Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về "Điện Biên Phủ trên không"

07:00 | 22/12/2012

3,844 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - LTS: 40 năm đã trôi qua kể từ trận “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra trên bầu trời Hà Nội. Âm vang của chiến thắng “pháo đài bay B-52” còn vọng mãi đến mai sau, ghi mốc son chói lọi của khí phách kiên cường, trí tuệ dân tộc Việt Nam trước cường quốc đế quốc Mỹ. Trong 12 ngày đêm lịch sử ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ trọng trách của vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch, giáng đòn quyết định vào lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ, giành thắng lợi oanh liệt. Kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng B-52 (12/1972-12/2012), Petrotimes xin trân trọng trích giới thiệu với bạn đọc hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phần nói về trận “Điện Biên Phủ trên không” hào hùng ấy.

Kỳ 1

Hà Nội, tháng 12 năm 1972.

Nhiệt độ xuống thấp hơn mọi năm. Cái rét mùa đông cộng vào cái vắng lặng của ba mươi sáu phố phường vừa được lệnh triệt để sơ tán, càng làm cho thời tiết thêm giá buốt.

Cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở Pari, thủ đô nước Pháp, đang ở bước gay go. Sau những ngày tháng ráo riết vận động bầu cử với vai trò “ngoại giao con thoi” và lời hứa mang lại hòa bình, Níchxơn ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ hai. Ở Sài Gòn, ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu run sợ trước những điều khoản bất lợi cho chúng trong thỏa thuận giữa ta và Mỹ ngày 18/10/1972, phản ứng quyết liệt với chủ Mỹ.

Các cuộc họp giữa các bên cuối tháng 11 và đầu tháng 12 không đạt kết quả nào. Trong thời gian này, Mỹ cấp tốc vận chuyển cho Thiệu một khối lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh bằng cả một năm trước đó.

Để xoa dịu Thiệu và mặc cả với ta, Níchxơn trở mặt, ngang ngược đòi sửa đổi nhiều điều khoản trong bản dự thảo hiệp định, lúc này tưởng chừng sắp được ký kết sau hơn ba năm đàm phán tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế trên Đại lộ Klêbe.

Tất nhiên, ta không chấp nhận.

Tình hình rất khẩn trương. Đã mấy ngày liền, anh Văn Tiến Dũng và tôi thường về nhà muộn, có khi ở lại Tổng hành dinh làm việc đến tận nửa đêm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân ngày 28/12/1972

Diễn biến trên mặt trận ngoại giao dự báo, sẽ có những diễn biến mới trên mặt trận quân sự. Chúng tôi chỉ thị cho các cơ quan quân báo, tác chiến thường xuyên báo cáo tình hình địch, tình hình các chiến trường, và yêu cầu Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời những động thái ở Hội nghị Pari. Ghi sâu lời dặn của Bác Hồ đầu năm 1968 khi Người đến thăm Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”, hướng phán đoán là Mỹ có thể mang máy bay ném bom chiến lược B-52, con chủ bài cuối cùng ra mặc cả với ta, đánh sâu vào hậu phương miền Bắc.

Trải qua 8 năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, quân và dân ta đã có nhiều chiến công và kinh nghiệm. Nhưng với B-52 thì còn quá ít.

Nhớ lại giữa năm 1965, Mỹ bắt đầu dùng B-52 đánh phá một số căn cứ của ta ở miền Nam. Ngày 12/4/1966, lần đầu tiên Mỹ dùng B-52 đánh ra miền Bắc ở đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), trục đường số 12, cửa khẩu Việt - Lào. Ngay khi đó, Bác Hồ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu cách đánh B-52. Quyết tâm bắn rơi B-52 được đề ra từ đây. Tháng 5/1966, Trung đoàn tên lửa 238 được điều vào Vĩnh Linh để nghiên cứu đánh B-52. Tại đây, ngày 17/9/1967, trung đoàn này đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên.

Từ tháng 2/1968, Quân ủy Trung ương dự đoán Mỹ có thể dùng B-52 leo thang đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến. Suốt thời gian sau đó, nhiều đoàn cán bộ phòng không - không quân cùng một số trung đoàn tên lửa và biên đội không quân tiêm kích được cử vào nghiên cứu cách đánh B-52 trên vùng trời Quân khu 4.

Đặc biệt, từ tháng 5/1972, để gây sức ép với ta trên bàn đàm phán, Níchxơn ra lệnh mở chiến dịch không quân Lainơbếchcơ (tiền vệ) dùng B-52 trút hàng trăm ngàn tấn bom hòng ngăn chặn sự chi viện mạnh mẽ của miền Bắc cho miền Nam. Đây là một dịp để ta nghiên cứu cách đánh loại máy bay chiến lược này của Mỹ.

Việc nghiên cứu chuẩn bị kế hoạch đánh B-52 được triển khai gấp rút và đã căn bản hoàn thành vào đầu tháng 9/1972. Dựa vào kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chiến đấu và những hiểu biết ngày càng nhiều về vũ khí, khí tài và thủ đoạn hoạt động của địch, tài liệu Cách đánh B-52 sau nhiều lần bổ sung, hoàn chỉnh, đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu của bộ đội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Cũng cần nói thêm rằng, mặc dù sự giúp đỡ của Liên Xô về vũ khí, kỹ thuật là quý báu và có hiệu quả, nhưng từ năm 1969, bạn không viện trợ thêm một quả đạn tên lửa nào. Các bộ khí tài tên lửa, rađa cũng dần dần xuống cấp. Điều đó đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ ta phải ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu suất chiến đấu của vũ khí, khí tài có trong tay.

Ngày 22/11/1972, Trung đoàn tên lửa 263 ở tây Nghệ An bắn hạ một B-52. Chiếc máy bay này rơi ở phía tây Nakhomphanom, cách căn cứ Utapao (Thái Lan) 64 kilômét. Hãng thông tấn Mỹ UPI buộc phải thú nhận tin này. Tuy không bắn rơi máy bay tại chỗ, nhưng lý thuyết sáng tạo bước đầu đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

Các báo cáo của Cục Quân báo trong giao ban hàng ngày ở Bộ Tổng tham mưu cho thấy, địch đang ráo riết chuẩn bị thành lập Bộ chỉ huy hợp nhất không quân chiến lược chỉ huy cả căn cứ Utapao (Thái Lan) và căn cứ Anđécxơn (Guam); tập trung quá nửa số B-52 của không quân Mỹ vào hai căn cứ này; bố trí máy bay tiếp dầu KC135, máy bay trinh sát và gây nhiễu điện tử ở căn cứ Subích (Philíppin).

Cục Tác chiến được lệnh trực ban 24/24 giờ.

Ngày 24/11, anh Văn Tiến Dũng xuống Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân duyệt phương án đánh B-52 của lực lượng phòng không Hà Nội và chỉ thị chậm nhất đến ngày 3/12 phải hoàn toàn tất mọi công tác chuẩn bị.

Các trận địa phòng không của cả ba thứ quân khẩn trương triển khai sẵn sàng chiến đấu.

Trong buổi giao ban ngày 18/12/1972, Cục 2 báo cáo: Hồi 5 giờ sáng. Ta bắt được tin của địch từ sân bay hỏi: “Trực thăng hôm nay cấp cứu ở đâu?”. Trưa hôm ấy, một máy bay RF4C bay qua Hà Nội báo về văn cứ: “Thời tiết quanh Hà Nội hoạt động được”. Trên bầu trời Khu 4, hoạt động của không quân địch đột ngột giảm xuống, đặc biệt không có tốp B-52 nào. Tất cả các đài rađa của mạng cảnh giới mở máy trực ban đều không có nhiễu tích cực. Đây là những dấu hiệu không bình thường, chỉ một ngày sau khi bộ đội phòng không - không quân được lệnh bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

Chiều ngày 18/12/1972, chiếc chuyên cơ BH195 đưa anh Lê Đức Thọ về nước đáp xuống sân bay Gia Lâm lúc 16 giờ 45 phút. Cũng khoảng thời gian ấy, Níchxơn gửi công hàm như một tối hậu thư, hạn trong 72 giờ ta phải trở lại bàn đàm phán theo những điều kiện của Mỹ.

19 giờ 10 phút. Trong phòng làm việc của tôi tại Tổng hành dinh, tiếng chuông điện thoại reo vang từ một trong bốn chiếc máy có chế độ ưu tiên số 1.

Tiếng nói của đồng chí trực ban tác chiến nghe rất rõ:

- Báo cáo thủ trưởng. B-52 cất cánh từ Guam, Utapao đang tới… nhiều tốp bay dọc sông Mê Kông lên phía bắc… các lực lượng phòng không - không quân đã sẵn sàng, vào cấp 1 xong.

Mấy phút sau, còi báo động rú từng hồi.

19 giờ 45 phút. Có tiếng bom nổ ở phía xa xa… Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân báo cáo: Máy bay địch đang đánh phá sân bay Hòa Lạc. Tiếp theo đó, nhiều tốp B-52 vào đánh các sân bay Nội Bài, Gia Lâm. Tiếng ầm ì khô và nặng của động cơ máy bay B-52 mỗi lúc một rõ dần. Những vầng lửa lóe lên, chớp giật liên hồi. Theo sau là những tràng tiếng nổ long trời. Rồng lửa Thăng Long nối nhau, bay vút lên không trung, đan những vệt sáng màu da cam giữa màn đêm Hà Nội.

Một góc khu phố Khâm Thiên sau trận bom B-52 rải thảm đêm 26/12/1972

Cơ quan Tổng hành dinh làm việc hối hả.

Tôi yêu cầu Bộ Tổng tham mưu cứ 5 phút báo cáo một lần.

Cục 2 báo cáo: Níchxơn đã ra lệnh bắt đầu chiến dịch Lainơbếchcơ II, dùng máy bay chiến lược B-52 từ các căn cứ Mỹ ở Thái Lan, Guam, Philíppin tiến công Hà Nội, trong khi các máy bay cường kích F.111 tiến công các sân bay gần đó. Chiếc dịch này đã được Níchxơn, Kítxinhgiơ và tướng Hây (Haig) bàn bạc, quyết định tại phòng bầu dục ở Nhà Trắng ngày 14/12. Để thực hiện kế hoạch này, Bộ Chỉ huy Sư đoàn không quân chiến lược lâm thời số 57 được thành lập. 50 máy bay KC-135 để tiếp dầu cho B-52 được điều thêm sang Philíppin. Trên vịnh Bắc Bộ, 5 tàu sân bay đang hoạt động.

Cục Tác chiến khẩn trương nắm tình hình, liên tiếp chuyển lệnh cho Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.

20 giờ 20 phút. Chuông điện thoại đổ hồi. Ở đầu dây bên kia là đồng chí Nguyễn Quang Bích, Phó tư lệnh Phòng không - Không quân:

- Báo cáo Đại tướng, hồi 20 giờ 16 phút, Tiểu đoàn 59 - Trung đoàn tên lửa 261 bộ đội Phòng không Hà Nội bắn rơi tại chỗ một chiếc B-52.

Tôi hỏi:

- Có đúng B-52 không?

- Báo cáo, đúng là B-52.

Một lát sau, đồng chí Nguyễn Quang Bích báo cáo cụ thể: Đây là chiếc B-52G cất cánh từ Guam. Nó rơi xuống xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.

Tin chiến thắng xé toang bầu không khí căng thẳng. Tổng hành dinh náo nức trong niềm vui được thấy “con ngoáo ộp” B-52 không còn là “bất khả xâm phạm” trước những con “rồng lửa Thăng Long”.

Tôi bước ra ngoài Sở chỉ huy. Trời rét đậm và mưa bụi. Nhưng lòng tôi ấm áp lạ thường…

Trong đêm 18 rạng ngày 19/12, địch sử dụng B-52 cùng không quân chiến thuật liên tiếp hết đợt này đến đợt khác đánh phá Đông Anh, Yên Viên, Mễ Trì, Gia Lâm, Hòa Mục… Thủ đô chìm trong khói lửa.

4 giờ 39 phút sáng ngày 19/12, Tiểu đoàn 77 Trung đoàn tên lửa 257 bắn rơi chiếc B-52 thứ hai. Máy bay rơi tại chỗ trên cánh đồng xã Tân Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

Một sự trùng hợp lịch sử: Hà Nội lại nổi lửa diệt thù đúng vào ngày thủ đô vùng lên kháng chiến, ngày 19/12/1946, hai mươi sáu năm sau.

Nhớ lại tháng 9/1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhận định: Năm 1972, hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa, địch có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng. Ngay ngày hôm sau, nhân danh Bí thư Quân ủy Trung ương, tôi chỉ thị cho các đảng bộ trong toàn quân: “B-52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó chúng có thể đánh vào thủ đô Hà Nội. Quân chủng Phòng không - Không quân phải nghiên cứu kỹ đối tượng này”.

Bộ đội cao xạ, rađa, tên lửa và không quân được lệnh triển khai huấn luyện chiến đấu theo các phương án đã được kết luận. Một số trận địa tên lửa, trận địa cơ động cho pháo cao xạ và sân bay dã chiến được bí mật xây dựng. Dân quân, tự vệ Hà Nội và một số thành phố được bổ sung hỏa lực bắn máy bay. Công tác bảo đảm quan sát, thông tin được tăng cường.

Ngày 25/11/1972, trong chỉ thị: Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, Quân ủy Trung ương cũng nhắc lại: “Sắp tới, địch có thể ném bom bắn phá trở lại các mục tiêu ngoài vĩ tuyến 20 với mức độ ác liệt hơn trước. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B-52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng…”.

Ngày 27/11, Bộ Tổng tư lệnh nhận định có nhiều khả năng địch dùng B-52 đánh vào Hà Nội và ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tăng cường chuẩn bị chiến đấu. Trong bức điện gửi Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh B2, Quân ủy Trung ương cũng đã thông báo dự kiến khả năng này. Mặc dù vậy, do quán triệt quyết tâm chưa tốt, suy nghĩ lúc này vẫn nặng về khả năng địch dùng B-52 đánh phá từ Thanh Hóa trở vào đến Quảng Trị, nên đầu tháng 12 đã có lệnh điều một trung đoàn tên lửa vào Khu 4, tiếp đó lại điều thêm hàng trăm quả đạn tên lửa của phòng không Hà Nội vào theo.

Sáng 19/12, khi khói lửa còn chưa tan hết, Bộ Chính trị họp tại Tổng hành dinh nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo diễn biến trận đánh B-52 trong đêm đầu tiên, khen ngợi chiến công của các lực lượng phòng không và chỉ thị kiên quyết đập tan hành động quân sự điên cuồng, phiêu lưu mới của đế quốc Mỹ.

Buổi chiều, tại Câu lạc bộ quốc tế ở Hà Nội, trước đông đảo phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng công bố những hành động tội ác của địch đêm 18/12 và kết quả tiêu diệt B-52 của quân và dân ta. 6 tù binh Mỹ vừa bị bắt cúi đầu thú nhận nỗi kinh hoàng của chúng trước lưới lửa dày đặc của lực lượng phòng không Hà Nội.

Đêm 19/12, quân ta chiến đấu hiệu suất thấp, mặc dù địch đã cho xuất kích 87 lần chiếc B-52, chỉ kém đêm hôm trước ba lần chiếc. Nguyên nhân do chưa thực hiện đúng hướng dẫn của quân chủng, lại lo thiếu đạn nên chỉ bắn từng quả một.

Thủ đoạn của địch là cho B-52 tập kích vào ban đêm và bay ở độ cao 11 kilômét nhằm tránh hỏa lực của các loại pháo cao xạ. Ngày cũng như đêm, địch tập trung máy bay tiêm kích và cường kích cùng với các biện pháp gây nhiễu tích cực và tiêu cực chế áp, đánh phá các sân bay và trận địa tên lửa, hy vọng sẽ loại trừ hoàn toàn sự uy hiếp của hai lực lượng chủ yếu có thể đánh được B-52 là tên lửa phòng không và máy bay của ta.

Anh Văn Tiến Dũng xuống họp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, chỉ thị phải phát huy sức mạnh của các binh chủng, tích cực tạo điều kiện cho không quân ta đánh B-52, phát huy hiệu suất chiến đấu của bộ đội pháo phòng không để đánh địch ở tầm thấp. Anh còn chỉ đạo cụ thể các mặt bảo đảm chiến đấu để đánh liên tục, dài ngày.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng, các tiểu đoàn tên lửa kịp thời rút kinh nghiệm, tìm ra cách đánh có hiệu quả nhất theo sở trường, sở đoản từng đơn vị. Kết quả đêm 20 rạng ngày 21-12, bộ đội tên lửa đã lập công xuất sắc, phóng 35 quả đạn bắn rơi bảy B-52, có năm chiếc rơi tại chỗ. Các lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Thái cũng hiệp đồng chặt chẽ, bắn rơi bảy máy bay chiến thuật và một máy bay không người lái.

(Xem tiếp kỳ sau)

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp