ADB đánh giá Việt Nam là điểm sáng kinh tế khu vực Châu Á

09:24 | 11/12/2024

294 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đối mặt với những tác động tiềm ẩn từ chính sách mới của Hoa Kỳ, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ thương mại và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng bất chấp những thách thức toàn cầu.

Theo ADB, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 được nâng lên 6,4%, cao hơn mức 6,0% dự kiến trước đó, và năm 2025 dự kiến đạt 6,6%, tăng so với mức 6,2%. Những con số này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, được thúc đẩy bởi các yếu tố chính như hoạt động thương mại mạnh mẽ khi xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Ở lĩnh vực đầu tư công, các dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai đồng bộ, tạo động lực cho các ngành công nghiệp liên quan. Cùng với đó, hỗ trợ chính sách hiệu quả hơn khi các biện pháp tài khóa và tiền tệ đã giúp kích thích cầu nội địa và ổn định nền kinh tế trong bối cảnh áp lực bên ngoài gia tăng.

Cũng theo ADB nhận định, Việt Nam đang cho thấy khả năng thích ứng tốt với những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.

ADB đánh giá Việt Nam là điểm sáng kinh tế khu vực Châu Á
ADB dự báo Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ thương mại và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng bất chấp những thách thức toàn cầu.

Trong khi Việt Nam đạt được những kết quả khả quan, khu vực Châu Á và Thái Bình Dương vẫn đối mặt với những thách thức lớn từ các chính sách thương mại và tài khóa mới của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Hoa Kỳ.

Theo báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO), những thay đổi chính sách của Hoa Kỳ như tăng thuế quan và siết chặt nhập cư có thể làm giảm tăng trưởng và gia tăng lạm phát tại nhiều quốc gia trong khu vực. Dự kiến, các tác động này sẽ rõ rệt từ năm 2026 trở đi, với mức giảm lũy kế 0,5 điểm phần trăm trong tăng trưởng toàn cầu trong bốn năm tới.

Báo cáo mới nhất của ADB cũng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc giữ nguyên ở mức 4,8% trong năm 2024 và 4,5% vào năm 2025, nhưng có thể giảm trung bình 0,3 điểm phần trăm mỗi năm tới năm 2028 do ảnh hưởng của các chính sách Hoa Kỳ. Với Ấn Độ thì triển vọng bị điều chỉnh giảm từ 7,0% xuống 6,5% trong năm 2024, do nhu cầu đầu tư và nhà ở suy yếu. Trong khi đó, tính chung Đông Nam Á tăng trưởng giữ ổn định ở mức 4,7% nhờ xuất khẩu và đầu tư công mạnh hơn.

Theo ADB, trong bối cảnh các thách thức đang gia tăng, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để kích thích tăng trưởng. ADB cũng khuyến nghị đẩy mạnh cải cách cấu trúc, tăng cường đầu tư vào công nghệ và giáo dục để đảm bảo sự bền vững trong dài hạn.

Việt Nam, với lợi thế về thương mại, sản xuất và chính sách hỗ trợ hiệu quả, được kỳ vọng sẽ tiếp tục là tâm điểm tăng trưởng của khu vực, góp phần quan trọng vào sự phục hồi kinh tế của Châu Á và Thái Bình Dương trong những năm tới.

Trước đó, báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9 được công bố ngày 25/9 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty cho biết, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp được cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.

Đình Khương