Hết thời… "vựa" guốc mộc Yên Xá

09:00 | 11/01/2014

2,108 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 20 năm trước, làng Yên Xá có đến 80% người dân làm nghề đẽo guốc mộc nhưng đến nay với con số gần 5.000 nhân khẩu, chỉ còn duy nhất một “nghệ nhân” lay lắt với nghề.

Bỏ sản xuất sang chứa trọ

Nhắc đến làng Yên Xá (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) là người ta nhớ ngay đến một “vựa” guốc, nơi cung cấp guốc mộc cho toàn Hà Nội và các vùng lân cận phía Bắc. Được biết, thời hoàng kim của “vựa" guốc vào khoảng những năm 1980 – 1985. Mỗi dịp tết đến xuân về, cả làng lại nhộn nhịp với nghề… Chẳng thế mà, người dân vẫn gọi làng với cái tên “kinh đô" guốc mộc.

Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây “vựa" guốc không còn sầm uất như ngày nào. Thay vào đó là sự ra đời của nhà trọ.

Những đôi guốc mộc đã qua thời kỳ hoàng kim giờ nằm thu lu một góc thế này

Về Yên Xá bây giờ, làng đã “lên” phố, các công trình vẫn đang được xây mới từng ngày, khó có thể tìm thấy không gian yên tĩnh nào. Nhà cửa san sát, đường làng đông như hội… Đúng là, thế giới văn minh đang ồ ập vào cuộc sống của người dân nơi đây. Nhưng khi được hỏi về làng nghề truyền thống, người dân trong làng có ai còn làm ? Thì rất nhiều người ngắc ngứ. Có lẽ, những mỹ từ “kinh đô guốc mộc” cũng đã nằm trong … dĩ vãng của những người dân này.

Tìm đến nhà ông Hoàng Văn Đôn, trưởng thôn Yên Xá mới hay, cả làng bây giờ chỉ còn hai hộ làm việc liên quan đến nghề truyền thống. Còn lại, dân làng người có trình độ thì ra ngoài làm công nhân nhưng đa phần các hộ gia đình sống phụ thuộc vào việc… cho thuê phòng trọ.

Khi được hỏi đến làng nghề, bác trưởng thôn ái ngại: Làm gì còn ai sống được bằng nghề nữa, việc bảo tồn làng nghề truyền thống của mình, chúng tôi cũng muốn lắm. Nhưng biết làm sao? Cái khó khăn nhất là đầu ra thì không hề có. Khi nghề truyền thống không nuôi sống được gia đình thì cũng phải để người dân đi tìm nghề khác sinh nhai chứ...

Vậy nên, cũng như biết bao ngôi “làng ven đô” khác, Yên Xá bây giờ là nơi xôm tụ của nhiều… khách trọ. Nhà có điều kiện thì xây khang trang, nhà chưa có điều kiện thì xây dãy nhà cấp 4, cơi nới nhà cũ để cho thuê… điều kiện nào, giá thành đó. Với nhiều hộ trong làng, thì đây là nguồn thu nhập chính.

Nguy cơ “xóa sổ”

Hai hộ gia đình còn sót lại của làng nghề đến bây giờ cũng không thể sống được với nghề. Tìm đến gia đình anh Trương Công Đức, người từ lâu vẫn đau đáu với việc giữ gìn cái nghề của làng, thì giờ anh cũng không thể chuyên tâm được nữa. Trong xưởng nhà anh không còn bóng dáng của gỗ, của cưa, của xẻ… thay vào đó là những đống xốp cao su làm đế giày. Vợ anh Đức - chị Vân cho hay: “Giờ làm gì còn ai đi guốc mộc nữa đâu mà làm. Không ai đặt thì chúng tôi còn làm hàng làm gì nữa. Giờ sẵn máy, gia đình chỉ làm đế cao su rồi đổ cho lái buôn để họ làm giầy thôi”.

 

Gia đình chị Vân - anh Đức phải chuyển nghề qua làm đế giầy cao su

Sự vụ cũng không khấm khá  hơn khi chúng tôi tìm đến gia đình anh Vũ Văn Thiều. Chiếc máy xẻ gỗ nằm im lìm một góc, những chiếc guốc đã được xẻ thành hình nằm chất đống nơi xó nhà... Theo anh Thiều thì số guốc “dự trữ” đó là do lúc nông nhàn anh xẻ chơi, để đó. Ai đặt thì đem ra mài, đánh vecni, đóng quai… Trải qua nhiều công đoạn đến khi thành phẩm cũng chỉ được 12.000 - 16.000 đồng/đôi xuất cho thương lái. Trong khi mọi vật liệu đều tăng giá, tiền mua gỗ xoan, tiền đinh, tiền quai... cho một đôi guốc cũng phải đến cả chục nghìn đồng.

Anh Thiều cũng ngán ngẩm: Với số tiền như vậy thì còn đâu là lãi. Giờ tôi chỉ làm làm cho vui, cho đỡ nhớ nghề thôi. Cứ làm rồi chất để đó, bình thường thì đợi dài cổ cả năm mới được đôi lần thương lái đến đặt hàng có khi làm quà, có khi bán cho khách du lịch...

Chiếc máy xẻ ngốn cả cây vàng của anh Thiều giờ chỉ được trưng dụng khi nhớ nghề

Nhìn một đống của là chiếc máy cưa anh đã đầu tư cả cây vàng hơn chục năm trước nằm chỏng chơ, anh Thiều xót ruột: Bán sắt vụn thì chẳng được là bao, tôi đành để đó để những lúc rảnh rỗi đem gỗ ra xẻ để khỏi nhớ nghề. Bây giờ nghề chính của anh Thiều là phu khuôn vác. “Nhiều khi cũng nghĩ giữ một cái gì đó cho làng nghề của mình nhưng cơm áo gạo tiền đâu thể đùa được, tôi còn phải nuôi 3 con nhỏ ăn học” - anh Thiều ngậm ngùi.

Thực tế, “vựa" guốc mộc một thời chỉ còn là trong ký ức của những người già trong làng. Dù rất xót ruột cho việc gìn giữ làng nghề truyền thống nhưng mọi phương hướng đưa ra vẫn rơi vào… bế tắc.

Trước đây, người dân trong làng cũng nghĩ đến việc tập hợp những gia đình có tâm huyết với nghề, cùng bàn phương hướng để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã guốc mộc. Vào khoảng cuối những năm 90, bên cạnh những mẫu hàng thuần guốc mộc, người dân cũng lặn lội đem guốc đi khảm trai, phun sơn... tạo mẫu mã bắt mắt. Nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc hay Sài Gòn vừa rẻ, vừa đẹp ồ ạt trên thị trường.

Dạo quanh phố phường và lùng tìm nhiều chợ lớn trên địa bàn Hà Nội, không hề thấy bóng dáng những đôi guốc mộc thuần Yên Xá nữa. Theo trưởng thôn Hoàng Văn Đôn thì niềm an ủi còn sót lại là chỉ đem guốc mộc của làng đi... triển lãm. Và cái tên, guốc Yên Xá chỉ còn được xướng lên ở các festival làng nghề...

Vậy nên, việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trở thành câu chuyện muốn nhưng... quá khó. Muốn phát triển đương nhiên phải tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nhưng rõ ràng một thực tế, để cạnh tranh với hàng sản xuất công nghiệp có mẫu mã đẹp, giá thành rẻ như hiện tại là vô cùng khó đối với các làng nghề…!

Huy An