Gặp kỹ sư quê lúa chế tạo tàu ngầm “gây sóng” dư luận
Máu sáng chế
Khi nói tới Nguyễn Quốc Hòa, người kỹ sư “quê lúa” Thái Bình thì ai ai cũng nghĩ ngay tới các sản phầm tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa đang trong quá trình hoàn thiện, mà ít người biết rằng, cách đây khoảng 10 năm, anh Hòa là người Việt Nam đầu tiên chế tạo ra chiếc máy in cuốn công nghệ Flexo. Chiếc máy này của anh Hòa được ví như cuộc cách mạng của ngành sản xuất giấy vở nước nhà, vì tại thời điểm đó chưa có nhà máy cơ khí ngành in nào tại Việt Nam chế tạo thành công máy in mang công nghệ Flexo cả.
![]() |
Kỹ sư quê lúa Nguyễn Quốc Hòa bên chiếc tàu ngầm Trường Sa |
Nói qua chút tiểu sử của anh kỹ sư quê lúa, theo như lời anh kể thì vào năm 1974, Nguyễn Quốc Hòa là chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, sau được cử đi học kỹ sư thực hành tự động hóa ở Đức. Khi ra quân, Hòa về làm công nhân ở Xí nghiệp Điện thông Thái Bình.
Có thể nói, cái sự đam mê sáng tạo ra những sản phẩm mới đã ăn sâu vào con người anh Hòa tới tận gốc rễ. Dù về nước làm việc không đúng ngành, đúng nghề nhưng anh liên tục có những sáng kiến, sáng tạo mới và nhiều năm liền đạt Chiến sĩ thi đua, Bằng khen của Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thái Bình. Chỉ trong 4 năm từ thợ bậc 1 anh bước lên thợ bậc 5. Sau đó, khi cơ chế mới mở ra, anh kỹ sư mê sáng chế này quyết định nghỉ làm và về “một cục”, thành lập một xí nghiệp sản xuất giấy vở của riêng mình.
Có xí nghiệp riêng, anh Hòa như “cá gặp nước” thỏa sức vẫy vùng phát huy sức sáng tạo vô cùng mạnh mẽ của mình. Đầu năm 2000, kỹ sư Quốc Hòa đã thiết kế chế tạo ra máy cắt kẻ tự động liên hoàn, kẻ - cắt tờ trực tiếp trên cuộn giấy. Chiếc máy của anh kỹ sư Thái Bình đã tạo được tiếng vang lớn trong ngành sản xuất giấy vở nước ta. Vì tại thời điểm đó chưa có nhà máy cơ khí, ngành in nào tại Việt Nam có thể chế tạo thành công máy cắt cuộn, mà hoàn toàn phải nhập khẩu của nước ngoài. Loại máy này đã nhanh chóng được các nhà sản xuất giấy vở trong nước sử dụng.
![]() |
Hòa tàu ngầm
Cho tới bây giờ, sau hơn một thập niên thì người ta đã quen gọi anh là “ông Hòa tàu ngầm”. Cũng không lạ, suốt năm 2014 dư luận râm ran về câu chuyện tàu ngầm Trường Sa 1, rồi cả những tranh luận ì xèo của giới khoa học về khả năng chế tạo tàu ngầm của Việt Nam. Thậm chí, quá trình chế tạo tàu ngầm của “ông Hòa tàu ngầm” còn thu hút được cả báo chí nước ngoài như ở Nga và Trung Quốc cũng có những bài báo đánh giá về sản phẩm tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa của anh.
Tâm sự về ý tưởng thiết kế tàu ngầm Trường Sa 1, anh bảo: “Việt Nam là quốc gia biển. Chúng ta khai thác trên mặt nước quá nhiều rồi nhưng ở dưới đáy biển thì chưa có ai nghiên cứu sâu về nó, vì không có nhiều thiết bị. Bởi vậy tôi đã nghĩ, chúng ta phải chế tạo những con tàu ngầm để có thể phục vụ nghiên cứu đáy biển, qua đó phục vụ phát triển kinh tế, thậm chí phục vụ việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.
Sau khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng có phần “điên rồ” của mình, anh Hòa đã gặp không ít những khó khăn. Đầu tiên là về phần vốn, bởi chi phí để chế tạo ra một con tàu ngầm mang công nghệ hiện đại tất nhiên là rất lớn. Và anh cũng gặp không ít những ý kiến cho rằng mình bị điên, hoang tưởng
“Con tàu lặn Hòa Bình được Vinashin chế tạo cũng đã tiêu tốn tới 28 tỉ đồng. Thế nên, chi phí cho tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa cũng sẽ là một con số không hề nhỏ. Mặc dù tôi có thể huy động nhiều nguồn vốn vào việc chế tạo tàu ngầm nhưng cũng phải cân đối, tính toán kỹ lưỡng vì còn phải dành tiền cho việc chế tạo các sản phẩm khác nữa. Lúc đầu tôi có trao đổi ý tưởng với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Thái Bình nhưng tất cả đều hoài nghi và coi đó là ý tưởng điên rồ” - anh nói.
Cũng là một người theo dõi khá kỹ quá trình chế tạo tàu ngầm của anh Hòa, tôi được biết, vào thời điểm anh Hòa tuyên bố có thể chế tạo được tàu ngầm, một vị giáo sư, tiến sĩ hàng đầu về động cơ thủy khí đang công tác tại một viện nghiên cứu tại Hà Nội cũng đã lên tiếng phản bác và khẳng định: “Đây chỉ là chiêu trò quảng cáo cho công ty và tự nâng cao bản thân khi những thông số anh Hòa đưa ra đều bất hợp lý, không đúng với thực tế và vượt quá xa so với công nghệ của Việt Nam hiện nay”.
Theo vị giáo sư, tiến sĩ này, hiện nay ở Việt Nam chỉ có 5 trung tâm đang nghiên cứu về công nghệ AIP, nhưng đó cũng chỉ là mô hình thử nghiệm chứ chưa có đủ trình độ để áp dụng vào thực tế. Và ngay tại Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đang tiến hành chế tạo 2 chiếc tàu ngầm mini điều khiển từ xa nhưng chưa thể sử dụng được động cơ AIP mà anh Hòa tuyên bố sẽ áp dụng cho tàu ngầm Trường Sa 1.
Không chỉ có thế, vị giáo sư, tiến sĩ hàng đầu này còn lên giọng dạy khôn anh Hòa và mỉa mai rằng: “Muốn chế tạo tàu ngầm thực, trước hết chúng ta cần phải thử nghiệm trước bằng mô hình sau đó mới chế tạo. Các nước trên thế giới để làm ra một cái tàu ngầm bán được phải trải qua hàng chục ngàn thí nghiệm lớn nhỏ khác nhau và phải tốn hàng chục tỉ đôla chứ không phải bỗng dưng một ông nông dân hay kỹ sư mà có thể chế tạo được ngay tàu ngầm”.
Thực tế đã chứng minh rằng đây chẳng phải là những chiêu trò quảng cáo gì cho Công ty Cơ khí Quốc Hòa như lời vị giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Trường ĐH Bách Khoa đã nói.
Tàu ngầm Trường Sa, với công nghệ khí tuần hoàn độc lập (AIP) đã được anh Hòa chế tạo thành công. Tàu ngầm có chiều dài 9m, cao 3m, được trang bị 2 động cơ diesel 90Hp, hoạt động bằng hệ thống không khí độc lập tuần hoàn. Tốc độ thiết kế tối đa là 40km/giờ; bán kính hoạt động 800km; thời gian lặn 15 giờ; độ sâu lặn tối đa 50m.
Ngày 28-3-2014, Nguyễn Quốc Hòa đã tự tay điều khiển chiếc tàu của mình thử nghiệm việc di chuyển trên mặt hồ Tân Bình, thuộc Khu Công nghiệp Vĩnh Trà, TP Thái Bình. Hồ có diện tích khoảng 3ha, sâu khoảng 2,5-3m nên tàu ngầm không thể tiến hành lặn thử mà chỉ có thể di chuyển xung quanh mặt hồ theo mục tiêu đặt ra trước đó. Sau gần 2 tiếng đồng hồ chạy thử nghiệm với khoảng 6 vòng quanh mặt hồ đã cho kết quả khá hoàn hảo, khi hệ thống bánh lái, chân vịt, điện tử bên trong tàu đều hoạt động ổn định. Tàu ngầm Trường Sa đã thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức.
Đặc biệt, Bộ Quốc phòng cũng cử người xuống xem xét, đánh giá và cho biết sẵn sàng trợ giúp kỹ thuật cũng như nguồn vốn để tàu ngầm được hoàn thiện nhất. Ông Hòa cũng vui vẻ thông báo rằng, tàu ngầm Trường Sa 1 sắp tới sẽ được đưa cho Bộ Quốc phòng để hoàn thiện hơn nữa và hy vọng con tàu Trường Sa 1 sẽ được mang ra chạy thử nghiệm ở giai đoạn tiếp sớm nhất có thể.
Ước muốn của kỹ sư“quê lúa”
Nói tới ước muốn trong năm 2016, anh Hòa kể rằng đã trình kế hoạch thử nghiệm tàu ngầm Hoàng Sa trên biển cho UBND tỉnh Thái Bình và cơ quan này đã gửi công văn lên Văn phòng Chính phủ, hiện anh đang chờ câu trả lời. Nếu được cho phép, có thể ông sẽ đưa tàu ngầm tự chế Hoàng Sa ra vùng biển thuộc cảng Diêm Điền (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, cách thành phố Thái Bình 30km) thử nghiệm.
“Hiện tại, tôi đã chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng cho kế hoạch thử nghiệm ở biển của tàu ngầm mini Hoàng Sa, tôi tin chắc chắn sẽ thành công” - anh Hòa khẳng định.
Như lời anh Hòa kể thì anh sẽ không dừng ở việc hoàn thiện 2 tàu ngầm mang tên Trường Sa 1 và Hoàng Sa, nhà sáng chế quê lúa sẽ theo đuổi việc chế tạo chiếc tàu ngầm thứ 3 trong thời gian sắp tới. Anh cũng tâm sự rằng, trong suốt thời gian nghiên cứu chế tạo 2 tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa, đã có nhiều nhà khoa học, nhà sáng chế từ các nước Nga, Đức, Nhật Bản và Mỹ gọi điện chia sẻ, động viên, góp ý. Trong đó có 2 nhà khoa học là người Việt Nam sống và làm việc tại Đức và Mỹ.
Anh Hòa cho biết: “Các nhà khoa học vẫn thường xuyên trao đổi với tôi những vấn đề đơn thuần như kỹ thuật, công nghệ chế tạo, chi tiết tàu ngầm. Hầu như những buổi trao đổi đều như những buổi lên lớp của thầy giáo với học sinh.
Thường thì các nhà khoa học làm thành các clip trao đổi, vì những kiến thức cơ bản để chế tạo tàu ngầm tôi đã nắm rõ, nên cũng hiểu ý, triển khai rất nhanh. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề do đọc lý thuyết trên mạng mà không hiểu lắm nên tôi phải trao đổi lại với các nhà khoa học trên, sau khi trao đổi lại thì tôi cũng hiểu hết”.
Theo anh Hòa, mỗi nhà khoa học mạnh về một lĩnh vực, người thì hiểu biết nhiều về vật liệu, động cơ, điện... nên rất thuận lợi cho anh khi học hỏi. “Tàu ngầm là nơi hội tụ một khối khoa học vô cùng lớn, chứ không riêng một ngành nghề nào”, anh Hòa nói. Internet giúp anh Hòa có thể liên hệ được với các nhà khoa học, vì anh có trang web, email, nên liên lạc khá dễ dàng. Từ khi anh bắt đầu làm tàu ngầm Trường Sa 1 đã được các nhà khoa học rất yêu nghề sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết của họ. “Riêng các nhà khoa học trong nước thì hầu hết đều động viên, khích lệ tôi, còn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm về khoa học thì không có”, anh Hòa chia sẻ.
Tú Cẩm
Năng lượng Mới 509
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án Trump International Hưng Yên
-
Đề xuất cấp xã tự quyết định khu vực bỏ phiếu bầu cử
-
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng tới Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030
-
Quốc hội thông qua nghị quyết rút ngắn nhiệm kỳ và ấn định ngày bầu cử khóa mới
-
Đề xuất mở rộng quyền lập doanh nghiệp cho viên chức