GS. Trần Văn Khê được trao tặng giải thưởng Phan Châu Trinh

15:57 | 20/03/2012

473 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải thưởng nghiên cứu cho Tiến sĩ Trần Văn Khê vì những đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam trong nước và ngoài nước.

Trần Văn Khê sinh 1921 tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Cuối năm 1954, ông theo học và chuẩn bị luận án tiến sĩ tại Khoa Anh văn và Âm nhạc học, trường Đại học Sorbonne, Paris. Tháng 6/1958, ông bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài chính: “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” và hai đề tài phụ: “Khổng Tử và âm nhạc”, “Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam”.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ông bắt đầu đi những bước đầu tiên trên trên chặng đường: sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông làm những việc này không phải vì thấy âm nhạc Việt Namđộc đáo hay đẹp hơn âm nhạc của các dân tộc khác mà đơn giản bởi ông yêu âm nhạc và ông là người Việt Nam.

GS. Trần Văn Khê nhận giải khi đã gần 92 tuổi

Với ông, nhạc truyền thống Việt Namlà một phần “Quốc hồn”, Quốc túy”. Ông thiết tha mong muốn đem hồn nhạc Việt đi xa, quảng bá rộng rãi cho mọi người yêu nhạc. Bằng tài năng và bầu nhiệt huyết của mình ông đã bước vào làng nhạc quốc tế và thực hiện được mong ước đó.

Ông tâm sự: “Tôi đã có thời gian dài sống ở Pháp, tôi mới về Việt Namđược vài năm và nhận được một căn nhà để sống đến cuối đời. Tôi đã chuyển về nước tất cả sách, đĩa của tôi cả một kiện hàng lớn. Sau khi tôi mất, căn nhà sẽ là nơi trưng bày những tác phẩm nghiên cứu của tôi, tài sản ấy tôi không để lại cho con tôi mà đó là tài sản của thành phố này, của dân tộc này”.

Gần nửa thế kỷ nghiên cứu, hoạt động và giảng dạy âm nhạc tại hải ngoại, GS. Trần Văn Khê đã viết hàng trăm bài báo và tham luận về đề tài âm nhạc dân tộc Việt Namđược dịch ra 14 thứ tiếng. Ông đã thực hiện được gần 30 đĩa hát và CD về âm nhạc Việt Namvà một số nước châu Á.

Với ngón đàn điêu luyện và khả năng truyền cảm, ông đảm nhận giới thiệu các chương trình âm nhạc dân tộc Việt Nam trên làn sóng phát thanh, truyền hình, đồng thời ông cũng tham gia thuyết trình về âm nhạc truyền thống Việt Nam trong nhiều hội nghị và các trường đai học lớn tại hơn 50 quốc gia.

GS. Trần Văn Khê với nhà văn Nguyên Ngọc (giữa)

Trong dịp này, cùng được trao giải thưởng Phan Châu Trinh còn có ông Nguyễn Thạch Giang (Giải nghiên cứu văn học Hán – Nôm); ông Nguyễn Sự (Giải vì sự nghiệp Văn hóa và giáo dục); ông Nguyễn Văn Khoa (Giải dịch thuật). Giải “Việt Nam học” được trao cho Alain Ruscio (Người Pháp) và Pavel Pozner (Người Nga).

Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, mang tên Nhà văn hóa Phan Châu Trinh (1872 – 1926), người chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Tiền thân của Quỹ là Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh, được thành lập tháng 1/2007. Quỹ chủ trương hệ thống giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, định kỳ và không định kỳ bao gồm các giải thưởng “Giáo dục”, “Dịch thuật”, “Việt Nam học” và giải “Nghiên cứu” cho các nhà hoạt động giáo dục, nhà khoa học, dịch giả trong và ngoài nước. Năm 2011, giải Giáo dục được mở rộng thành giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Khoa (đứng) được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đặc biệt đánh giá cao khi chọn dịch Plato, một trong những triết gia hàng đầu của phương Tây

Theo bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh: “Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mong muốn trở thành Quỹ của mọi người Việt muốn đóng góp vào việc nâng dân trí, góp phần hiện đại hóa đất nước, đưa dân tộc Việt Nam vào dòng chảy văn minh và tiến bộ của nhân loại”.

Lễ trao giải dưới sự chủ trì của Bà Nguyễn Thị Bình sẽ diễn ra vào sáng ngày 24/3/2012 tại Hội trường Viện nghiên cứu Công nghệ và Phát triển (SENA), Hà Nội, là ngày giỗ của nhà yêu nước và nhà văn hóa lớn mà Quỹ được mang tên.

Nguyễn Hiển