Khi công nghiệp dầu phương Tây ngoảnh mặt với Trung Đông

07:25 | 01/01/2012

729 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong nhiều thập niên, các công ty dầu khí lớn trên thế giới đều tranh nhau xí phần tại những khu vực khai thác truyền thống là Trung Đông, châu Phi và biển Caspian. Tuy nhiên, với những bất ổn chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông cùng sự nhạy cảm cực độ của thị trường dầu thô trước các biến động kinh tế, sự tập trung chiến lược khai thác của những công ty dầu khí khổng lồ đang bắt đầu thay đổi về mặt địa lý.

Ngày 28/12/2011, Iran lại ngúng nguẩy dọa khóa cửa eo biển Hormuz như một đòn trả đũa đối với việc phương Tây áp đặt lệnh cấm vận nguồn xuất khẩu dầu nước này. Cửa ngõ hẹp 54km trên là lối duy nhất thông ra đại dương đối với những chuyến tàu dầu của các nước vùng vịnh Ba Tư. Lối hành xử Chí Phèo theo kiểu “Trạng chết Chúa cũng băng hà” của Tehran là một ví dụ nữa cho thấy yếu tố phụ thuộc nguồn dầu Trung Đông luôn tiềm ẩn rủi ro. Sự kiện OPEC cấm vận năm 1973 (khi Mỹ và châu Âu ủng hộ Israel chống lại các nước Arập trong cuộc chiến Yom Kippur) luôn là bài học kinh điển cho thấy yếu tố chính trị nhạy cảm của dầu. Do vậy, việc tìm nguồn thay thế đã được phương Tây tiến hành nhiều năm qua.

Cho đến gần đây, theo Wall Street Journal (5/12/2011), các công ty dầu phương Tây tin rằng, họ đã có thể vẽ lại được bản đồ năng lượng. Có thể nói việc các tập đoàn dầu khí phương Tây chuyển hướng trở về “nhà” đang tạo ra một cuộc cách mạng về khai thác năng lượng thế giới trong tương lai. Nhờ sự đầu tư liên tục vào kỹ thuật, các đại gia dầu khí phương Tây nay đã có thể khai thác dầu từ những nguồn mà trước đây gặp nhiều khó khăn. Đó là nguồn dầu khí đá phiến sét (shale gas-oil), tập trung tại khu vực Bắc Mỹ. Công nghiệp dầu khí Mỹ đang đi đầu trong kỹ thuật khai thác dầu đá phiến.

Đến trước năm 2020, nguồn dầu khí đá phiến có thể chiếm 1/3 tổng sản lượng dầu khí Mỹ – theo Hãng tư vấn công nghiệp năng lượng PFC Energy tại Washington DC. Đến thời điểm đó, Mỹ sẽ là nhà sản xuất dầu khí số một thế giới, qua mặt cả Nga và Arập Xêút. Điều đó có nghĩa Mỹ không còn bị “hành” bởi văn hóa “làm reo” của OPEC và cũng không lệ thuộc vào sự chi phối bởi xung đột địa chính trị tại các nước sản xuất dầu truyền thống ở Trung Đông…

Khí hóa lỏng (LNG) cũng là một xu hướng nhằm hạn chế lệ thuộc nguồn dầu thô truyền thống

Không chỉ bởi yếu tố rủi ro cao khi đầu tư vào khu vực rối ren chính trị, các công ty dầu phương Tây còn đụng đầu với công ty dầu nhà nước bản địa, đặc biệt tại những nơi vốn luôn dè dặt mở cửa, chẳng hạn như Venezuela hoặc Nga. Do đó, các tập đoàn dầu khí quốc tế, xét về truyền thống đầu tư, phải đối mặt sự chọn lựa: hoặc đầu tư vào nơi có thể dễ khai thác nguồn dầu nhưng gặp nguy cơ cao về chính trị; hoặc tìm cơ hội tại những nước ổn định chính trị nhưng nguồn dầu khó khai thác (đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn kém…).

Liên tục nhiều năm qua, các tập đoàn dầu khí quốc tế luôn cố tìm cách xoay xở. Họ xây những nhà máy sản xuất khí hóa lỏng (LNG) khổng lồ. Họ khoan dò tìm dầu ở những vùng biển nước sâu và xa bờ. Họ suy nghĩ làm thế nào để “vắt” dầu từ “cát hắc ín” (tar sands) ở Alberta (Canada). Họ phát triển những kỹ thuật độc đáo chẳng hạn có thể khoan ngang để lấy khí đốt từ đá phiến (shale rock). Cuối cùng, với sự miệt mài đầu tư cho kỹ thuật, có thể nói bây giờ các tập đoàn dầu khí quốc tế đã có thể lấy dầu từ những nguồn phi truyền thống, với việc khai thác dồn vào những khu vực thuộc “đất nhà” (Bắc Mỹ) hay thuộc những nước phương Tây đồng minh.

Trở ngại đối với các tập đoàn dầu khí phương Tây là sự phản đối dữ dội của giới môi trường, khi họ đoán chắc rằng, việc khoan lấy dầu – khí từ đá phiến có thể tạo ra những vỡ nứt địa chất khiến ô nhiễm nguồn nước. Khó khăn thứ hai là vấn đề tài chính. Trong khi nguồn dầu – khí truyền thống có thể được lấy dễ dàng và xoay vòng vốn nhanh xét về đầu tư, các dự án khai thác dầu – khí đá phiến hoặc thọc mũi vào những nơi xa bờ mất nhiều thời gian và chi phí cũng cao hơn.

Một mỏ dầu đá phiến tại Alberta (Canada)

Tuy nhiên, với nhiều nhà phân tích, dù có thể không kiếm lãi nhanh trong thời gian ngắn hạn nhưng về lâu dài, kỹ thuật khai thác dầu đá phiến không ẩn chứa những rủi ro chính trị thường thấy đối với công nghiệp dầu khí thế giới lâu nay. Khi theo đuổi khai thác nguồn năng lượng phi truyền thống, các công ty dầu quốc tế bây giờ chỉ làm việc với các nước thuộc khối OECD (Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế). Hãng tư vấn năng lượng khổng lồ Wood Mackenzie cho biết, sự đầu tư khai thác của công nghiệp dầu tương lai sẽ tập trung ở Bắc Mỹ, châu Âu và Australia.

Cách đây 7 năm, Shell – một gương mặt lỳ vốn nổi tiếng với những cuộc đầu tư vào nhiều địa điểm nóng trong đó có Nigeria – đã quyết định chuyển hướng đầu tư khai thác tại các nước phát triển, nơi có môi trường thân thiện, chính sách thuế minh bạch và tất nhiên không xảy màn ngẫu hứng quốc hữu hóa bất tử. Tương tự, Exxon Mobil cũng dồn sức vào khu vực Bắc Mỹ. Với Chevron, họ tập trung vào ba khu vực: Vịnh Mexico, duyên hải Tây Phi và bờ Tây nước Australia.

Vài năm gần đây, Chevron đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực LNG tại Australia đồng thời mở rộng hoạt động tại châu Âu, nơi có trữ lượng khí đá phiến ngang ngửa Mỹ. Chevron đã mua hàng triệu hécta đất tại Ba Lan và Romania để chuẩn bị khoan lấy khí đá phiến. Với BP, họ không đầu tư nhiều vào dầu khí đá phiến mà vẫn xoáy mạnh vào lĩnh vực vốn là sở trường: khoan nước sâu, với những kỹ thuật hiện đại mà họ tin rằng mình không có đối thủ. Đến nay, BP vẫn không hiện diện đậm nét tại OECD so với Shell và những dự án lớn nhất của họ tiếp tục tập trung tại những nước nghèo hơn như Angola, Azerbaijan và Nga. Vài năm gần đây, BP đã trúng loạt thầu quan trọng tại Ấn Độ, Iraq, Ai Cập và Jordan.

Với một số nhà phân tích, việc BP không mặn mà “chơi” nguồn dầu khí phi truyền thống chứng tỏ rằng tư tưởng bảo thủ của người Anh vẫn còn nặng nề. Đến một lúc nào đó, khi BP nhìn lại, họ sẽ thấy mình đã đánh mất cơ hội một cách đáng tiếc…

Lư Trung

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc