Ghana:

Hợp tác với Trung Quốc nên hay không?

19:00 | 02/11/2012

852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các cuộc tranh luận gay gắt giữa các đảng phái ở Ghana về tính thiệt hơn trong hợp tác với Trung Quốc đang nổi lên như những vấn đề nóng nhất trong bối cảnh nước này chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 12 tới.

 

>> Trung Quốc quan tâm tới dầu của Ghana

 

>> 'Sóng thần' người Hoa ở châu Phi

 

Tổng thống Ghana John Atta Mills thăm Trung Quốc hồi tháng 9/2010

Theo Tạp chí Africa-Asia Confidential, cả hai đảng chủ chốt trên chính trường Ghana hiện nay là đảng Quốc đại Dân chủ (NDC) cầm quyền và đảng Tân Ái quốc (NPP) đối lập, đều nhất trí rằng nguồn tài trợ từ Ngân hàng phát triển Trung Quốc và Ngân hàng xuất-nhập khẩu Trung Quốc là cần thiết để phát triến hạ tầng của đất nước. Tuy nhiên, họ bất đồng gay gắt về các điều khoản cũng như cách thức thương lượng nhằm tránh gây thua thiệt cho Ghana.          

Ứng cử viên tổng thống đối lập hàng đầu của Ghana Addo Dankwah Akufo-Addo và đảng NPP của ông đang phát động chiến dịch chỉ trích việc hợp tác với Trung Quốc trong các dự án năng lượng và viễn thông. Ông Akufo-Addo cho rằng những điều khoản trong thoả thuận song phương sẽ làm Ghana thiệt hại hàng trăm triệu USD. Trong khi Liên minh vì một chính phủ có trách nhiệm (AFAG) cáo buộc Công ty Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc đã dành 43 triệu USD được miễn thuế để đóng góp cho đảng NDC cầm quyền, thì ngày 18/10 vừa qua, Diễn đàn xã hội công dân về dầu mỏ và khí đốt (CSPOG) đã kêu gọi mở một cuộc điều tra về việc chuyển giá và chi phí mà họ cho là quá cao trong xây dựng hạ tầng khai thác khí đốt do Tập đoàn dịch vụ dầu khí quốc tế Sinopec (SIPSC) của Trung Quốc đang triển khai tại miền Tây nước này.

     

 Biếm họa về đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi

Tháng 4/2012, khi gói tín dụng 3 tỷ USD mà Ngân hàng phát triển Trung Quốc cho ngành công nghiệp dầu khí Ghana vay được giải ngân đợt đầu, ông Akufo-Addo lập tức phản ứng bằng cách nói rằng ông sẽ rà soát và đàm phán lại các điều khoản nếu ông thắng cử vào tháng 12 tới. Trong khi phê phán chất lượng của các dự án hạ tầng do Trung Quốc xây dựng, ông kêu gọi chính phủ Ghana thực thi luật không cho phép thương gia Trung Quốc tham gia lĩnh vực bán lẻ của nước này.         

Ông Steve Manteaw, Chủ tịch CSPOG, cũng tố cáo SIPSC nâng giá thành xây dựng nhà máy xử lý khí đốt và hệ thống đường ống đang được xây dựng để dẫn khí từ Jubilee Field về Atuabo, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động chuyển giá vật liệu gây thiệt hại cho phía Ghana. CSPOG cũng kêu gọi điều tra ông George Sipa-Adjah Yankey, Tổng Giám đốc Công ty khí đốt quốc gia Ghana (GNGC). Các tổ chức xã hội công dân Ghana cho rằng các điều khoản trong các thoả thuận giữa GNGC và SIPSC phải được đem ra mổ xẻ công khai tại Quốc hội. 

Hiện có từ 750.000 đến 1 triệu người Trung Quốc tại châu Phi và không ngừng tăng

Hồi tháng 4/2012, khi còn là Phó Tổng thống Ghana, ông John Dramani Mahama đã tới Bắc Kinh để ký biên bản giải ngân một tỷ USD đợt đầu từ gói tín dụng mà Ngân hàng phát triển Trung Quốc tài trợ cho việc phát triển hạ tầng ngành khí đốt. Sau khi kế nhiệm cố Tổng thống John Atta Mills hồi tháng 7 năm nay, ông nói ông sẽ theo đuổi mọi kế hoạch do ông Mills đề xướng nhằm tranh thủ nguồn vốn của Trung Quốc.         

Trong khi các công ty Trung Quốc thắng thầu nhiều dự án trong lĩnh vực xây dựng đường sá và nhà ở dưới thời Tổng thống Mills thì Tổng thống Mahama giờ đây cũng ủng hộ các công ty Trung Quốc. Ông cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ xây dựng một sân vận động miễn phí tại Cape Coast để vinh danh cố Tổng thống Mills. Ông còn nói các kỹ sư Trung Quốc đã có mặt tại hiện trường để lên kế hoạch xây dựng khu chợ Kotokuraba cũng tại thành phố này.            

Th.Long (Theo AFP)