể chờ đợi hướng dẫn từ bên trên được. Phải xem xét lại tất cả các luật đã ban hành xem tại sao lại thi hành chậm, chậm ở đâu, tại sao chậm, trách nhiệm ở đâu? Luật, pháp lệnh đã ban hành phải nghiêm túc thực hiện không để tình trạng cuộc sống chờ luật điều chỉnh, còn luật, pháp lệnh không thực thi được vì chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn”.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, trong đó Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao đảm nhận trách nhiệm hàng đầu. Tuy nhiên, đã đến lúc cần thay đổi cách xây dựng luật như đề xuất của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. Tại sao không tính đến việc Quốc hội và ĐBQH cùng làm? Cử tri đề nghị ngay trong kỳ họp này, Quốc hội nên có ý kiến chính thức về đề xuất của ĐBQH. Sửa luật là cần thiết nhưng sửa nhiều như hiện nay là quá nhiều!

B.D