Làng nghề sơn mài Hạ Thái:

Người dân mong được phát triển làng nghề, không bị lấy đất làm khu đấu giá

18:32 | 25/01/2024

1,688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Làng Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong 7 điểm du lịch làng nghề của Thủ đô với nghề chính làm sơn mài. Nhân dân địa phương mong muốn có một không gian được nhà nước đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại trưng bày giới thiệu sản phẩm sơn mài truyền thống, quảng bá kích cầu du lịch tạo công ăn việc làm cho người dân xã Duyên Thái trên diện tích đất mà các hộ dân thôn Hạ Thái đang quản lý sử dụng.

Tuy nhiên, mong ước rất chính đáng này đang có nguy cơ lụi tàn, bởi những quyết định vội vàng, gây bức xúc trong dư luận của chính quyền địa phương.

Người dân mong được phát triển làng nghề, không bị lấy đất làm khu đấu giá
Hạ Thái là một trong 7 điểm du lịch làng nghề của Thủ đô Hà Nội.

1. Còn nhớ tháng 3/2021, UBND xã Duyên Thái long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, đón nhận cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội và gặp mặt các doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Đình Tiến - nguyên Chủ tịch UBND xã Duyên Thái cho hay, việc làng nghề sơn mài Hạ Thái được công nhận là điểm du lịch làng nghề không chỉ là niềm vui của các nghệ nhân, họa sĩ và bà con Hạ Thái nói riêng mà còn là niềm tự hào của nhân dân xã Duyên Thái, Thường Tín. Sự kiện làng nghề sơn mài Hạ Thái được công nhận là điểm du lịch làng nghề đánh dấu bước đi quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề; đồng thời mở ra những cơ hội, thời cơ mới để làng nghề phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đó là, phát triển du lịch làng nghề gắn với sản xuất và bảo tồn nghề sơn mài. Đó là phát huy lợi thế một số ngành nghề khác, các di tích, các địa danh, các điểm du lịch các xã trong huyện Thường Tín, như: Hồng Vân, Nhị Khê, Ninh Sở, Văn Bình và xã Đông Mỹ huyện Thanh Trì, từ đó tạo ra sản phẩm du lịch, thúc đẩy du lịch - ngành công nghiệp không khói phát triển, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của của xã, xây dựng xã Duyên Thái đạt nông thôn mới nâng cao và phấn đấu nông thôn mới kiểu mẫu.

Cũng theo ông Tiến, buổi gặp gỡ các doanh nghiệp, nghệ nhân, họa sĩ... thể hiện sự coi trọng, đồng hành đối với các doanh nghiệp và luôn mong muốn các doanh nghiệp ngày càng phát triển, lớn mạnh. Đây cũng là dịp các cấp lãnh đạo tôn vinh, động viên các doanh nghiệp trên địa bàn xã khắc phục mọi khó khăn, vươn lên trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, lãnh đạo xã mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng địa phương để đảm bảo công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Được biết làng nghề sơn mài Hạ Thái có lịch sử 300-400 năm. Trước kia, sản phẩm của Làng nghề sơn mài Hạ Thái chủ yếu là đồ thờ cúng phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh. Ngày nay, với xu hướng của thị trường các sản phẩm nơi đây đã trở nên đa dạng phục vụ cuộc sống hàng ngày: khay, đĩa, lọ hoa, bình hoa, hộp đựng trang sức, tranh phong cảnh, sản phẩm để trưng bày, trang trí nội thất, quà tặng, đồ lưu niệm… Trước khi làng nghề sơn mài Hạ Thái được công nhận là điểm du lịch làng nghề thì đã có nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan và tìm hiểu về làng nghề.

Làng nghề sơn mài Hạ Thái cũng là nơi hội tụ nhiều nghệ nhân, họa sĩ với bàn tay tài hoa, sáng tạo, sản xuất ra nhiều sản phẩm sơn mài đẹp, chất lượng cao. Các nghệ nhân của làng đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong pha chế, thay đổi công đoạn sơn làm cho sản phẩm bóng, bền, đẹp hơn. Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái đã xuất khẩu đi các thị trường Đông Âu, châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Úc, Trung Đông...

Chủ trương là thế, song thời gian qua rất nhiều người dân Làng nghề sơn mài Hạ Thái bức xúc, gửi đơn thư đi khắp nơi để cầu cứu về việc họ có tên trong danh sách thu hồi đất để Xây dựng Hạ tầng Kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất khu liền kề Duyên Thái I.

Người dân mong được phát triển làng nghề, không bị lấy đất làm khu đấu giá
Lãnh đạo HĐND, UBND TP Hà Nội thăm, động viên sản xuất đầu năm tại Làng nghề sơn mài Hạ Thái.

2. Theo ông Đỗ Văn Khoái (sinh năm 1959 trú tại Cụm 7 Hạ Thái, xã Duyên Thái), ông và gia đình đang quản lý sử dụng mảnh đất có GCNQSD đất số CY404854; CY404855 do UBND huyện Thường Tín cấp ngày 16/11/2020; số DD294362 do UBND huyện Thường tín cấp ngày 07/10/2021. Tổng diện tích: 457m2 ; thửa đất số: 93- 188 -221 -340-66-52; tờ bản đồ số 5.

Gia đình ông Khoái đã tăng gia sản xuất hoa màu trên thửa đất này từ năm 1960 đến năm 2020 ổn định và không có bất kỳ tranh chấp nào. Đầu năm 2020, UBND xã Duyên Thái lấp mương nhưng không cho dẫn nước vào khu đất của gia đình ông đang trồng rau màu, làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập và sinh hoạt của gia đình.

Tháng 6/2023, UBND huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 32/2023/TB-UBND về việc công khai danh sách hộ gia đình, cá nhân có đất thuộc dự án “Xây dựng Hạ tầng Kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất khu liền kề Duyên Thái I, xã Duyên Thái” bị thu hồi.

Ông Khoái cho biết, ông cùng rất nhiều hộ dân đang quản lý, sử dụng đất thuộc diện quy hoạch rất băn khoăn, bất ngờ và lo lắng khi mà trước đó, mọi người đều "không hề biết được thông tin gì, không được hỏi ý kiến gì". Ngày 19 và 20/6/2023, các hộ đã làm đơn phản ánh gửi tới UBND xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền. Nội dung đơn phản ánh về việc UBND xã Duyên Thái đã “không tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.

Ngày 15/8/2023, UBND xã Duyên Thái đã tổ chức cuộc họp với những hộ dân có đơn đề nghị để trả lời thắc mắc nêu ra trong đơn. Tại buổi họp, các hộ dân đều nêu ý kiến không đồng tình việc triển khai Dự án, vì từ trước tới nay họ không hề được biết thông tin, không có hộ dân nào được hỏi ý kiến về quy hoạch hay về Dự án, không có văn bản nào liên quan đến Dự án được gửi đến cho người dân. Nhưng không được UBND xã Duyên thái trả lời thỏa đáng.

Ngày 15/1/2024 UBND huyện Thường Tín ra Quyết định về việc kiểm đếm bắt buộc số 198/QĐ-UBND đối đối với thửa đất số 14, 21 của gia đình ông Khoái. Ngày 18/1/2024 chính quyền huyện, xã chỉ đạo thực hiện việc kiểm đếm bắt buộc.

“Tôi rất bất ngờ về Quyết định về việc kiểm đếm bắt buộc này, gia đình tôi từ trước đến nay không quản lý sử dụng thửa đất số 14, 21. Gia đình tôi không hề chống đối hay không chấp hành mà chính quyền phải ra Quyết định cưỡng chế về việc kiểm đếm bắt buộc số 198/QĐ-UBND ngày 15/1/2024 đối với hộ gia đình tôi” - ông Khoái thắc mắc.

Không chỉ ông Khoái mà nhiều hộ dân khác như bà Nguyễn Thị Lan, ông Nguyễn Huy Mình, Đỗ Tiến Hạnh, bà Trần Thị Thơm… cùng có chung những băn khoăn về việc chính quyền địa phương không thông tin rộng rãi về Dự án, không hỏi ý kiến người dân về quy hoạch và cũng không phổ biến văn bản nào liên quan đến Dự án cho người dân biết.

“Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị về việc bảo tồn các làng nghề truyền thống của Hà Nội để phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam. Nguyện vọng của tôi và các hộ dân có đất bị thu hồi mong muốn được nhà nước đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại trưng bày giới thiệu sản phẩm sơn mài truyền thống, quảng bá kích cầu du lịch tạo công ăn việc làm cho người dân xã Duyên Thái trên diện tích đất mà các hộ dân thôn Hạ Thái đang quản lý sử dụng” - ông Khoái nói.

Người dân mong được phát triển làng nghề, không bị lấy đất làm khu đấu giá
Bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Hạ Thái đồng thời là một nghệ nhân "mát tay".

Hiệp hội Sơn mài Hạ Thái đề nghị không cắt đường để bán đấu giá

Theo bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Hạ Thái, mới đây Hiệp hội đã có kiến nghị về việc tuyến đường Vạn Thọ (đường giao thông chính của Hạ Thái, từ UBND xã Duyên Thái đến nhà văn hoá thôn Hạ Thái) bị lấy vào lòng đường 2m, dọc theo tuyến đường để bán đấu giá.

Theo Hiệp hội sơn mài Hạ Thái, qua Hội nghị tiếp xúc cử tri tại thôn Hạ Thái và thông tin tuyên truyền trên loa đài xã thông báo về việc thu hồi đất 5% tại vị trí đối diện khu làng nghề Hạ Thái để làm khu đấu giá liền kề I xã Duyên Thái.

Trong đó văn bản hướng dẫn và sơ đồ thiết kế khu đấu giá niêm yết tại Nhà Văn hóa thôn Hạ Thái, Hiệp hội nhận thấy dự án lấy vào lòng đường của khu làng nghề là 2 mét.

Thực trạng trước đây của Dự án khu làng nghề xây dựng đường rộng 9 mét để thuận tiện cho xe ô tô, xe container ... vào bốc dỡ lưu thông hàng hóa.

“Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo các cấp, Ban quản lý dự án khu đấu giá liền kề I xã Duyên Thái không lấy vào lòng đường làng nghề 2 mét ngang chạy dài; để nguyên hiện trạng hiện có bây giờ để phát triển sản xuất sơn mài gắn liền với du lịch Làng nghề, đảm bảo công ăn việc làm của người dân làng nghề sơn mài chúng tôi” - biên bản họp Ban chấp hành Hiệp hội Sơn mài Hạ Thái nêu rõ.

PetroTimes sẽ tiếp tục thông tin...

Nhóm Phóng viên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps