Hậu sập nợ: Trách ai? Ai trách?

08:25 | 21/10/2011

581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Cơn địa chấn vỡ nợ" lan ra nhiều tỉnh thành và vùng quê vốn yên ả. Con nợ trốn mất hoặc đầu thú trước Cơ quan Công an. Các chủ nợ bàng hoàng chẳng biết làm gì để cứu vãn tình thế, nhiều người còn vỡ nợ theo và cũng phải bỏ trốn… Bức xúc, hoang mang, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của công an địa phương trong việc nắm địa bàn, trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng bây giờ chẳng phải lúc quy trách nhiệm cho riêng ai.

Các bị hại cần bảo trọng

Rất nhiều người nghe tin con nợ bỏ trốn đã đổ bệnh, ngã ngất, hoảng loạn… Có những gia đình mâu thuẫn nghiêm trọng giữa vợ chồng, bố mẹ và con cái. Đổ lỗi cho nhau, kết tội các “chân rết” của con nợ, chầu chực tại nhà chủ nợ hoặc các “chân rết”… Nhưng cũng chẳng giải quyết được gì.

Theo các điều tra viên, quan trọng là bây giờ các bị hại cần bình tĩnh, giữ thăng bằng tâm lý cũng như ổn định cuộc sống và hỗ trợ cơ quan điều tra trong việc xử lý “hậu sập nợ”. Thực tế cho thấy, đơn trình báo của các bị hại đều chứa ít nhiều thông tin và tài liệu liên quan, có thể là cơ sở để Cơ quan điều tra xác minh, tổng hợp và lần theo dấu vết của các chủ nợ. Tuy nhiên, có nhiều người bị mất số tiền lớn nhưng không trình báo vì tâm lý không tin tưởng Cơ quan điều tra, sợ thêm phiền phức. Cũng có người không trình báo vì sợ ê mặt trước thiên hạ bởi đã trót tham lời, dại dột, cả tin. Lại cũng có người không trình báo vì e ngại mình cho vay nặng lãi là vi phạm pháp luật.

Mấy ai biết khi mức lãi suất do chính người vay đưa ra thì người cho vay sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi cho vay nặng lãi như quy định của Bộ luật Hình sự (luật quy định người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột… thì mới bị coi là phạm tội cho vay nặng lãi).

Bảo vệ tài sản của chủ nợ

Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo chặt chẽ những nơi có điểm vỡ nợ xảy ra như tại Đan Phượng, Hà Đông, Phú Xuyên… để tránh những việc làm quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn. Hành động thường thấy của các bị hại là lao đến nhà con nợ hòng gỡ gạc được chút nào hay chút đó. Thậm chí, trong lúc lộn xộn, những người bị mất của hò nhau đến đập phá nhà con nợ, hăm dọa người trong gia đình con nợ.

Công an huyện Đan Phượng cho biết, qua công tác nắm tình hình, tài sản của doanh nghiệp Quang – Quyên hiện có là 7 ôtô con ở salon thuộc Trung tâm Thương mại Tuấn Quỳnh đã bị các chủ nợ lấy đi trong ngày 16/9/2011; 2 ôtô du lịch loại 24 chỗ cũng đã bị chủ nợ ở Sơn Tây lấy ngày 18/9/2011.

Trước tình hình này, công an huyện phải khẩn trương làm thủ tục quản lý 6 ôtô du lịch loại từ 12 đến 45 chỗ nằm trong số tài sản của vợ chồng Quang - Quyên… Những tài sản này cần được bảo vệ chặt chẽ không chỉ để phục vụ công tác điều tra mà còn đảm bảo thi hành án sau này. Công an huyện đang phối hợp với Công an TP Hà Nội truy tìm số tài sản đã bị siết nợ, đảm bảo an toàn cho người nhà chủ nợ trước các đối tượng quá khích đến đòi nợ, đánh đập, dọa dẫm, đồng thời phải tăng cường tuần tra đêm, tuần tra cao điểm… Được biết, trong những ngày này, lực lượng Công an huyện Đan Phượng luôn triển khai phương án ứng trực 100%, nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả từ việc vỡ nợ tín dụng đen tại đây.

Không khai vống tiền mất

Điều mà các điều tra viên cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật lưu ý là người bị hại cần tránh việc tung tin không chính xác về số tài sản bị mất, mà biểu hiện thường thấy là khai báo hoặc đồn đoán số tài sản bị mất lớn hơn thực tế. Chính những thông tin này đã khiến cho sự việc trở nên phức tạp hơn. Như vụ vỡ nợ tại Phú Xuyên, thông tin được tung ra là số tiền chủ nợ ôm vào lên tới 1.000 tỉ đồng. Nhưng thực tế không phải vậy. Ngày 11/10/2011, Văn phòng Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội về vụ vỡ nợ tại Phú Xuyên. Đến nay, Cơ quan Công an chỉ chính thức nhận được đơn của 6 bị hại với tổng số tiền khoảng 273 tỉ đồng.

Ngay cả vụ vỡ nợ tại quận Cầu Giấy mà chủ nợ là Phạm Thị Chinh, theo trình báo của 12 bị hại, tổng số tiền bị chiếm đoạt tính đến thời điểm này là gần 50 tỉ đồng, không hề có bị hại nào trình báo mình bị chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng như tin đồn.

Nắm địa bàn không chắc

Thời điểm này, các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan đến các vụ vỡ nợ đều trở nên nhạy cảm. Nhiều cơ quan và đại diện đơn vị né tránh, thậm chí từ chối thẳng thừng khi phóng viên đặt câu hỏi. Nhưng có một thực tế được công nhận rằng, công tác nắm địa bàn của một số Cơ quan Công an quận, huyện, xã còn kém.

Thậm chí, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền địa phương ở một số vùng quê, thị trấn đã câu kết với các đầu mối tín dụng đen, chủ nợ để làm ngơ trước những hoạt động này. Để đến bây giờ, khi vụ việc vỡ lở bung bét, các cơ quan chức năng ở địa phương lại càng đau đầu thêm trước việc xử lý thế nào đối với những cá nhân, cán bộ chính quyền địa phương đã “bật đèn xanh” cho hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh đó còn là những công việc không hề đơn giản của công tác điều tra, lần tìm các con nợ bỏ trốn, xác minh thông tin của các bị hại, vận động sự hợp tác của người nhà con nợ cũng như của chính những bị hại…

Nhiều người hoang mang trước việc mình bị mất số tài sản lớn đã cho rằng, Cơ quan Công an chẳng có động thái gì để giúp những bị hại. Nhưng tại các địa bàn xảy ra vỡ nợ, sập nợ, Cơ quan Công an phải liên tục huy động cán bộ chiến sĩ làm việc tăng ca, ráo riết điều tra, giải quyết vụ việc. Đại diện CQĐT Công an quận Hà Đông cho biết: “Ngay sau khi nhận đơn trình báo của các bị hại, CQĐT đã tích cực điều tra, làm rõ hành vi vi phạm để có hình thức xử lý, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân giữ vững tình hình an ninh trật tự, không để những chủ nợ kéo đến nhà chủ nợ Nguyễn Thị Dậu gây mất trật tự công cộng.

Xét tính chất nghiêm trọng, phức tạp của vụ việc, Công an quận đã thành lập một tổ công tác xuống nơi xảy ra vụ việc, khẩn trương phối hợp với UBND phường tuyên truyền trên loa phát thanh, yêu cầu những người dân đang tụ tập quanh nhà của chị Dậu giải tán, không được có hành động quá khích dẫn đến vi phạm pháp luật; đề nghị người dân liên quan đến vụ vỡ nợ đến Cơ quan Công an trình báo để làm rõ sự việc. Ngay sau đó, đám đông đã giải tán và nhiều người đã viết đơn trình báo, gửi Công an quận Hà Đông về việc cho chị Dậu vay tiền nhưng không được thanh toán đúng hạn.

CQĐT sẽ tiến hành làm rõ hành vi vay tiền, mục đích sử dụng nguồn tiền của vợ chồng chị Dậu, việc thế chấp nhà đất để vay tiền ngân hàng và lấy lời khai của những người biết việc, người liên quan, các bị hại. Hiện Cơ quan Công an vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc. Nếu ai là người bị hại, đã cho vợ chồng chị Dậu vay tiền đề nghị đến Công an quận Hà Đông trình báo để thuận lợi cho công tác điều tra”.

Huyền Trang