Hy Lạp: Thủ tướng “bán cái” cho người dân

07:00 | 30/06/2015

1,972 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề nợ công của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras được cho là hành động “đá quả bóng” trách nhiệm sang chân người dân. Liệu đây có phải là “cửa thoát hiểm” an toàn cho ông Tsipras?  

Năng lượng Mới số 435

Nhằm đối phó với “tối hậu thư” của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vào khuya ngày 26/6, trên hệ thống truyền hình Hy Lạp, Thủ tướng Tsipras bất ngờ thông báo quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới đây. Đối với Thủ tướng Hy Lạp, trưng cầu dân ý là chọn lựa duy nhất còn lại hiện nay.

Nội dung câu hỏi là tán đồng hay không kế hoạch cải tổ mà các chủ nợ muốn Hy Lạp áp dụng đề đánh đổi lấy việc tháo khoán phần cuối trong khoản trợ giúp 7,2 tỉ euro mà Athens đang cần để tránh vỡ nợ. Nói cách khác, nếu người dân đồng ý, Hy Lạp sẽ ở lại trong khối euro. Bằng không, Hy Lạp sẽ phải rời khỏi khối EU.

Thủ tướng “bán cái” cho người dân

Người dân Hy Lạp xếp hàng chờ rút tiền tại máy rút tiền tự động ở Athens ngày 27/6

Đến ngày 28/6, với 178/300 phiếu thuận, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Tsipras. Chưa biết kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới ra sao, nhưng tới ngày 30-6 mà Athens không trả nợ 1,6 tỉ euro cho IMF thì coi như nước này vỡ nợ. Hôm 26/6, Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã từ chối kế hoạch gia hạn chương trình cứu trợ đối với Hy Lạp sau khi nước này đã nhiều lần “chầy bửa”.

Báo chí Đức ngày 27/6 đưa tin, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tspiras không hề thông báo trước cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ý định tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân ở nước này về kế hoạch cải cách và thắt lưng buộc bụng, khiến các lãnh đạo châu Âu bất ngờ và chưa có phản ứng kịp.

Kế hoạch trưng cầu dân ý của ông Tsipras cũng đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều ngay tại Hy Lạp. Ba đảng trong phe đối lập tại Quốc hội Hy Lạp (đảng Xã hội Pasok, đảng Dân chủ Mới và đảng Potami) đã bỏ phiếu chống. Các đối thủ của Thủ tướng Tsipras nêu lên câu hỏi: liệu ý định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như vậy có khả thi hay không? Theo bà Evy Christofilopoulou, dân biểu đảng Xã hội Pasok ‘‘Hy Lạp chỉ trong vòng năm ngày, không thể nào tổ chức và thiết lập các chi tiết kỹ thuật, huy động các định chế để bảo đảm cho cuộc bỏ phiếu dân chủ”. Một lập luận khác của phe đối lập: Hiến pháp Hy Lạp chỉ cho phép tổ chức trưng cầu dân ý hạn chế cho những vấn đề then chốt quốc gia. Còn theo đảng Dân chủ Mới và đảng Xã hội, các vấn đề then chốt ấy chỉ có thể được áp dụng cho ‘‘an ninh quốc gia” và “đối ngoại”.

Thế nhưng, theo Aglaia Kyritsi, một đại biểu thuộc đảng cầm quyền Syriza của ông Tsipras, lập luận của phe đối lập là không có cơ sở. Bà Kyritsi đánh giá rằng: “Đây rõ ràng là một quyết định dân chủ, mang tính lịch sử. Qua trưng cầu dân ý, chính phủ đã đề nghị người dân Hy Lạp lấy quyết định cho vận mệnh đất nước, cho nền dân chủ cũng như chủ quyền quốc gia”.

Các đảng đối lập cũng đặt lại vấn đề về nội dung của câu hỏi, được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý 5-7. Đằng sau câu hỏi khá phức tạp là có nên hay không chấp nhận các đề nghị ‘‘cải cách” của các chủ nợ, thật ra có một câu hỏi đơn giản hơn nhiều: Hy Lạp rời hay không rời khối sử dụng đồng euro.

Elias Papachadzis, người dân Athens, cho biết: “Tôi nghĩ trưng cầu dân ý là cần thiết, chúng tôi phải gửi thông điệp tới châu Âu rằng, người Hy Lạp sẽ không chịu bị lệ thuộc”. Nhưng cũng có người lo ngại, nếu cuộc trưng cầu dân ý phản đối các biện pháp khắc khổ, điều kiện để đổi lấy cứu trợ của các chủ nợ, có thể dẫn đến việc Hy Lạp phải rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung. Anh Yanis, nhân viên công sở cho rằng: “Tôi không muốn các biện pháp mới này. Tôi không muốn rời khỏi khu vực sử dụng đồng euro vì nếu mọi người đều nói là “không” có nghĩa là chúng tôi sẽ phải rời khỏi Eurozone. Tôi nghĩ đây là một sai lầm”.

Sau khi thông tin về cuộc trưng cầu dân ý được loan báo, trên khắp thủ đô Athens, ngày càng nhiều người dân Hy Lạp đổ xô đến các cây ATM rút tiền do lo ngại về tương lai đất nước. Theo nguồn tin từ các ngân hàng Hy Lạp, khoảng 35% các địa điểm ATM, tương đương 2.000 máy trong tổng số 5.500 máy ATM trên toàn đất nước, đã hết tiền vào thời điểm tình trạng rút “nóng” xảy ra nhiều nhất trong ngày 27/6. Các ngân hàng nước này cho biết họ đã phối hợp với Ngân hàng Trung ương để nhanh chóng nạp bổ sung thêm tiền, và việc này thường mất 1-2 giờ đối với mỗi máy ATM, khiến người dân phải xếp hàng chờ.

Theo một nhân viên ngân hàng cấp cao, chỉ trong ngày 27/6, khoảng 500-600 triệu euro đã bị rút khỏi hệ thống ngân hàng Hy Lạp. Chính phủ Hy Lạp khẳng định, các ngân hàng sẽ hoạt động như bình thường vào tuần tới và phủ nhận việc nước này sẽ phải áp đặt biện pháp kiểm soát vốn để ngăn nguy cơ các ngân hàng sụp đổ.

Thực ra, các chuyên gia phân tích cho rằng việc tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý về nợ công thực chất là một đòn “bán cái” chính trị của ông Tsipras. Khi tranh cử, ông Tsipras hứa sẽ không để cho người dân Hy Lạp phải chịu khổ thêm vì các biện pháp thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ châu Âu. Giờ thì Hy Lạp bên bờ vực phá sản vì bất tuân theo điều kiện của các chủ nợ. Nếu muốn cứu Athens, ông Tsipras đơn giản chỉ là chấp thuận các yêu cầu của EU giống như các chính phủ tiền nhiệm. Nhưng nếu làm vậy ông sẽ bị mang tiếng là nuốt lời hứa. Nên để cứu nguy đất nước và giữ thể diện cho cá nhân, phương cách trưng cầu dân ý về vấn đề nợ của Hy Lạp xem ra là giải pháp vẹn toàn nhất với Thủ tướng Tsipras vào lúc này.

S.Phương