Gỡ rối cho thị trường vàng

07:00 | 11/05/2013

585 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, thị trường vàng Việt Nam hiện nay đang hết sức phức tạp. Tình trạng này xảy ra có thể do nước ta là nước đầu tiên đặt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào vai trò quản lý thị trường vàng. Do đó, để gỡ rối cho thị trường, cũng như “giải thoát” cho NHNN chỉ có cách là đề nghị Quốc hội bỏ Nghị định 24, đưa NHNN về với nhiệm vụ cố hữu của một ngân hàng Trung ương.

Rối như thị trường vàng Việt Nam!

Hiện nay, thị trường vàng đang đối mặt với nhiều vấn đề mà cơ quan chức năng cần có câu trả lời thỏa đáng cho người dân và doanh nghiệp, đó là: Vấn đề chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quá cao, có khi lên đến 7 triệu đồng/lượng. Trong những phiên đấu giá vàng vừa qua, NHNN đưa ra giá thầu cao hơn so với giá thế giới, vậy thì khoản chênh lệch đó đi đâu? Việc đưa ra thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích gì hay chỉ làm thị trường hỗn loạn thêm?

Nhận định về việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện nay, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng: Có thể quan điểm của NHNN hiện nay là bình ổn thị trường nhưng không liên thông về giá với thế giới. Vì vậy, trong điều kiện giá vàng thế giới sụt giảm nhanh thì giá vàng trong nước vẫn giữ mức ổn định ở khoảng 42 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường vàng hỗn loạn hơn bởi các biện pháp can thiệp hành chính quá sâu vào thị trường

Ở một khía cạnh khác, ông Phạm Đỗ Chí - nguyên chuyên gia cao cấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng: Có thể NHNN đã không tuyên đoán được giá vàng nên mua vào 60 tấn vàng ở thời điểm giá thế giới cao. Theo ông dự đoán thời điểm NHNN mua vào giá vàng ở mức 1.600-1.800USD/ounce. Do đó, đến lúc giá xuống thì lỗ nặng nên NHNN phải giữ giá vàng cao để bù lỗ. Nếu trong vài tháng tới, giá vàng thế giới thấp hơn 1.400USD/ounce thì NHNN phải chịu lỗ lớn. Vì vậy, hiện nay NHNN đang ở 3 thế kẹt trong thị trường vàng là: Nếu ngưng việc đấu giá thì thị trường càng hỗn loạn và giá vàng nội địa tiếp tăng mạnh; nếu tiếp tục bán thêm từ khối vàng dự trữ thì ngoại hối cạn dần; nếu NHNN nhập vàng mới về bán thì tiêu hao dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Đạt Chí, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không phải là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu vì từ xưa đến nay phản ứng của thị trường trong nước vẫn chậm hơn so với thị trường thế giới, khi giá vàng thế giới xuống quá nhanh, thị trường trong nước không kịp điều chỉnh dẫn đến chênh lệch cao. Bên cạnh đó, người dân không phải chịu thiệt vì chênh lệch giá vàng này, họ mua vào giá cao nhưng cũng bán ra được giá cao. Đặc biệt đối với lượng vàng tồn kho thì người dân còn có lợi vì được bán ra với mức giá cao hơn giá thế giới, chỉ khi nào giá bán và giá mua chênh lệch cao thì mới ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Với việc đấu thầu vàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN vẫn nên định giá cao, sát với giá thị trường hiện nay. Bởi nếu định giá thấp thì chưa chắc đã kéo được khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, người dân cũng chưa chắc được hưởng lợi, vì trước khi đến với người dân thì số vàng này cũng qua tay những người kinh doanh và một số nhóm lợi ích nên thà là để cho ngân sách hưởng khoản lãi này còn hơn là vào tay các nhóm lợi ích.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là việc đưa ra thương hiệu vàng quốc gia, Nhà nước chuyển từ quản lý chất lượng sang độc quyền thương hiệu và kinh doanh vàng đã sinh ra nhiều bất ổn. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Vạn Phú cho rằng: Việc đề ra thương hiệu vàng quốc gia là việc đi quá thẩm quyền của NHNN vì theo các văn bản luật, nghị định, thông tư hiện nay không có văn bản nào đề cập đến thương hiệu vàng quốc gia. Trong khi đó việc đề ra thương hiệu độc quyền này gây tác động rất lớn đến thị trường, gây ra tốn kém, phiền toái và lộn xộn không đáng có. Hiện nay, NHNN đang nói và làm sai luật nên cần sớm có động thái xin lỗi, đính chính trước người dân với những phát biểu sai luật này.

Có thể nhận thấy, với tác động từ những bất cập trong quản lý, dù NHNN đã bán ra 15 tấn vàng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn giữ ở mức cao. Các chuyên gia kinh tế khẳng định, việc tung vàng ra để ổn định thị trường sẽ ít có kết quả vì NHNN không thể dùng các biện pháp hành chính để cấm người dân và các tổ chức ngưng mua bán vàng. Đồng thời, hiện nay không ai có thể xác định tung ra bao nhiêu lượng vàng nữa thì kéo giá vàng xuống được. Như thế thì ngoại tệ nào chịu nổi để nhập vàng vào lấp hết lỗ hỏng chênh lệch này. Đó không phải là chuyện nhỏ mà là vấn đề là vấn đề rất lớn liên quan đến an toàn ngoại tệ và dự trữ ngoại hối.

Giải pháp ổn định thị trường

Trước những bất ổn của thị trường vàng hiện nay, các chuyên gia đã đề ra nhiều giải pháp quản lý thị trường vàng, theo ý kiến nhiều chuyên gia, NHNN cần ngưng việc chuyên bán độc quyền vàng SJC, nên lập mới sàn vàng quốc gia để tăng mức cung của thị trường và làm biến mất chênh lệch giá. NHNN có thể thực hiện các chính sách tiền tệ qua việc điều tiết sàn vàng và Chính phủ cũng có thể thu thuế qua sàn giao dịch này.

Ông Phạm Đỗ Chí cho rằng, hiệu quả quản lý vàng có được từ Nghị định 24 là không thể phủ nhận. Nhưng dường như phương thức và cách thức quản lý vàng đã gây ra nhiều bất ổn. Do đó, để gỡ rối cho thị trường vàng hiện nay nên đề nghị Quốc hội xóa bỏ Nghị định 24 đưa NHNN trở về với nhiệm vụ cố hữu của một ngân hàng Trung ương trong việc điều tiết chính sách tiền tệ và cải thiện kinh tế vĩ mô, trong đó vấn đề cấp bách nhất hiện nay của NHNN là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giải quyết món nợ xấu khổng lồ, không nên can thiệp quá sâu vào thị trường vàng bằng các biện pháp hành chính.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM cho rằng: Nghị định 24 ra đời vào tháng 4/2012 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý thị trường vàng, lập lại thị trường vàng miếng, hiện tượng đầu cơ, lủng đoạn thị trường không còn, cơn sóng vàng cũng không xuất hiện.

Đối với việc đấu thầu vàng, NHNN khẳng định đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật. Việc NHNN bán vàng cho các ngân hàng thương mại để tất toán vàng của dân đảm bảo tính công khai, minh bạch, có tác động tích cực bình ổn thị trường vàng. Và hiện nay, có thể dự đoán rằng việc thanh khoản vàng trong dân sẽ không gặp khó khăn gì.

Với đề nghị của các chuyên gia về huy động vàng trong dân, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng bày tỏ một số lo ngại trong việc này như: Chi phí huy động cao. Nếu một năm huy động khoảng 30 tấn vàng với giá và lãi suất như hiện nay thì tiền lãi phải trả cho dân là khoảng 300 tỉ đồng, đây là khoản chi phí rất lớn.

Bên cạnh đó, nếu chọn giải pháp huy động xong rồi mang ra gởi ở nước ngoài thì cũng phải chịu chi phí chuyển đổi, trong khi tỷ lệ sinh lời rất thấp. Các rủi ro trong thanh khoản khi huy động cũng cần được chú ý. Ngoài ra, nếu sử dụng vàng huy động để bán ra can thiệp thị trường thì không nên vì vàng không phải là hàng thiết yếu cần bình ổn. Trên thế giới cũng không có ngân hàng nào đứng là huy động vàng trong dân.

Mai Phương