Le lói lửa rèn làng nghề hơn 300 năm tuổi

06:45 | 01/06/2024

1,590 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nằm cạnh dòng Trà Khúc êm đềm, làng rèn thôn Minh Khánh (xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) chỉ còn những hộ gia đình nhỏ lẻ với những lò rèn le lói. Từng là vùng nức tiếng xa gần với những sản phẩm dao, rựa, cuốc…, nhưng rồi làng nghề hơn 300 năm tuổi giờ chỉ còn hơn 60 hộ vẫn bám giữ nghề.
Le lói lửa rèn làng nghề hơn 300 năm tuổi
Le lói lửa rèn làng nghề hơn 300 năm tuổi

Những bếp rèn “hiu quạnh” giữa ngày hè

Nằm cách TP Quảng Ngãi chừng 20km nhưng sự hiện đại hóa của phố thị vẫn chưa len lỏi vào làng rèn Minh Khánh. Nơi ngoại ô trải dài những mảng xanh đồng lúa, làng Minh Khánh nằm gọn một “mảng” bên dòng sông Trà Khúc êm đềm. Bên những mái nhà với tường bê tông sờn cũ là những lán trại nhỏ lụp xụp, bốn bề trống trơn. Đó là nơi những người thợ của làng rèn từng nức tiếng Minh Khánh vẫn cặm cụi với nghề.

Keng… keng… keng, ông Nguyễn Tòng (65 tuổi), dáng người nhỏ bé ngồi gọn trên chiếc ghế bằng tre, đang gõ những nhát búa mạnh vào thanh sắt đỏ hỏn vừa được gắp ra khỏi bếp than. Ở làng, ông Tòng là Trưởng ban Quản lý làng nghề, nên đâu đó trong những lời kể là những suy tư về nghề rèn hiện tại.

Le lói lửa rèn làng nghề hơn 300 năm tuổi
Ông Nguyễn Tòng cùng em gái rèn những chiếc rựa sau khi vừa lấy ra từ bếp than

“Nghề rèn này nói dễ thì dễ mà nói khó cũng khó con à. Dễ là vì không phải cần quá thông minh để có thể làm được. Nhưng khó là người làm nghề phải biết chịu khó, chịu khổ cực, vì không phải đơn giản mà làm ra được một cái rựa, cái dao để bán cho người ta. Nếu làm không tỉ mỉ, dao bị nứt, rựa bị hỏng, chưa nói về mình bị mất uy tín mà nó sẽ gây nguy hiểm cho người dùng. Đó cũng là một trong những lý do làm nên tên tuổi của làng nghề rèn Minh Khánh này từ xưa đến nay, nghề đã tồn tại hàng trăm năm. Ngày trước, nhà nào cũng làm nghề này, đông lắm. Nhưng giờ đi khắp làng cũng chỉ còn vài hộ làm thôi”, ông Tòng kể.

Cơ sở của nhà ông Tòng có 3 người làm, ngoài ông còn vợ và em gái ông. Ông Tòng kể, không phải do không tuyển thêm người mà do khách hàng đã giảm hơn phân nửa, nên không thể thuê nhiều người. Hơn hết, không ai còn muốn làm nghề này... Đã có thời điểm, các sản phẩm như rựa, dao của ông Tòng xuất qua tận bên Lào và được nhiều mối buôn tin tưởng chọn lựa. Ngày trước, bình quân mỗi ngày cơ sở ông sản xuất 25-30 chiếc rựa và một số sản phẩm khác. Nhưng bây giờ, do nhiều sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt, khiến không ít lò như nhà ông chỉ sản xuất đủ để bán.

Le lói lửa rèn làng nghề hơn 300 năm tuổi
Chiếc cuốc của nhà ông Dũng làm ra có kết cấu độc đáo khi sử dụng đinh để kết nối phần giữ cán với lưỡi cuốc, tăng chất lượng và độ bền của cuốc

Cạnh nhà ông Tòng là gia đình của ông Nguyễn Văn Dũng (58 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Hiền (54 tuổi), cũng là gia đình nhiều đời làm rèn. Ông Dũng kể, làng rèn Minh Khánh nay đã không còn nhộn nhịp như trước. Vì thời thế và vì nhiều người muốn tìm kế sinh nhai khác, không muốn làm nghề vừa khổ cực và thu nhập bấp bênh. Lứa trẻ đã đổ đi khắp nơi với những nghề mới, hiếm ai quay về làng lập nghiệp bằng nghề rèn sau khi đã đi đây đó.

“Quanh làng này đa số là người lớn tuổi làm nghề rèn thôi. Lứa trẻ đi làm ở những thành phố lớn hoặc đổ đi làm công nhân. Ít ai chọn nghề rèn này dù là nghề đã hơn 300 năm tuổi, nổi tiếng khắp nơi. Cái cuốc, cái rựa cô chú làm ra là đồ thủ công, mà thủ công thì khó mà cạnh tranh được với đồ công nghiệp nên lượng mua giảm nhiều. Bây giờ sản xuất cũng cầm chừng thôi, chủ yếu là bán cho bà con gần đây và những người buôn hàng quen thuộc”, ông Dũng giãi bày.

Le lói lửa rèn làng nghề hơn 300 năm tuổi
Ông Tòng cùng những chiếc rựa

Cháy tiếp những bếp lửa lò rèn

Tay ông Tòng đập những phát thật mạnh vào thỏi sắt nóng, những nhát đập đều của bậc lão làng nghề rèn. Rồi ông cầm lên 4 chiếc rựa đều tăm tắp dù không được đúc trong cùng một khuôn. Ông Tòng cho biết, đây là thành quả của hơn 50 năm kinh nghiệm. Có kinh nghiệm dày dặn, nhưng giờ tuổi cao, sức yếu khiến ông không khỏi lắng lo. Bởi lẽ, dù làng nghề được lưu truyền qua hàng chục đời, nức tiếng đó đây về chất lượng, nhưng thời thế thay đổi, những người làm rèn đang dần ít đi.

“Chú vẫn hy vọng và luôn cố gắng để làng nghề rèn này sẽ còn sống mãi, tuy không được hưng thịnh và nhộn nhịp như trước, nhưng nghề rèn làng Minh Khánh sẽ còn tiếp tục sống với những người dân nơi đây. Chú vẫn luôn mong lớp trẻ sẽ biết đến và hiểu hơn về làng nghề đã nuôi sống nhiều đời của bà con. Hơn hết, với bản thân, chú sẽ vẫn tiếp tục làm, còn sống vẫn sẽ còn làm. Vì dẫu sao, nghề này đã nuôi sống nhiều thế hệ gia đình chú và là sự tự hào của những người dân làng Minh Khánh”, ông Tòng chia sẻ.

Le lói lửa rèn làng nghề hơn 300 năm tuổi
Làng nghề rèn thôn Minh Khánh giờ chỉ còn khoảng 60 hộ gia đình giữ nghề. Trước kia làng luôn nhộn nhịp với khoảng 150 hộ luôn đỏ lửa rèn đồ thủ công như rựa, cuốc, dao, liềm

Đa số sản phẩm làng rèn Minh Khánh được bán trong tỉnh, một vài sản phẩm bán đi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Để làm ra những sản phẩm thủ công chất lượng, người thợ rèn Minh Khánh đều chọn lựa nguồn sắt nguyên liệu có uy tín, chất lượng từ các công ty, đơn vị lớn. Trước nhiều khó khăn, thách thức và sự cạnh tranh khốc liệt, chất lượng vẫn được người làm nghề rèn ưu tiên chọn lựa để giữ chân khách hàng và tên tuổi của lò rèn.

“Những cái cuốc, cái rựa của làng này sẽ khó cạnh tranh được với máy móc công nghiệp. Nhưng những đồ vật thủ công của người dân nơi đây vẫn được nhiều người lựa chọn vì chất lượng và người thợ luôn đặt cái tâm của mình để làm. Cũng như nhiều người thợ ở làng, chú sẽ còn làm, làm đến khi nào không còn sức nữa thì mới nghỉ. Và vẫn mong nghề rèn sẽ tiếp tục sống mãi về sau…”, ông Dũng bộc bạch.

Việc giúp làng rèn Minh Khánh cũng như những làng nghề cổ truyền không mai một luôn là bài toán chưa có câu trả lời thỏa đáng. Mừng là, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công nhận làng rèn Minh Khánh là làng nghề truyền thống, các sản phẩm cũng được công nhận OCOP 3 sao. Những tín hiệu tích cực đã phần nào giúp người dân làm nghề rèn nơi đây thêm phần hy vọng. Họ không hy vọng về một tương lai nghề rèn sẽ lại hưng thịnh, mà chỉ ước mong giản dị rằng nghề rèn Minh Khánh sẽ không bị lãng quên.

Trước nhiều khó khăn, thách thức và sự cạnh tranh khốc liệt, chất lượng vẫn được những người thợ làng rèn Minh Khánh ưu tiên chọn lựa để giữ chân khách hàng và tên tuổi của lò rèn.

Phúc Nguyên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps