Hàng không mẫu hạm Vikramaditya lộ điểm yếu

20:55 | 27/11/2013

5,969 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya của hải quân Ấn Độ không được trang bị bất cứ hệ thống tên lửa phòng không nào ít nhất cho tới năm 2016. Điều này đồng nghĩa với việc con tàu sẽ hoạt động mà không có khả năng tự bảo vệ trước vũ khí của đối phương.

Hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya

Theo đó, không chỉ bị chậm trễ kéo dài trong việc tiếp nhận, Vikramaditya sẽ tiếp tục phải chờ đợi để được trang bị thêm các hệ thống tên lửa phòng không theo yêu cầu của mình.

Dự án phát triển hệ thống tên lửa phòng không tầm xa (LRSAM) Barak-8 do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) hợp tác với công ty Israel Aerospace Industries (IAI) nhằm trang bị cho Vikramaditya đã bị ảnh hưởng bởi những sự cố kỹ thuật.

Một quan chức hải quân Ấn Độ tiết lộ, hải quân nước này không có kế hoạch trang bị hệ thống phòng không cho tàu sân bay Vikradamitya ngay từ thời điểm ban đầu. Tuy nhiên, con tàu sẽ có một hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến và một nhóm tàu hộ tống hoạt động yểm trợ. Ngoài ra, nó đã được trang bị một hệ thống pháo bắn nhanh AK-630 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự li gần.

Tên lửa Barak-8 do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) hợp tác với công ty Israel Aerospace Industries (IAI) nghiên cứu phát triển

Người phát ngôn lực lượng Hải quân Ấn Độ P.V Satish cho biết: “Vũ khí chính của tàu Vikradamitya sẽ là các tiêm kích hạm và trực thăng chống ngầm”. Trong khi đó, một nguồn tin từ hải quân Ấn Độ lại cho rằng, việc trang bị cho con tàu sẽ gồm nhiều loại pháo với cỡ nòng 20mm và 30mm.

Được biết, chương trình phát triển hệ thống LRSAM đã được phát động từ năm 2007 và theo kế hoạch hệ thống này sẽ phải sẵn sàng trang bị cho tàu sân bay Vikramaditya trong năm 2014.

Hệ thống LRSAM bao gồm một radar đa chức năng, một radar 3-D băng tần S, một hệ thống giám sát và chỉ huy và 3 bệ phóng tên lửa, mỗi bệ có 8 ống phóng.

M.Q (Theo DF)