Kinh tế Việt Nam sớm tăng trưởng trở lại

12:01 | 02/12/2021

8,811 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều ngành, lĩnh vực lao dốc không phanh, song nền kinh tế vẫn được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Vấn đề đáng quan tâm là cần có những chính sách mang tính đòn bẩy, trợ lực để vực dậy nền kinh tế.
Kinh tế Việt Nam sớm tăng trưởng trở lại

Ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia kinh tế Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam: Mở cửa là giải pháp đúng đắn

Mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 song vẫn có những tín hiệu lạc quan. Các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ở trong mức ổn định. Lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm 2021 chỉ có 1,82%, trong khi giai đoạn 2011-2015 tới 7,82%, giai đoạn 2016-2020 là 3,15%. Thị trường ghi nhận giá cả một số mặt hàng tăng nhưng tính chung rổ hàng hóa lại không cao. Cán cân thanh toán quốc tế vẫn thặng dư, chưa cần dùng dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ kinh tế...

Dự báo, mở cửa và thích ứng an toàn từ tháng 10-2021, tăng trưởng quý IV khoảng 3,5%, cả năm 2021 sẽ ở mức 2,1%. Đến năm 2022, tình hình kinh tế sẽ khả quan hơn khi thị trường nội địa và xuất khẩu cùng tăng trưởng nhanh.

Kinh tế Việt Nam sớm tăng trưởng trở lại
Nhiều địa phương từng bước mở cửa, phục hồi kinh tế sau đại dịch

Để hoạt động sản xuất ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa là giải pháp đúng đắn cho nền kinh tế lúc này. Kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại trong quý IV/2021. Vấn đề đáng quan tâm là phải thích ứng an toàn và phát triển bền vững cùng những chính sách hỗ trợ hợp lý đi kèm. Cùng với kiểm soát dịch Covid-19, ổn định vĩ mô là điều Nhà nước phải làm và có đủ năng lực thực thi. Việt Nam có dư địa chính sách để triển khai các gói hỗ trợ tăng trưởng cho năm 2022. Không thể ngừng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Điều cần thiết nhất là Nhà nước phải đồng hành, thực hiện song song chính sách về tiền tệ và tài khóa.

Về chính sách tiền tệ, cần tiếp tục hỗ trợ kinh tế, bảo đảm ổn định vĩ mô, thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ; không để lãi suất tăng khi lạm phát vẫn trong tình hình kiểm soát tốt; giám sát chặt chẽ tình hình phát sinh nợ xấu ở các ngân hàng. Do tác động của dịch Covid-19, nợ xấu ngân hàng có thể phát sinh mạnh từ tháng 4-2022. Chính sách tài khóa cần kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao, tài trợ bằng trái phiếu Chính phủ và một chương trình đầu tư công trung hạn. Mức bội chi cao hơn sẽ cho phép có gói kích cầu quy mô lớn hơn trong năm 2022. Từ đó, cần cho phép miễn giảm thuế mạnh hơn, tăng chi hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp. Nên cho phép các thành phố trực thuộc trung ương được chủ động lên kế hoạch, triển khai huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền địa phương để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong năm 2022 và đầu tư cơ sở hạ tầng trong trung hạn.

Kinh tế Việt Nam sớm tăng trưởng trở lại

Ông Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Cỗ máy trợ thở” tốt nhất

Nền kinh tế chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19 nên GDP sụt giảm mạnh. GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020. Lần đầu tiên trong lịch sử suốt 2 thập niên qua, kể từ khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê theo quý, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III/2021 ước tính “âm” đến 6,17%. Vẫn biết rằng tăng trưởng “âm” một vài % là điều có thể. Nhưng “âm” sâu như vậy thì ít ai nghĩ tới. TP HCM và một số địa phương là trung tâm dịch bệnh có thể “âm” rất sâu tới 2 chữ số. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế toàn cầu.

Mặc dù một số chỉ số của nền kinh tế đi xuống nhưng vẫn còn nhiều điểm sáng, những tín hiệu lạc quan. Chúng ta tin tưởng rằng, sự suy giảm GDP trong quý III/2021 chỉ là nhất thời. GDP sẽ đảo chiều khi các biện pháp mở cửa thị trường được kích hoạt. Có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng 3,5-4% như dự kiến, nhưng vẫn có khả năng tăng trưởng vào quý IV/2021 và trong năm 2022, đà tăng trưởng sẽ hồi phục. Vì vậy, mở cửa nền kinh tế chính là “cỗ máy trợ thở” tốt nhất.

Triển khai Nghị quyết 84/NQ-CP, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, một loạt các chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện.

Trong thời gian tới, để nền kinh tế phục hồi và phát triển trở lại cần có biện pháp mang tính dài hơi. Theo đó, cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp: Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính; thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh... Cần quan tâm tới dư địa còn lớn của chính sách tài khóa và không gian rất hẹp của chính sách tiền tệ để đề phòng lạm phát và bất ổn vĩ mô.

Các biện pháp hỗ trợ không chỉ cứu các doanh nghiệp khó khăn mà còn nhằm thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực có tiềm năng phát triển. Nhà nước cần triển khai chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tiếp tục thúc đẩy thực thi các hiệp định thương mại tự do, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư kết nối lại các chuỗi cung ứng và hỗ trợ mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.

Chúng ta chờ đợi cuốn cẩm nang hướng dẫn “Sống chung với Covid”, chờ đợi kế hoạch của Trung ương về tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp hãy chuẩn bị cho mình kịch bản về kế hoạch sống chung với Covid và phục hồi “sức khỏe” kinh tế của riêng mình, gắn với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp. Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kịch bản “sống chung với Covid” và mở cửa.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Thanh Hồ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc