Hình ảnh miền Bắc trong cơn bão số 5

17:00 | 30/09/2011

624 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trưa 30/9, bão số 5 (Nesat) đã bắt đầu đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió vùng tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 1112. Đã có những thiệt hại đầu tiên. Hà Nội không nằm trong tâm bão, nhưng gió rít liên hồi.

Tại Quảng Ninh xảy ra sự cố sạt lở đất nghiêm trọng

Thống kê thiệt hại ban đầu ở Quảng Ninh đã có 32 ngôi nhà bị tốc mái, gãy đổ một cột viễn thông và rất nhiều cây cối.

Nghiêm trọng hơn, dù đã được neo chằng từ chiều 29-9, tuy nhiên do sóng đánh mạnh, gió lớn đã khiến 3 chiếc tàu cá bị đứt neo trôi ra xa, 5 tàu khác bị sóng đánh đắm. Rất may hệ thống đê bao xung yếu đã được lực lượng của huyện phối hợp với bộ đội gia cố chắc chắn từ chiều 29/9 nên hiện tại vẫn đảm bảo an toàn.

Tại huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) sáng nay gió mạnh cấp 8, cấp 9, các lực lượng chức năng vẫn đang tích cực hỗ trợ người dân chống chọi với bão. Ông Chu Văn Tuyển – giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh – cho biết đang trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, đôn đốc công tác chống bão tại đây.

Tại huyện đảo Cát Hải, đến 9h sáng 30/9 gió mạnh cấp 5, cấp 6. Trong sáng 30/9, hơn 4.900 người dân tại các xã Văn Phong, Nghĩa Lộ, Hoàng Châu, Đồng Bài đã được sơ tán về các địa điểm an toàn tại các xã Trân Châu, Xuân Đám, Hiền Hào. Trước đó toàn bộ 1.000 khách du lịch ra đảo Cát Bà cũng đã được thông báo trở về đất liền.

Tại TP Hạ Long, bắt đầu từ 9h sáng nay, Sở GTVT Quảng Ninh thông báo cấm người đi bộ, xe máy và xe thô sơ lưu thông trên cầu Bãi Cháy. Sở GTVT đã bố trí phương tiện chuyên chở người dân qua cầu trong thời gian cấm.

Ngay trong sáng nay, những hộ dân gặp nguy hiểm được di dời

Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân, tại các điểm xảy ra sự cố đều có cơ quan chức năng tới hiện trường giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả

Khu vực cảng Cái Lân , nước biển dâng cao, có sóng lớn

Bất chấp lệnh cấm, một số người vẫn đi bộ qua cầu

Nhiều địa phương tại Quảng Ninh đã bắt đầu phải gánh chịu hậu quả do bão số 5 đổ bộ.

Cây đổ chắn ngang đường Lê Thanh Tông, đoạn gần ngã tư cột đồng hồ

Người dân được di chuyển đến một trường học an toàn.

Trung tâm thành phố Hải Phòng 8h sáng nay gió bắt đầu xoáy mạnh, cây nghiêng ngả. Tại bãi biển Đồ Sơn, tất cả nhà nghỉ, khách sạn đã đóng cửa và được chèn chắn bằng rất nhiều thanh gỗ bên ngoài. Toàn bộ học sinh thành phố được nghỉ học.

Tại bãi biển Đồ Sơn, tất cả nhà nghỉ, khách sạn đã đóng cửa và được chèn chắn bằng rất nhiều thanh gỗ bên ngoài

Tại huyện đảo Cát Hải, nơi được xác định là xung yếu nhất của Hải Phòng, từ 3h sáng gió xoáy liên hồi. Điện lưới toàn huyện đã bị cắt. Do cấm biển nên giao thông từ đất liền ra đảo Cát Hải tạm thời gián đoạn. Trước đó gần 5.000 người dân ở sát biển, vùng nguy hiểm đã được sơ tán khẩn cấp. Theo lãnh đạo huyện, lo nhất là 4 km đê xung yếu, có khả năng vỡ khi bão đổ bộ kết hợp với triều cường.

Đêm qua, khi vượt qua đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), gió bão đã làm nhiều nhà bị tốc mái, một tàu ở khu 2 Tuần Châu (Quảng Ninh) bị đắm, không có thiệt hại về người.

Nam Định không phải là vùng bão đổ bộ, nhưng cũng chịu ảnh hưởng. 11h trưa, tại xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, nơi cách biển hơn 10 km, gió bão giật mạnh khiến cây cối xác xơ. Các cửa hàng, nhà dân đều đóng kín mít.

"Đường xá vắng tanh, chỉ có ít ôtô và xe máy, tất cả đều phải đi chậm vì gió mưa quất thẳng vào kính xe, vào mặt. Nhiều lúc tôi suýt bị gió đẩy vào gầm ôtô”, anh Hà, người đang đi xe máy về huyện ven biển Giao Thủy cho biết.

Từ đêm qua đến sáng nay, Thanh Hóa có mưa trên diện rộng, gió bão mạnh dần lên cấp 5-6. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo huy động toàn bộ lực lượng thu hoạch lúa màu khi ruộng lúa chín 80-85%, thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đặc biệt là vùng trũng thấp.

Giám đốc Sở GD&ĐT thông báo cho tất cả trường THPT (trừ TP Thanh Hóa) cho học sinh nghỉ học 2 ngày (29-30/9) để giúp gia đình thu hoạch lúa mùa. Ngày 29/9, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động 900 chiến sĩ xuống Triệu Sơn, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá để giúp dân gặt lúa.

Tại Hà Nội, do hoàn lưu trước bão kết hợp ảnh hưởng của không khí lạnh, suốt đêm qua thủ đô có mưa rả rích. Mưa đúng vào giờ đi làm buổi sáng khiến nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn, giao thông hỗn loạn tại các ngã tư.

Đến 10h sáng, gió xoáy đạt khoảng cấp 5. Các hàng cây bên đường nghiêng ngả, lật lá. Đứng trên các tòa nhà cao tầng có thể nghe tiếng gió rít liên hồi. Dự báo, lượng mưa sau bão không lớn, trong cả đợt từ 50 đến 150 mm.

Được hình thành từ ngày 24/9 ở ngoài khơi phía đông Philippines, 3 ngày sau bão Nesat quét qua quốc gia này làm 18 người thiệt mạng, hơn 100.000 người dân phải đi sơ tán. Ngày 29/9, bão tấn công đảo Hải Nam, Macau và Hong Kong làm nhiều cây xanh bật gốc, giao thông ngưng trệ.Hiện ngoài khơi phía đông Philippines có một cơn bão tên quốc tế là Nalgae, dự báo sẽ đi theo hướng Tây, quét qua đảo Luzon của Philippines, vào biển Đông và hướng đến miền Trung Việt Nam.

Nguồn: QNO/DT/NamdinhOnline/Vne