Khám phá “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”
Trưng bày do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Bình Dương, Bảo tàng Đồng Tháp, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lâm Đồng, Bảo tàng Phú Thọ, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, Viện Goethe Hà Nội cùng 3 bảo tàng quốc gia Đức là Herme, Chemnitz, Reiss-Engelhorn tổ chức.
![]() |
Lễ cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" |
Với gần 300 hiện vật khảo cổ học tiêu biểu từ thời Tiền sử đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII), trưng bày chuyên đề được chia làm 3 phần chính: “Báu vật khảo cổ thời Tiền sử”; “Báu vật khảo cổ học thời đại Kim khí”; “Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử”.
“Báu vật khảo cổ học thời Tiền sử” tập trung giới thiệu những hiện vật điển hình của một số di tích khảo cổ học Tiền sử tiêu biểu thuộc các loại hình như: Công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm… được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam. Phần trưng bày này cũng giới thiệu những hình ảnh về cuộc khai quật tại Hang Hùm (Yên Bái) năm 1964. Đây là cuộc khai quật lớn đánh dấu mốc đầu tiên trong quan hệ hợp tác nghiên cứu khảo cổ học giữa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ Đức. Tại Hang Hùm các chuyên gia khảo cổ học người Đức và Viện khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy những dấu vết, những hiện vật thuộc hậu kỳ đồ đá cũ - văn hóa Sơn Vi…
Phần “Báu vật khảo cổ học thời đại Kim khí” trưng bày các hiện vật tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam. Trong đó văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa thời đại kim khí, có nguồn gốc bản địa, hội tụ và phát triển trực tiếp từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn ở 3 lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Lam ở miền Bắc Việt Nam. Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp M. Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909. Đây là nền văn hoá có táng thức chủ đạo dùng chum, vò gốm có kích thước lớn làm quan tài với những tích mộ táng - những khu mộ địa độc lập trên sườn cồn cát, đồi gò ven sông, trên những giồng đất cao. Đồ tuỳ táng giàu có từ nhiều chất liệu khác nhau bằng sắt, gốm, thuỷ tinh, mã não… với những loại hình độc đáo. Trưng bày về văn hóa Đồng Nai tập trung giới thiệu những hiện vật ở một số di tích do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tham gia nghiên cứu khai quật…
![]() |
Một số báu vật khảo cổ học Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia |
Phần “Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử” gồm 4 nội dung trưng bày nhỏ. Đầu tiên là nội dung về bày báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên với một số hiện vật được tìm thấy trong mộ gạch thế kỷ 1 - 3.
Tiếp theo là khu nội dung về “Chăm pa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn” tập trung giới thiệu những tác phẩm điêu khắc đá với thể khối lớn thuộc các phong cách Trà Kiệu - Quảng Nam, Tháp Mẫm - Bình Định; nhóm hiện vật thuộc di tích Cấm Mít - Đà Nẵng do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật năm 2012. Đặc biệt, ở nội dung này có hiện vật đại diện cho những phát hiện mới của khảo cổ học Việt Nam là tượng Mukhalinga đá sa thạch phát hiện năm 2012 tại Mỹ Sơn - Quảng Nam.
Khu giới thiệu đến công chúng là “Văn hóa Óc Eo - Phù Nam”. Đây là một nền văn hóa cổ trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, được khám phá dựa vào những di vật đầu tiên mà Louis Malleret khai quật được tại gò Óc Eo (xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) năm 1944, và dựa vào những di vật sưu tập được ở nhiều nơi trong lưu vực sông Tiền, sông Hậu của các nhà khảo cổ Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX.
Cuối cùng là “Báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam” giới thiệu những di tích thành quách đền đài do các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện, nghiên cứu suốt hơn 60 năm qua. Trong đó có hiện vật là những dấu tích thành cổ; đặc biệt là hiện vật tìm thấy tại 2 trung tâm di sản văn hóa thế giới là thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); hiện vật khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm năm 1997-1999…
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phát biểu tại lễ khai mạc |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Các hiện vật được giới thiệu tại triển lãm là kết quả sau nhiều năm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi nghiệp vụ với các bảo tàng quốc gia trên thế giới, trong đó có các bảo tàng khảo cổ học của Đức.
Trưng bày "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" sẽ giúp người dân và khách tham quan ở Việt Nam được chiêm ngưỡng sâu sắc hơn thành tựu khảo cổ học Việt Nam và quan trọng hơn có được một cách tiếp cận, cách nhìn xuyên suốt về lịch sử đất nước, trải dài trên cả 3 miền qua các thời kỳ thông qua các hiện vật”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.
![]() |
Lễ tiếp nhận hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia |
Trước đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và một số bảo tàng, di tích Việt Nam phối hợp với một số bảo tàng của Đức tổ chức trưng bày chuyên đề: “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Đức từ tháng 10/2016 đến tháng 2/2018. Bên cạnh hoạt động trưng bày, sự hợp tác văn hóa Việt Nam - Đức còn được phối hợp thực hiện trên các lĩnh vực như: Nghiên cứu học thuật, khai quật khảo cổ học, bảo quản, đào tạo, xuất bản...
Trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” diễn ra từ ngày 12/4 và kéo dài đến tháng 7/2018, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội
![]() |
Mũi tên đồng (Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội), báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí văn hóa Đông Sơn. |
![]() |
Trống đồng Sao Vàng, thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 2.500 năm-2.000 năm), là chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất hiện biết ở Việt Nam (cao 86 cm, đường kính mặt 116cm). |
![]() |
Mô hình nhà bằng đất nung, thuộc nhóm hiện vật tìm thấy ở di tích thành cổ Luy Lâu và trong những ngôi mộ gạch thế kỷ I-III. |
![]() |
Tượng nghê làm bằng đồng thế kỷ 16. |
![]() |
Trưng bày thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng |
![]() |
Trưng bày đặc biệt ý nghĩa với thế hệ trẻ khi tìm hiểu và thấy được cả quá trình phát triển văn hóa Việt Nam |
Nguyễn Hoan
-
Vui Tết Trung thu “Đèn thu lung linh” tại Hoàng thành Thăng Long
-
Vui Tết Trung thu “Lung linh trăng rằm” tại Hoàng thành Thăng Long
-
Đa dạng hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào đón Tết Nguyên đán 2020
-
Trưng bày tư liệu quý về “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội”
-
Trải nghiệm, tìm hiểu Tết xưa tại Hoàng thành Thăng Long
-
Đại biểu Quốc hội: Không thể “quản lý kém” mà cấm dạy thêm, học thêm
-
Vì sao Telegram bị chặn ở Việt Nam?
-
Yêu cầu đọc rõ ràng nội dung tên sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm
-
Đại biểu Quốc hội: Miễn học phí nhưng phải làm rõ cơ chế, tránh phát sinh khoản thu khác
-
Đề xuất miễn học phí trường công, hỗ trợ học sinh trường tư
- Tử vi tuần mới (19-25/5/2025): Tuổi Mão sự nghiệp suôn sẻ, tuổi Thân thành công bất ngờ
- Vesak 2025: Tinh thần hòa bình và lòng từ bi lan tỏa toàn cầu
- Tử vi tuần mới (12-18/5/2025): Tuổi Tý phát triển rực rỡ, tuổi Ngọ khẳng định tài năng
- Tử vi tuần mới (5-11/5/2025): Tuổi Tỵ mọi sự hanh thông, tuổi Mùi động lực thăng tiến
- Tử vi tháng 5/2025: Tuổi Mão đỉnh cao sự nghiệp, tình Dậu tình cảm thăng hoa
- Tử vi tuần mới (28/4-4/5/2025): Tuổi Thìn sự nghiệp thăng tiến, tuổi Hợi thành tựu tự hào
- Tử vi tuần mới (21-27/4/2025): Tuổi Tuất năng lượng dồi dào, tuổi Tỵ quý nhân tương trợ
- [VIDEO] Ngắm tượng Phật Quan âm cao nhất Đông Nam Á tại Quảng Ngãi