Kỷ niệm của một người anh hùng

15:11 | 28/04/2017

3,957 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vào một buổi chiều cuối tháng Tư, trong căn phòng làm việc đơn sơ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trải lòng với Báo điện tử PetroTimes về những ký ức không bao giờ quên của ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

“Tuyết đỏ” bazan

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu không thể nhớ hết được đã trải qua bao nhiêu trận đánh. Bốn chiến dịch lớn là chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, Chiến dịch Quảng Trị 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975, đều có dấu của người lính già. Đến tận bây giờ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn luôn tự hào khi mình được đứng trong năm cánh quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Ngày ấy, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Ngày 16/3/1975, khi ông đang chỉ huy Trung đoàn làm nhiệm vụ đắp đê ở Ninh Bình thì được lệnh hành quân vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Hai ngày sau đó, cả Trung đoàn lên đường. Bắt đầu là cuộc hành quân thần tốc. Từ Tam Điệp - Ninh Bình, Trung đoàn 27 vượt qua 1.700 km tiến thẳng vào miền Nam ruột thịt.

ky niem cua mot nguoi anh hung
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Trên đường hành quân ở đường Trường Sơn, từng đoàn người và xe nối thành hàng dài trùng trùng điệp điệp, những bước chân rầm rập không nghỉ. Đường đất đỏ bazan, những ngày nắng ấy gió thổi mạnh cuốn từng lớp bụi đỏ lên không trung, rồi rơi tràn xuống như tuyết đỏ phủ ngập không gian, cả một vùng chìm trong sắc đỏ. Còn những ngày mưa, bùn lầy ngập tới nửa bánh xe. Bởi vậy, từ những chiếc xe ô tô tới mỗi người lính đều phủ kín bụi đất đỏ bazan, chỉ hở duy nhất đôi mắt rực sáng.

Gian nan, vất vả, thời gian gấp rút là như thế, nhưng khi cả Trung đoàn nhận được mật lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng phút tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Tất cả dường như không có cảm giác mệt, hành quân không ngừng nghỉ tiến vào Đồng Xoài đúng thời gian.

Đúng ngày 26/4/1975, tiếng súng đầu tiên của Trung đoàn 27 chính thức nã vào Tân Uyên, mở màn cho đại thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bà má “tham mưu”

Để có mùa Xuân đại thắng năm ấy, không thể nào thiếu được sự đùm bọc, hỗ trợ, chở che của những người má, người chị, người anh em miền Nam ruột thịt. Nhắc về những kỷ niệm trong những ngày tháng hào hùng ấy, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ như in lần được gặp người má giản dị trong đêm cuối cùng trước trận đánh. Đó là chiều 29/4/1975, đội hình của Trung đoàn 27 vào tới Búng thì quân địch từ Bến Cát - Bình Dương bị đánh tan, chúng rút về tử thủ trên trục đường 13 trước cửa ngõ Sài Gòn.

Đêm ấy, ông cùng với tổ trinh sát đi vào vòng vây của địch thì nhìn thấy bên kia khu nghĩa trang có một ngôi nhà lợp lá, bên trong hãy còn le lói ánh đèn. Quyết định băng qua nghĩa địa vào làng được đưa ra nhanh chóng. Khi tiếp cận ngôi nhà, nhận thấy không có điều bất thường, các trinh sát đứng ngoài cửa đọc mật khẩu “Hồ Chí Minh”.

ky niem cua mot nguoi anh hung
Tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu (người đeo kính) - ảnh tư liệu.

Thì ra, đây là nhà của má Sáu Ngẫu, khi nghe thấy đúng mật khẩu của quân mình, má đáp lại “Muôn năm!” Nhận ra quân giải phóng, má mở cửa, cầm tay các chiến sĩ kéo vào trong nhà và đóng cửa lại. Dưới ánh đèn dầu, Nguyễn Huy Hiệu và một đồng đội khác mở tấm bản đồ chỉ huy đặt lên bàn. Má Sáu Ngẫu nhìn một lúc rồi nói: “Bản đồ này má không có quen, để má lấy bản đồ của má”. Bản đồ của má Sáu Ngẫu là tấm bản đồ đô thành Sài Gòn và những nét vẽ bổ sung thêm toàn tuyến phòng thủ từ chi khu Lái Thiêu vào Sài Gòn để chỉ đường cho bộ đội giải phóng.

Cầm tấm bản đồ, Nguyễn Huy Hiệu vô cùng xúc động và xin phép lên đường ngay để quét sạch địch ở Lái Thiêu, mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. “Ngày mai, sẽ trở lại thăm má” - Nguyễn Huy Hiệu tự nhủ.

Má Sáu Ngẫu nói thêm, trong trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương có gần 2.000 tên. Ngoài ra còn một số tàn quân từ các nơi chạy về nên giờ tinh thần rất rệu rã và bất an, má bảo anh không nên tấn công mà dùng loa kêu gọi chúng đầu hàng.

Chính nhờ tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu cùng những thông tin của má đã giúp, Trung đoàn 27 thần tốc tấn công vào sào huyệt của địch trước sự ngỡ ngàng của chúng. Sau này, má Sáu Ngẫu được cả quân đoàn gọi bằng tên yêu thương “bà má tham mưu” và nhạc sĩ Văn Thành Nho đã có bài hát “Tấm bản đồ má trao” để lưu giữ lại những kỷ niệm đáng quý đó.

Giải phóng thành đô

Ngay sáng 30/4, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27 bắt đầu tấn công. Đúng như lời má Sáu Ngẫu dặn, khi ông dùng loa kêu gọi, lính ở trại Huỳnh Văn Lương lũ lượt kéo ra đầu hàng. Thừa thắng xông lên, Trung đoàn tấn công qua Lái Thiêu, bắn cháy xe tăng và thu giữ 1 pháo (Vua chiến trường ở Lái Thiêu). Đến cầu Vĩnh Bình phát hiện ra các ổ tử thủ, ông hạ lệnh cho 12,7 ly và 37 ly chúc nòng bắn. Xe tăng của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc bị trúng đạn, hư hỏng. Đồng chí Mạc liền nhảy ra khỏi xe tiếp tục chỉ huy tổ B40, B41 chiến đấu và hy sinh.

Để đồng đội được cùng chứng kiến giờ phút chiến thắng lịch sử, Nguyễn Huy Hiệu quyết định đưa Hoàng Thọ Mạc lên xe và tiếp tục cuộc tiến công. Ngay sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, Hoàng Thọ Mạc là người chiến sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang.

ky niem cua mot nguoi anh hung
Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng cô Hai Mỹ trên xe tăng tiến vào Sài Gòn - ảnh tư liệu.

Tiếp đó, Trung đoàn 27 tiến thẳng vào Bộ tư lệnh Thiết giáp ngụy, chiếm luôn 13 căn cứ của lục quân công xưởng ở Gò Vấp gồm có Trung tâm Truyền tin, Trung tâm tiếp huyết, Trung tâm chỉnh hình, công xưởng, căn cứ 30, Tổng y cộng hòa…

Lá cờ giải phóng đã tung bay trên cột cờ Bộ tư lệnh Thiết giáp của quân Ngụy. Đến trưa cùng ngày, lá cờ chiến thắng của quân giải phóng được kéo lên dinh Độc Lập và nhiều nơi khác ở Sài Gòn. Cả thành phố ngập sắc cờ đỏ sao vàng, những nụ cười rạng rỡ và những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má chiến sỹ, đồng bào. Những tiếng reo “thắng rồi”, “giải phóng rồi” vang lên khắp nơi.

Vậy là cuối cùng, sau bao hy sinh, mất mát, gian khó, Nguyễn Huy Hiệu cùng đồng đội đã thực hiện được lời di chúc của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giành độc lập tự do cho dân tộc, non sông gấm vóc Việt Nam từ đây thu về một mối.

Anh vẫn hành quân

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng phát triển, đổi mới, nhưng trong trái tim biết bao thân nhân gia đình liệt sỹ trên khắp mọi miền đất nước vẫn miệt mài trong hành trình đi tìm người thân của mình giữa đại ngàn xa thẳm, giữa mịt mù không gian và thời gian.

Còn Nguyễn Huy Hiệu, vị tướng can trường một thuở nay mái tóc đã bạc, bước chân đã mỏi, nhưng trong trái tim ông, niềm tự hào về những đồng đội đã ngã xuống luôn nhắc nhở ông. Ngay khi còn đang chiến đấu, ông đã nuôi ý định, khi cuộc chiến kết thúc, ông sẽ trở lại làm một điều gì đó để tri ân họ. Và quả thật ông đã làm như dự định ngày ấy, ông vận động các đồng đội, cùng với các tổ chức, cá nhân đi tìm và quy tập những đồng đội đã hy sinh mà ông biết họ nằm ở những vị trí nào. Không thể nhớ hết được ông đã lặng lẽ trở lại bao nhiều lần trên các chiến trường cũ, đã tìm thấy bao nhiêu đồng đội của mình.

Như trong cuốn hồi ức “Một thời Quảng Trị” bằng cả tấm lòng của mình, ông kể tên từng người hy sinh mà còn biết rõ quê liệt sỹ ấy ở làng, xã nào, hy sinh vào thời khắc nào, chôn ở đâu. Có trận hy sinh vài ba người, có trận hy sinh vài chục người, ông đều dành những dòng mô tả về nhân thân họ. Nhờ đó nhiều thân nhân của liệt sĩ đã dựa vào cuốn hồi ức này tìm ra người thân của mình.

Bên cạnh đó, ông còn vận động xây dựng những tượng đài tưởng niệm, tri ân những anh hùng liệt sĩ tại nơi diễn ra những cuộc chiến khốc liệt. Với ông, những tượng đài đó, không chỉ để tưởng nhớ công ơn của những đồng đội đã ngã xuống cho bình yên của đất nước hôm nay mà còn là lời nhắc nhở, nhắn nhủ cho mỗi thế hệ sau này về đạo lý “uống nước nhớ nguồn - đời đời nhớ ơn công lao của các anh hùng đã ngã xuống”.

Xuân Hinh - Đông Nghi