Iran “mở cửa” gây áp lực lớn đối với Arập Xêút

07:00 | 19/08/2016

1,712 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu kế hoạch “mở cửa” ngành dầu khí cho đầu tư nước ngoài, với các hợp đồng dầu khí kiểu mới của Iran thành công thì đây sẽ là nỗi lo với đối thủ truyền kiếp của họ - Arập Xêút.

Iran đã tiến một bước lớn trong nỗ lực đưa các nhà đầu tư nước ngoài trở lại lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của mình. Tuần trước, nội các Tehran đã chấp thuận các điều khoản chung của mô hình hợp đồng dầu khí mới sẽ chi phối hoạt động đầu tư của các công ty dầu khí nước ngoài tại Iran. Đây là một sự cố gắng rất lớn, bởi nó đã phải vượt qua sự chỉ trích hàng tháng trời của phe bảo thủ ở Tehran - những người phản đối các nhượng bộ để được phương Tây dỡ bỏ biện pháp trừng phạt.

iran mo cua gay ap luc lon doi voi arap xeut
Iran đang kỳ vọng hút hàng chục tỉ USD đầu tư nước ngoài mỗi năm vào lĩnh vực dầu khí

Mô hình hợp đồng đầu tư dầu khí mới của Iran được đánh giá là đủ triển vọng và đủ hấp dẫn. Mặc dù giữ nguyên khẳng định các dự trữ dầu mỏ và khí đốt vẫn thuộc chủ quyền sở hữu của Iran, nhưng các điều khoản mới của hợp đồng mở đường cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong 3 loại dự án: (1) Thăm dò - nếu thành công thì được tham gia phát triển và khai thác; (2) Phát triển dự trữ đã được phát hiện, nhưng chưa phát triển; (3) Sử dụng kỹ thuật tăng cường thu hồi dầu để nâng sản lượng từ các mỏ trưởng thành.

Ngoài ra, các hợp đồng có thời hạn kéo dài tới 20 năm, kể từ khi bắt đầu phát triển, có thể tính thêm thời gian thăm dò, nếu thích hợp. Các dự án tăng cường thu hồi dầu có thể kéo dài thêm 5 năm sau đó. Nhà đầu tư nước ngoài có thể được thanh toán bằng tiền mặt hoặc được chia sản lượng đầu ra tùy thỏa thuận của nhà đầu tư với Công ty Dầu Quốc gia Iran (NIOC). Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng được bảo đảm sẽ không bị ảnh hưởng trước quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) (nếu có) trong tương lai.

Đây được xem là những điều kiện thuận lợi và có tính ưu đãi cao, cho thấy quyết tâm và tham vọng của Chính phủ Iran, bằng mọi cách thúc đẩy sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu của mình.

Ở thời điểm hiện tại, sản lượng khai thác của Iran đang đạt mức 3,8 triệu thùng/ngày và có thể tăng lên mức 4 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, bằng với mức trước khi bị cấm vận vào năm 2012. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi các lệnh cấm vận bị bãi bỏ, Iran đã tăng gấp rưỡi sản lượng xuất khẩu dầu của mình, hiện đạt mức 2 triệu thùng/ngày, trong đó với những tỷ lệ tăng trưởng rất cao: sản lượng xuất khẩu của Iran vào thị trường Nhật Bản tăng 28%, ở Ấn Độ là 63% và ở Hàn Quốc là 123%.

Bước tiếp theo trong kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu lên mức của thời hoàng kim trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 (từng xuất khẩu 5,4 triệu thùng/ngày), Iran cần sự hỗ trợ của các công ty dầu mỏ nước ngoài cả về vốn và công nghệ. Và điều này phức tạp hơn nhiều.

Thứ nhất, hợp đồng dầu khí kiểu mới của Iran cần phải được Quốc hội nước này thông qua. Việc này cũng được dự đoán là sẽ gặp không ít khó khăn, do cũng có những người phản đối.

Thứ hai, kinh nghiệm của nước láng giềng Iraq cho thấy, trước mắt Iran vẫn còn cả một con đường dài đầy khó khăn để đi, ngay cả khi hợp đồng dầu khí kiểu mới với những ưu đãi hấp dẫn kể trên được Quốc hội thông qua.

Baghdad đã phê duyệt Luật Dầu khí mới, mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này vào tháng 3-2007, 4 năm sau cuộc chiến xâm lược, lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein của Mỹ. Tuy nhiên, phải đến hai năm rưỡi sau, hợp đồng dầu khí đầu tiên mới được trao cho một nhà đầu tư nước ngoài (không kể hợp đồng năm 2008 với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) vốn đã được thương thảo từ thời Saddam Hussein). Nhiều công ty ngoại quốc chưa tham dự đợt đấu thầu đầu tiên, vì lợi nhuận hứa hẹn chưa đủ hấp dẫn. Đối với Iran cũng vậy, việc thanh toán theo yêu cầu của nhà thầu nước ngoài sẽ là yếu tố lớn trong việc xác định người chiến thắng.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện hợp đồng dầu khí mới, sản lượng khai thác dầu của Iraq đã tăng thêm 80% (khoảng 2 triệu thùng/ngày) trong vòng 6 năm.

Iran hiện cũng đang kỳ vọng một tốc độ tăng trưởng tương tự, thậm chí là cao hơn, khi mà các điều kiện về cơ sở hạ tầng và ổn định kinh tế - chính trị Iran hiện tại tốt hơn nhiều so với Iraq hồi năm 2007 - kinh tế kiệt quệ, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh. Nhưng vấn đề là ở chỗ, không ai chắc chắn được lệnh trừng phạt Iran sẽ quay trở lại lúc nào, trong bối cảnh những tin tức tình báo về việc Tehran có thể sở hữu đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo vào cuối năm 2017 vẫn cứ rập rình, trôi nổi trên các mặt báo. Và liệu các ngân hàng phương Tây có sẵn sàng cho vay đối với các dự án ở Iran hay không cũng là một câu hỏi khiến bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải băn khoăn.

Tuy nhiên, nếu kế hoạch mở cửa ngành dầu khí cho đầu tư nước ngoài, với các hợp đồng dầu khí kiểu mới của Iran thành công thì đây sẽ là một cơn ác mộng với các đối thủ đang tranh giành thị phần với họ trên thị trường dầu mỏ thế giới, đặc biệt là “kẻ thù truyền kiếp” Arập Xêút.

Hiện Arập Xêút vẫn chưa dứt khoát mở cửa ngành dầu lửa của mình một cách hoàn toàn. Arập Xêút dù đã lên kế hoạch cổ phần hóa công ty dầu khí quốc gia lớn nhất của mình là Saudi Aramco, nhưng vẫn chưa chính thức triển khai. Các bước đi của Iran chắc chắn sẽ gây áp lực rất lớn đối với Arập Xêút - “ông hoàng” vẫn đang muốn “chơi đến cùng” trong cuộc chiến giá dầu.

Linh Phương

Năng lượng Mới 548