Xung quanh vụ tòa báo ở Pháp bị khủng bố:

Báo chí phương Tây tranh cãi về vụ Charlie

07:02 | 14/01/2015

1,646 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi tiếc thương vụ thảm sát tại Pháp, giờ là lúc báo chí phương Tây đặt câu hỏi về quyền cơ bản của họ. Phải chăng tự do ngôn luận là quyền được chửi bới, thóa mạ người khác? Và báo Le Monde của Pháp đã mở màn việc tranh luận về chủ đề này.

Tự do ngôn luận là tự do chửi bới?

Số ra ngày mai (14/1) của Charlie Hebdo lại đăng biếm họa về Nhà tiên tri Muhammad.

 

Vụ thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Pháp đã khép lại với 17 người chết, trong đó có 3 kẻ khủng bố. Nguyên nhân của vụ này là do tờ báo trên đã đăng hình biếm họa về đạo Hồi và đặc biệt về Nhà tiên tri Mohammed.

Có đến hàng triệu người trên khắp thế giới đã xuống đường để lên án bạo lực và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của họ.

Những giờ phút đau buồn và tiếc thương cho nước Pháp đã qua đi, giờ là lúc báo chí phương Tây đang chấn chỉnh lại mình, đặc biệt là sau vụ Charlie Hebdo còn có thêm vài tờ báo khác ở châu Âu bị tấn công sau đăng lại hình ảnh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed của Charlie Hebdo.

Báo Le Monde của Pháp mở màn tranh luận về việc nên hay không đăng lại hình ảnh biếm họa của Charlie Hebdo bằng bài viết "Là Charlie hay không là Charlie" của nhà Sylvie Kaufmann. Theo tác giả, đây là câu hỏi đặt ra từ cách nay 9 năm nhưng hiện đang gây chia rẽ trong giới báo chí quốc tế. Le Monde cho rằng, trong tòa soạn các tờ báo, dù một lòng một dạ với Charlie Hebdo, nhưng tình hình có phần phức tạp hơn.

Đối với báo chí Pháp, vốn quen thuộc với cách châm biếm bất kính, có khi thô lỗ, vấn đề ít được đặt ra. Nhưng đối với các phương tiện truyền thông nước ngoài, họ hiểu ngay mục tiêu của vụ tấn công, nhưng vẫn phân vân trước các yêu cầu đăng lại các bức tranh bị các thành phần cực đoan lên án. Ngay từ ngày 7/1, báo chí phương Tây đã bị chia rẽ trên vấn đề nên hay không nên thể hiện tinh thần đoàn kết bằng cách công bố lại các bản vẽ bị coi là xúc phạm Hồi giáo?

Theo nhận xét của Le Monde, một lằn ranh đã xuất hiện giữa các phương tiện truyền thông cũ và mới, và giữa châu Âu và Mỹ.

Tại Mỹ, các báo mạng như Slate, BuzzFeed, The Huffington Post và The Daily Beast đã không ngần ngại công bố các bức biếm họa của Charlie Hebdo. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông truyền thống lớn như The New York Times, Wall Street Journal hay CNN, thì khi công bố các bức hình gây tranh cãi, đã xóa mờ các bức nhạy cảm nhất. Ví dụ được Le Monde nêu bật là cuộc tranh luận công khai trong Ban biên tập tờ New York Times.

Dean Baquet, trưởng ban biên tập của tờ báo, vào hôm nổ ra vụ khủng bố ở Paris, đã phải mất rất nhiều thì giờ tham vấn các đồng nghiệp và hai lần thay đổi ý kiến trước khi quyết định không công bố các bức họa để tránh xúc phạm các độc giả của tờ báo. Theo ông, “đối với nhiều độc giả, vẽ hình nhà tiên tri Mohammed là báng bổ Hồi giáo. Quy tắc của chúng tôi, đã có từ lâu đời và đã được chứng thực là phải biết phân biệt giữa châm biếm và phỉ báng vô tội vạ".

Margaret Sullivan, nhà báo phụ trách vấn đề hòa giải giữa tờ báo và độc giả của tờ New York Times thì  tỏ ra đồng ý: "Có lẽ các quy tắc đó cần phải được xem xét lại, căn cứ vào các diễn biến hiện nay".

Theo Le Monde, ý kiến này có vẻ khó được tán đồng vì ngay trên tờ New York Times, nhà bình luận David Brooks đã thẳng thắn kêu gọi người Mỹ là nên thừa nhận như ông rằng "tôi không phải là Charlie". Lý do là "kiểu hài hước cố tình xúc phạm" của Charlie Hebdo quá xa lạ với người Mỹ.

 Báo chí Anh cũng rất thận trọng. Một bài báo trên tờ Financial Times - bị chính các độc giả của tờ báo hết sức chỉ trích - thậm chí còn cáo buộc Charlie Hebdo là đã có hành động "ngu xuẩn".

Ngược lại, nhà sử học người Anh Timothy Garton Ash thì kêu gọi báo chí châu Âu in lại các bức vẽ của Charlie Hebdo để Charlie Hebdo thấy rằng "quyền phủ quyết của những kẻ sát nhân không thể thắng".

Đối với Le Monde, tình trạng tiến thoái lưỡng nan của báo chí có thể thấy trong bài xã luận của tờ báo Anh The Guardian, cũng là kết quả của một cuộc tranh luận nội bộ dài, giải thích lý do tại sao tờ báo đã quyết định tặng 100.000 bảng Anh cho tờ Charlie Hebdo nhưng không cảm thấy bị bắt buộc phải đăng lại các bức biếm họa...

Các tranh châm biếm của Charlie Hebdo không từ một ai, không buông tha một tôn giáo nào. Đối tượng đả kích của tuần báo là sự thiếu khoan dung, cố chấp, tư tưởng toàn thống cực đoan, bảo thủ.

Số mới nhất của Charlie Hebdo ra ngày mai (14/1) tiếp tục đăng biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed và truyện cười về chủ đề chính trị và tôn giáo. Đó là thông báo của luật sư Richard Malka. Đại diện pháp lý của tờ báo này nói: "Tất nhiên, chúng tôi sẽ không lùi bước, bởi vì nếu khác đi, điều đó sẽ không có ý nghĩa.

Je suis Charlie - đó là trạng thái tinh thần, nói về quyền báng bổ. Je suis Charlie có nghĩa rằng bạn có quyền chỉ trích tôn giáo, vì điều đó không có gì đặc biệt. Không được quyền chỉ trích những người Do Thái vì ông ấy theo Do Thái, một người Hồi giáo - bởi vì ông theo Hồi giáo, một tín đồ Công giáo vì ông ta theo Công giáo. Nhưng bạn có thể nói bất cứ điều gì bạn thích và tồi tệ nhất về Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, và chúng tôi làm điều đó".

Trên các mạng xã hội nổi tiếng như Facebook, Twitter, có cả từ khóa: “Tôi không phải là Charlie”, với nhiều bình luận khác rất triết lý như: “Rất kỳ lạ là khi tôi nói: Tôi không phải là Charlie, thì người ta thóa mạ tôi, nhưng khi báo Charlie Hebdo thóa mạ đấng tiên tri của người Hồi giáo, thì việc này lại được coi là tự do ngôn luận”?!

Nh.Thạch

tổng hợp