Giám đốc OCEANBANK chi nhánh Vũng Tàu: Ngân hàng là lựa chọn tốt nhất cho các khoản tiền nhàn rỗi

16:42 | 03/11/2011

1,778 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy ngày gần đây, dư luận thành phố Vũng Tàu xôn xao về việc nguyên một cán bộ ngân hàng vay nợ cá nhân trên 4 tỉ đồng, không có khả năng trả nợ đã bỏ trốn. Để thông tin chi tiết tới bạn đọc, phóng viên báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Nguyễn Thị Kiều Liên, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Ngân hàng Đại Dương chi nhánh Vũng Tàu.

Bà Nguyễn Thị Kiều Liên, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Ngân hàng Đại Dương chi nhánh Vũng Tàu

PV: Xin bà cho biết những thông tin về Phạm Văn Bình, nguyên là cán bộ của chi nhánh ngân hàng liên quan đến vụ việc vỡ nợ hiện đang bỏ trốn.

Bà Kiều Liên: Anh Phạm Văn Bình, 31 tuổi, làm việc tại chi nhánh Vũng Tàu từ năm 2009 và được đề bạt làm Phó phòng Tín dụng chi nhánh. Đối với nghiệp vụ tín dụng mà Bình đảm nhiệm trong thời gian làm việc, chi nhánh luôn có sự quản lý và giám sát chặt chẽ theo quy trình tín dụng và quy định của ngân hàng, pháp luật của nhà nước nên công việc được thực thi nghiêm túc.

Ngày 24/10/2011, Bình tự ý nghỉ việc không báo cáo, cán bộ nhân sự của chi nhánh liên hệ không được, đã đến nhà riêng của Bình nhưng không gặp. Ngày 26/10 Bình vẫn nghỉ làm. Để đảm bảo hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng và công việc của phòng tín dụng, chi nhánh ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phạm Văn Bình. Đến ngày 28/10/2011, sau 5 ngày sau khi Bình tự ý nghỉ việc và chi nhánh không liên lạc được, Ngân hàng đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với Bình. Khi cơ quan công an thông báo sự vụ, Bình đã không còn là cán bộ của ngân hàng. Chúng tôi tiếp nhận thông tin về việc Bình vay nợ cá nhân thông qua cơ quan công an và đã có sự hợp tác, phối hợp để hỗ trợ bên công an điều tra vụ việc.

PV: Ngân hàng có biết gì về các quan hệ vay mượn tiền của Bình không? Theo bà, bài học cho vụ việc này là gì?

Bà Kiều Liên: Ngay khi nhận được đơn thư phản ánh của người dân, cơ quan công an đã liên hệ với chi nhánh để xác minh việc Phạm Văn Bình có đúng đã từng là cán bộ của chi nhánh và những người cho Bình vay tiền có phải là khách hàng của chi nhánh không. Chúng tôi đã hợp tác và hỗ trợ đầy đủ với cơ quan công an theo đúng chức trách của mình.

Qua công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ và rà soát cơ sở khách hàng, chúng tôi xác định những người cho Bình vay tiền đều không phải là khách hàng có giao dịch với chi nhánh. Quan hệ vay mượn tiền của Bình hoàn toàn là quan hệ cá nhân. Vì vậy, những người dân cho Bình vay tiền đã trực tiếp gửi đơn thư phản ánh đến cơ quan công an để bảo vệ quyền lợi và tài sản của mình. Hiện nay cơ quan công an vẫn tiếp tục điều tra xác minh Bình đã vay nợ của bao nhiêu người và sử dụng tiền vào mục đích gì.

Nhân đây tôi cũng xin lưu ý bạn đọc nên cảnh tỉnh với những chiêu vay tiền với lãi suất cao bất thường. Lợi nhuận cũng quan trọng, nhưng vấn đề làm thế nào để tài sản của mình được đảm bảo mới là ưu tiên số một. Chúng ta nên đặt niềm tin và tài sản của mình vào đúng những nơi uy tín, được đảm bảo, để vừa bảo toàn tài sản, vừa có giá trị gia tăng. Ngân hàng là lựa chọn tốt nhất cho các khoản tiền nhàn rỗi.

PV: Công tác quản lý cán bộ tín dụng được coi là ẩn chứa nguy cơ cao, vậy Chi nhánh thực hiện điều này như thế nào, thưa bà?

Bà Kiều Liên: Công tác quản lý cán bộ của chi nhánh Vũng Tàu nói riêng và toàn hệ thống ngân hàng Đại Dương nói chung được tuân thủ theo luật lao động của nhà nước, quy chế nhân sự và các nội quy làm việc của ngân hàng. Chúng tôi quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ, đồng thời luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các đơn vị trên toàn hệ thống xây dựng hoạt động phong trào tập thể, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và sự đoàn kết nội bộ. Riêng với đội ngũ cán bộ tín dụng, chúng tôi xác định đây là bộ phận nghiệp vụ có thể ẩn chứa rủi ro nghề nghiệp và nguy cơ vi phạm đạo đức cao. Vì vậy, chúng tôi quán triệt mọi hoạt động cho vay đều phải thực hiện theo đúng quy chế tín dụng của ngân hàng và pháp luật của nhà nước.

Quyết định phê duyệt tín dụng của chi nhánh hay của Hội đồng tín dụng đều phải dựa trên các yếu tố: hồ sơ được thẩm định rõ ràng; khách hàng vay đúng mục đích; có khả năng trả nợ ngân hàng… Tất cả cán bộ tín dụng đều phải chịu trách nhiệm trước ngân hàng và pháp luật về mỗi khoản vay do mình phụ trách nên vấn đề thượng tôn pháp luật được đặt lên hàng đầu. Quay lại sự việc của Phạm Văn Bình, những người cho Bình vay đều hiểu rằng quan hệ vay mượn của họ với Bình đều là quan hệ cá nhân với cá nhân nên đã chủ động tố giác và nhờ công an điều tra làm rõ.

PV: Xin cảm ơn bà!

PV