Hệ thống ngân hàng Trung Quốc chiếm vị trí đầu: Mừng hay lo?

17:52 | 09/03/2017

731 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong khi các ngân hàng châu Âu gặp khó khăn trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng Trung Quốc đã chiếm lấy vị trí dẫn đầu về mức tài sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng đây chưa hẳn là thành tích đáng ăn mừng.
he thong ngan hang trung quoc chiem vi tri dau mung hay lo
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc

Trung Quốc khẳng định sẽ càng phát triển thêm sức mạnh kinh tế và tài chính của họ. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện đang có giá trị cao hơn khối ngân hàng trong khu vực đồng tiền Euro. Theo các số liệu tổng hợp của tờ Financial Times ngày 7/3, tài sản của các ngân hàng Trung Quốc đạt 33 nghìn tỷ Euro vào cuối năm 2016, trong khi các ngân hàng châu Âu chỉ đạt 31 nghìn tỷ Euro.

Thực vậy, nhiều ngân hàng châu Âu bị thiệt hại trong khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp năm 2007 và khủng hoảng tài chính ngân hàng mùa thu năm 2008. Đến năm 2016, mặc dù được nhận được nhiều trợ giúp của chính phủ nhưng các ngân hàng châu Âu chỉ chiếm 16% lợi nhuận trong ngành ngân hàng trên toàn cầu, so với 42% hồi năm 2006. "Ông trùm" ngân hàng HSBC tại Anh đã rớt từ hạng 2 (năm 2006) xuống còn hạng 9 trong top 10 những ngân hàng lớn nhất thế giới (năm 2016). Pháp vẫn duy trì được vị thứ trên bảng xếp hạng, trong đó Tập đoàn Ngân hàng bán lẻ Crédit agricole và Ngân hàng BNP Paribas lần lượt giữ vị trí 11 và 12.

Tuy nhiên, theo Financial Times, sự lớn mạnh của các ngân hàng Trung Quốc đang chứa nhiều rủi ro.

Trong khi tại châu Âu, các ngân hàng phải tuân theo bộ quy định ngày càng khắt khe, nhất là liên quan đến tài sản thế chấp cho vay và các khoản nợ xấu, thì tại Trung Quốc, Chính phủ nắm quyền kiểm soát các quỹ đầu tư nhà nước và chịu trách nhiệm hoàn trả nguồn dự trữ ngoại hối cho ngân hàng trung ương.

Từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008, Trung Quốc tràn ngập hệ thống ngân hàng thương mại, cho vay bừa bãi, tạo thành “bong bóng nợ” ngày càng lớn. Năm 2016, theo tờ nhật báo South China Morning Post, cảnh sát nước này đã đóng cửa 380 "ngân hàng ảo" mà tiền vốn của họ đều chuyển ra nước ngoài.

Theo phân tích của Financial Times, các khoản vay từ ngân hàng không làm giàu cho hoạt động sản xuất mà chỉ làm tăng nguy cơ bùng phát các khoản nợ xấu. Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng cao trong tài chính, nhưng hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ có dấu hiệu chậm lại từ 2015. Tải sản của các ngân hàng Trung Quốc hiện lớn gấp 3,1 lần GDP của cả nước.

Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu hàng đầu, có chỉ số GDP vượt qua Liên minh châu Âu từ năm 2011, và Mỹ năm 2014. Tháng 10/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã công nhận tiền Nhân dân tệ là một trong những đồng tiền dự trữ trên thế giới.

Phát biểu trước thông tin đăng tải trên Financial Times, giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell, trước đây phụ trách mảng Trung Quốc trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận xét: “Sự phát triển của hệ thống ngân hàng Trung Quốc trước hết không phải là lý do của niềm hân hoan mà có lẽ đó là một lời nhắc nhở rằng nền kinh tế đang quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Đồng thời việc phân bổ các nguồn lực không hiệu quả tạo ra rủi ro tín dụng quá cao".

Th.Long