Khi giá trị con người nằm trên mảnh giấy

08:59 | 03/11/2011

689 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có lẽ không ở đâu trên thế gian này mà quan chức lại khốn khổ vì bằng cấp như tại Việt Nam. Tấm bằng dù chẳng liên quan đến nhiệm vụ nhưng vẫn luôn là cái cớ thuyết phục để một ai đó, ngồi vào một chỗ nào đó.

Trong những ngày qua, câu chuyện liên quan đến bằng cấp của ông Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang lại gây nhiều tranh cãi trong dư luận và xôn xao trên báo chí sau khi ông này vác đơn đi "kêu oan” khắp nơi. Tuy nhiên, phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, nơi mà mấy năm trước đây ký xác nhận ông Quang có bằng cấp tương đương tiến sĩ dược học để lên chức Thứ trưởng Bộ Y tế thì hôm nay lại lần lượt ra hai văn bản khẳng định ông Quang không phải tiến sĩ! Vẫn còn rất nhiều nghi vấn trong câu chuyện này, song một sự thật đáng suy ngẫm hơn hết chính là căn bệnh sính bằng cấp của các vị cán bộ lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước như ông Quang.

Sau rắc rối đến từ câu chuyện vay hai tỉ đồng với lãi suất không thể thấp hơn của cấp dưới hơn tháng trước, thì liên tiếp sau đó ông Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang lại phải vác đơn đi kêu oan khắp nơi để cứu vãn danh dự trước sự lên án kịch liệt của dư luận và báo chí về việc khai sai bằng cấp. Còn nhớ năm 2007, lúc mới nhậm chức Thứ trưởng Bộ Y tế không lâu, ông Cao Minh Quang được báo chí hết sức chú ý với những phát biểu đanh thép về chuyện giá thuốc ở Việt Nam. Lời khẳng định: “Giá thuốc không được cao hơn những nước có cùng điều kiện như Việt Nam” của ông Cao Minh Quang như một lời tuyên chiến với các doanh nghiệp đang thao túng thị trường dược đầy sự phi lý ở nước ta.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của mình ông Quang chưa làm được những điều mà người dân mong mỏi là khống chế sự leo thang của giá thuốc. Trong khi cuộc chiến chống lại các doanh nghiệp dược của ông Quang chưa đạt được kết quả thì có một cuộc chiến khác nhằm vùi dập thanh danh của ông đã khởi phát. Đầu tiên là khoản vay hai tỉ đồng, dù hành vi này không sai nhưng nó cũng khiến dư luận phải đặt vấn đề về vị trí công tác của ông Thứ trưởng phụ trách mảng dược. Và để bồi đắp thêm sự nghi ngờ này, câu chuyện tấm bằng tiến sĩ đã bùng nổ trên hàng loạt tờ báo khiến cho ông Thứ trưởng dù đương chức nhưng thân bại danh liệt trên mặt bằng truyền thông. Câu hỏi đặt ra là ông Thứ trưởng Cao Minh Quang đã đắc tội với ai mà bị đánh đập thảm thương tới mức đó, có lẽ bản thân ông Quang hiểu rõ điều này hơn ai hết!

Song, một điều thảm hại hơn ở câu chuyện này là hình ảnh một trí thức, một quan chức cao cấp như ông Quang lại phải lọ mọ đơn từ gửi khắp các cơ quan chức năng để kêu oan về chuyện bằng cấp. Tuy nhiên, chuyện này cũng có một điều hết sức khó hiểu là theo thông tin chúng tôi được biết thì khi đề bạt từ Cục trưởng Cục Quản lý Dược lên Thứ trưởng Bộ Y tế, trong hồ sơ của ông Quang đã có tờ giấy xác nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận chứng chỉ đó tương đương tiến sĩ dược học. Chính tờ xác nhận với chữ ký của một Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo này đã “khoác” thêm cho ông Quang cái “mác” tiến sĩ và trở thành công cụ để thăng tiến lên chức Thứ trưởng.

Thế mà vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần ra văn bản khẳng định, ông Cao Minh Quang – Thứ trưởng Bộ Y tế chưa có bằng tiến sĩ. Trong câu chuyện này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại sao lại có sự bất nhất như vậy? Lúc trước thì nói chứng chỉ đó tương đương với tiến sĩ dược học, rồi sau lại nói đó chỉ là văn bằng trình độ tiền tiến sĩ (Pre-doctoral Degree)? Phải chăng, đằng sau nó đang có những chuyện khuất tất chưa được làm rõ? Và hành động “kêu oan”, gửi đơn đề nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo để yêu cầu làm rõ giá trị thực của tấm bằng tiến sĩ của mình, liệu có phải ông Quang cố tình không hiểu hay lại “diễn trò” chối tội!?

Công bằng mà nói, cái chứng chỉ mà ông Quang đã bỏ công sức, tiền của học hành lấy tại Thụy Điển về không hề vớ vẩn. Nó cho thấy ông Quang đã đạt trình độ trên thạc sĩ và đủ điều kiện lấy bằng tiến sĩ tại Thụy Điển. Với trình độ đó thôi, lẽ ra ông Quang đã hoàn toàn tự tin để thực hiện công việc của mình mà chẳng cần phải khai trong name card cái học vị tiến sĩ làm gì. Lẽ ra một trí thức như ông không đáng để chuốc lấy sự hèn chỉ vì một mảnh giấy như thế. Nhưng vì đâu mà ông làm nên nông nỗi ấy?

Ông Cao Minh Quang không phải quan chức đầu tiên lại càng không phải quan chức cuối cùng khốn khổ vì bằng cấp như thế. Có lẽ không ở đâu trên thế gian này mà quan chức lại khốn khổ vì bằng cấp như tại Việt Nam. Cho dù tấm bằng nhiều khi chẳng liên quan gì đến công việc mà họ phải thực hiện hằng ngày. Tấm bằng dù chẳng liên quan đến nhiệm vụ nhưng vẫn luôn là cái cớ thuyết phục để một ai đó, ngồi vào một chỗ nào đó. Và tấm bằng cũng là cái cớ để người ta vùi dập thanh danh của những người như ông Quang. Dẫu ông có là tiến sĩ hay thạc sĩ dược thì khả năng quản lý trong vai trò Thứ trưởng của ông chắc chắn cũng chẳng khá hơn hay kém đi. Tấm bằng dù trên thực tế không thay đổi được khả năng quản lý ngành Dược của ông Quang song ông Thứ trưởng cũng phải làm cái việc gian dối để nâng cấp nó một chút. Đó không đơn thuần là chuyện háo danh, mà đó là hậu quả của một cơ chế thúc đẩy hành vi bình thường trong xã hội khi mà cái sự sính bằng cấp đã thành một bệnh dịch.

Vì bằng cấp mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các ban, ngành thay vì phải dụng công nghiên cứu chuyên môn, sâu sát thực tế lại phải dùng thời gian quý báu đó theo học đủ loại chương trình để đạt được những cái chứng chỉ chẳng liên quan gì đến chuyên môn công việc của mình. Bệnh sính bằng cấp cũng đẩy đội ngũ cán bộ quan chức của chúng ta vào cái vòng luẩn quẩn khi nhiệm vụ phục vụ đất nước và nhân dân trở thành sự nghiệp chuẩn hóa bằng cấp trên suốt con đường tiến thân. Thay vì vận dụng tối ưu những kiến thức và kỹ năng được đào tạo của mình trước khi được đề bạt để làm tốt nhất nhiệm vụ thì nhiều người phải hì hục, lục đục đi sưu tầm bằng mọi giá các văn bằng chứng chỉ khác cho đến khi kết thúc sự nghiệp và chợt nhận ra mình chẳng hề để lại dấu ấn gì đáng kể trong đoạn đường đã đi qua!

Trở lại câu chuyện bằng cấp của ông Thứ trưởng Cao Minh Quang, sự gian dối bằng cấp đã khiến ông phải trả giá đắt, nó như đặt dấu kết cho thanh danh của ông. Song đây là sự trả giá mà lẽ ra ông Thứ trưởng không cần thiết phải tạo ra để rồi bị sức nặng của nó kéo đổ cả sự nghiệp của mình. Và hơn hết, câu chuyện này có lẽ không phải là nỗi buồn của riêng ông Quang mà là chuyện buồn của cả xã hội khi mà giá trị của một con người không được đánh giá bởi bản thân mà bởi những mảnh giấy chứng nhận nhiều khi chẳng liên quan.

Lê Trúc – Linh Đan