Hãy để người có HIV được sống

07:00 | 27/12/2014

879 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ khi phát hiện bệnh nhân Việt Nam nhiễm HIV đầu tiên. 24 năm, khoảng thời gian những người nhận được thông báo nhiễm HIV như nhận được “bản án tử hình” phải chịu ghẻ lạnh, thờ ơ, xa lánh của cộng đồng. Nếu có khác chỉ là từ hình thức công khai sang âm thầm nhưng không kém phần cay nghiệt. Đối với những người có HIV, cuộc sống nói chung vẫn là chặng đường “xa ngải” vốn đã gian nan càng gian nan, đặc biệt là về tinh thần.

Năng lượng Mới số 382

Có HIV, không cúng giỗ

Cho đến bây giờ, sau khi chồng chị Đỗ Thị Hương, sinh năm 1980 ở Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội đã mất được gần 10 năm thì vẫn có người ác ý miệt thị rằng: “Đường quang không đi lại quàng bụi rậm”. Năm 2000, mặc dù biết rõ mười mươi người yêu nghiện ma túy nhưng chị vẫn lấy làm chồng với hy vọng bằng tình yêu thương, chị sẽ thuyết phục anh “đoạn tuyệt” hẳn với chất gây nghiện, bởi nó là nguyên nhân làm tan vỡ bao nhiêu gia đình hạnh phúc.

Thế nhưng dường như “số phận” chẳng chiều lòng chị, khi cưới chồng về được thời gian ngắn chị động viên chồng đi cai nghiện, hy vọng về người chồng hoàn lương sắp đến gần thì chị hay tin chồng chị có HIV. Trời đất như sập dưới chân chị! Và điều đó càng khủng khiếp hơn khi chính chị cũng lây HIV từ anh. Nhưng điều khiến chị đau lòng hơn cả, muốn “chết đi được” là đứa con trai duy nhất của anh chị, sinh năm 2001 cũng đã nhiễm HIV từ mẹ.

Điều trị đến năm 2005, tức là sau đúng 5 năm trọn nghĩa vợ chồng thì chồng chị mất. Sau khi chồng mất, cuộc sống của người có HIV, chị mới “cảm” được thực sự bởi trước đó vì lo cho chồng, con mà chị không để ý mọi chuyện xung quanh. 

Các bác sĩ đang tư vấn cho một bệnh nhân nhiễm HIV

Chị ruột của chồng chị, dẫu trước đây khi chồng chị còn sống, cũng không đến nỗi nào trong chuyện ứng xử, cũng yêu thương, giúp đỡ chồng chị trong thời gian bệnh tật, cũng chăm lo cho cháu những khi anh chị vắng nhà. Nhưng sau khi chồng chị mất đi, thì sinh ra hờ hững với mẹ con chị, đôi khi còn mỉa mai, miệt thị. Tuy nhiên, kỳ thị nhất phải kể đến bác ruột của chồng chị. Đúng hôm anh mất được 100 ngày, gia đình làm lễ có mời bà con họ hàng, bác ruột của chồng chị bảo: “Không phải làm cỗ cúng kiếc gì hết vì ăn những cỗ cúng ấy vào, con cháu, họ hàng lại lây nhiễm HIV”. 

Đau đớn nhất là con trai chị học ở trường, bị các bạn xa lánh, “tẩy chay” vì bị… SIDA. Có lần, con chị chạy về hỏi: “Mẹ ơi, SIDA là bệnh gì mà mỗi lần con đến gần là các bạn chạy toán loạn và hét ầm lên sợ hãi: “Ối thằng SIDA đến chạy đi không nó lây vào người”. 

Bế tắc, khổ đau tột cùng! Nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng để tiếp tục vừa điều trị bệnh cho mình, cho con vừa bảo đảm cuộc sống bằng việc “chạy chợ” bán cá mỗi ngày. 

Ai cho chúng tôi sống?

Như chị Hương, nhiều người có HIV khác cũng đang phải chịu sự kỳ thị nặng nề đến mức tưởng như có lúc chỉ còn cách… chết để giải thoát bản thân. Anh Phạm Tùng Dương, sinh năm 1983 cũng ở Long Biên, Hà Nội cũng là một ví dụ như vậy. Năm 1999, sau khi trở về từ trại cai nghiện ma túy, trong một lần đi khám sức khỏe, anh như “chết đứng” khi được bác sĩ thông báo nhiễm HIV, mặc dù trước đó, anh cũng đã hình dung ra điều này bởi đám bạn nghiện của anh không ai là không gặp kết cục ấy.

Chán nản, hối hận về một thời hư hỏng chơi bời, như để kết thúc cuộc sống nhanh hơn, “giải thoát” bản thân khỏi những đau đớn thể xác và tinh thần một cách chóng vánh hơn, anh lại chìm ngập vào ma túy và lấy đó làm “cứu cánh” cho cuộc đời.

Nếu như trong một ngày, ngay cả với người nghiện cũng có lúc phải tỉnh táo để sinh hoạt, để nhận biết những thứ xung quanh. Nhưng riêng với anh, lúc nào cũng trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê vì phê thuốc. Anh không muốn thoát khỏi tình trạng ấy để nhận ra mình chỉ là cái xác không hồn và đang chờ đợi tiếng gọi của… thần chết. 

Sau khi đi cai nghiện về, anh xin vào làm việc tại một xưởng in với công việc thích hợp. Phần vì ái ngại về nhân thân, phần muốn sống một cuộc sống của người bình thường nên anh đã giấu nhẹm mình là người có HIV. Tuy nhiên, chỉ được vài tháng, không hiểu sao chủ xưởng phát hiện ra, vậy là anh bị nghỉ việc theo yêu cầu của chủ để “bảo đảm an toàn” cho những người cùng làm việc tại xưởng.

Rút kinh nghiệm với việc giấu mình là người có HIV, lần xin việc tiếp theo, anh Dương giới thiệu luôn mình là người có HIV ngay khi mở đầu câu chuyện để hy vọng sự thẳng thắn, đường hoàng của mình có thể là tác nhân làm những nhà tuyển dụng sẵn sàng tiếp nhận. Nhưng hình như càng công khai, kết quả xin việc của anh càng khó khăn, mới chỉ nghe giới thiệu câu đầu tiên, họ đã chối đây đẩy việc tiếp nhận anh vào làm. Kể cả chủ một doanh nghiệp là họ hàng thân thích của anh cũng đã làm điều này một cách nhẫn tâm khi nói: “Thà tôi cho chú tiền còn hơn cho chú làm việc ở đây. Bởi chắc chắn sự xuất hiện của chú sẽ làm những người làm việc ở công ty của tôi “chạy” hết. Cho nên chú cầm tạm ít tiền và đi chỗ khác nhé”. 

Không có việc làm cũng có nghĩa không có thu nhập để anh Dương duy trì sự sống. Quan trọng hơn là không có nơi nào trong xã hội, cộng đồng sẵn sàng tạo cho anh niềm tin để làm lại cuộc đời. Anh bảo: “Cuộc sống của người có HIV thật vất vả, đi đến đâu bị kỳ thị đến đó, không có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Vậy thì với những người có HIV như chúng tôi nên sống hay nên chết? Nếu sống, ai cho chúng tôi sống?”.

Đến bây giờ anh Dương vẫn chưa xin được việc ở đâu, phải sống dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của bố mẹ. Anh thấy cuộc sống bế tắc chẳng khác gì như khi anh đang chìm đắm trong ma túy.

Kỳ thị làm gia tăng người có HIV

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay tình trạng kỳ thị người có HIV vẫn diễn ra nặng nề trong xã hội. Đây chính là nguyên nhân khiến cho số người có HIV gia tăng nhanh chóng do họ  không dám tiếp cận những dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, đồng thời chính tâm lý phải chịu kỳ thị dễ dàng đẩy họ vào chỗ làm càn lây nhiễm HIV cho người khác.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế khẳng định, để dẫn đến sự kỳ thị như vậy, sở dĩ bắt nguồn từ những nguyên nhân sau: coi HIV/AIDS là bệnh nguy hiểm, không có thuốc chữa; đã mắc là chỉ có… chết nên thà tránh xa những người có HIV còn hơn là chia sẻ với họ.

Thứ hai, hiểu biết của mọi người về HIV/AIDS chưa thấu đáo, cho rằng bệnh dễ lây, kể cả qua đường tiếp xúc thông thường như ăn uống, dùng chung đồ sinh hoạt, bắt tay… và là bệnh gắn liền với các tệ nạn xã hội vì vậy phải phân biệt đối xử để “phòng” bệnh.

Thứ ba, công tác truyền thông chưa đúng, đủ, cụ thể chỉ nhấn mạnh vào sự nguy hiểm, hình ảnh đáng sợ của bệnh nhân mà không giải thích, hướng dẫn rõ ràng về các hình thức có thể lây bệnh, làm cho người dân ghê sợ người có HIV. Cuối cùng xuất phát từ chính những người có HIV là chấp nhận sống trong mặc cảm, lo sợ bị kỳ thị và tìm mọi cách giấu diếm tình trạng nhiễm HIV của mình…

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, để giải quyết tình trạng kỳ thị trên đây, giải pháp quan trọng nhất là chú trọng công tác truyền thông để phản ánh khách quan đời sống của người có HIV cũng như những gì liên quan đến HIV. Từ đó có thể phòng chống HIV/AIDS hiệu quả.

Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Chỉ khi nào sự phân biệt đối xử với người có HIV chấm dứt thì đại dịch HIV/AIDS mới chấm dứt”.

Mỗi năm, với khoảng 10.000 ca nhiễm mới HIV, đã khiến Việt Nam là nước đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về người có HIV, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.

Vì vậy, hướng tới mục tiêu 3 không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, Bộ Y tế đã chọn chủ đề cho năm 2014 là “Không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” để cùng nhau chống lại sự kỳ thị phân biệt đối xử đối người mắc bệnh.


Tú Anh