Du lịch tâm linh: Đi xa để trở về với bản ngã

17:47 | 05/05/2012

1,246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Du lịch không chỉ đơn thuần là đi lại và ngắm cảnh mà còn thực sự hòa mình, để từ đó chiêm nghiệm về bản thân và lẽ đời, một cách đi xa để tìm về với chính mình.

Học gì từ các quốc gia của Phật giáo?

Du lịch tâm linh đối với các ở các nước được coi là cái nôi của Phật giáo như Ấn Độ, Trung Quốc hay Nhật Bản, Thái Lan đã không còn quá lạ lẫm mà đã trở thành một ngành du lịch quan trọng.

Ấn Độ được coi là quê hương của Phật giáo với các di tích Phật giáo rải rác khắp đất nước như đền Taj Mahal, pháo đài Agra, Sikandra, Rambagh và phế tích vương triều ở thành Mughal tại Fatehpur Sikri.

Đền Taj Mahal - một trong các địa điểm du lịch tâm linh của Ấn Độ

Vì vậy, quốc gia này thực sự đã trở thành địa điểm linh thiêng nhất đối với các du khách và phật tử trong các tour du lịch tâm linh. Nhận thức rõ điều này, chính phủ Ấn Độ đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển hình thức du lịch liên kết tín ngưỡng này.

Để thu hút khách du lịch, chính phủ Ấn Độ tạo phương tiện đầy đủ và tiện nghi cho du khách như nâng cấp đường sá, thiết lập thêm phương tiện giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường ở những nơi công cộng, sân ga các các khu phụ cận các Phật tích…

Bên cạnh đó, chính phủ cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các giáo hội Phật giáo trên khắp thế giới mở các khóa tu thiền trong khuôn viên các Phật tích, giúp cho du khách thanh lọc tâm hồn trong những ngày trên đất Phật.

Trong vùng phụ cận các di tích, họ cho xây dựng nhiều khách sạn, các căn hộ cho thuê phục vụ khách lưu trú dài ngày. Các nhà hàng cũng đã có nhiều loại thực phẩm đa dạng, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Ngoài ra, họ còn thiết lập các điểm dịch vụ y tế, đáp ứng kịp thời và đảm bảo sức khoẻ cho du khách.

Mặc dù chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đầu tư phát triển công nghệ du lịch, nhưng không cho các yếu tố thương mại hóa chi phối du lịch tâm linh.

Việc đến các địa điểm tôn giáo của du khách trong loại hình du lịch tâm linh không chỉ đơn giản là vãn cảnh, hay tìm hiểu một nền văn hóa khác. Du lịch tâm linh đến các di tích của đạo Phật sẽ giúp con người tháo gỡ được các cảm xúc khổ đau, vun bồi tâm trí và tinh thần minh triết. Du lịch tâm linh rất cần thiết cho tinh thần con người trong xã hội hiện đại.

Ngài Dalai Lama đã từng có tâm sự: “Cơ hội tham quan các điểm hành hương của các truyền thống tôn giáo khác đã giúp tôi nhận chân rằng du lịch tâm linh đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi lớn sự hiểu biết và thiết lập sự hoà hợp liên tôn. Thông qua đó, chúng ta cùng nỗ lực giảm thiểu tối đa các xung đột dưới danh nghĩa tôn giáo”.

Du lịch tâm linh tại Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia rất giàu có các thánh tích: chùa Trấn Quốc (Hà Nội), chùa Hương (Hà Tây), Yên Tử (Quảng Ninh), Phát Diệm (Ninh Bình) hay Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh)… Trong những năm gần đây, hình thức du lịch tâm linh tại Việt Nam đã có bước phát triển, tuy nhiên phần lớn các tour du lịch đến các danh lam thắng cảnh, chùa chiền … chỉ dừng lại ở hình thức nhìn ngắm chứ chưa thực sự hòa mình vào nó. Nói một cách khác, hình thức du lịch này chỉ dừng lại ở việc du lịch tín ngưỡng chứ chưa hoàn toàn là du lịch tâm linh.

Với du lịch tâm linh, nó bao hàm cả hành trình tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống lẫn tìm lại chính mình. Với họ, các thánh tích, Phật tích là những nơi giác ngộ, nơi có thể trao tặng cho họ các thông điệp tuyệt vời, chứa đựng sự hòa hợp giữa con người với thế giới thông qua khoá tu thiền tại chỗ.

Cựu Tổng thống Ấn Độ, tiến sĩ A.P.J Abdul Kalam đã từng khẳng định: “Du lịch tâm linh hoàn toàn khác với việc tham quan các địa danh và ngắm nhìn các chiều kích vật lý. Du lịch tâm linh có nghĩa là thăm viếng trái tim và tâm trí của những bậc hiền triết…”.

Tuy nhiên, hiện đã có một số địa điểm mà khách du lịch có thể trải nghiệm hình thức du lịch tâm linh như khu du lịch Tràng An – Bái Đính. Du khách có thể tham quan Điện Tam Thế có tượng Tam Thế đúc bằng đồng, nặng tới 50 tấn; Điện Pháp Chủ với tượng Thích Ca Mầu Ni nặng 100 tấn; hai quả chuông đồng nặng 36 tấn và 27 tấn đồng, cổng Tam quan, hồ Phóng sinh…

Ngoài ra, khách du lịch còn được nghỉ ngơi trong công viên yên tĩnh nơi trồng nhiều cây dược liệu, cây quý hiếm hoặc dạo thuyền vào thăm khu hang động Tràng An cách chùa không xa, nơi có tới 50 hang động dưới lòng núi đá vôi đã phát lộ.

Du khách còn có thể trải nghiệm cảm giác tĩnh lặng thông qua các khóa tu thiền tại Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, được xây dựng ngay bên cạnh khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự. Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên là nơi hàng ngàn phật tử, du khách trong và ngoài nước tới hành hương, tìm về “cội nguồn Phật giáo Việt Nam” này để thắp hương khấn phật và thưởng ngoạn cảnh đẹp rừng núi Tây Thiên hơn.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - một trong những địa điểm du lịch tâm linh của Việt Nam

Hơn nữa, du khách còn có cơ hội được thực sự hòa mình và tìm hiểu phái Thiền tông, được có những giây phút lắng lại để suy ngẫm về bản thân và cuộc đời thông qua các khóa tu thiền ngay tại Thiền viện. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thường xuyên đón những Phật tử lên tu thiền, học cách sống chậm và sống có ý nghĩa hơn. Các khóa tu thường kéo dài từ 7 – 10 ngày, tuy nhiên, có một số người tự nguyện kéo dài khóa tu nhiều tháng liền. Đặc biệt trong mùa hè, nhiều bậc phụ huynh đưa con lên Thiền viện tập tu trong 3 tháng hè.

Các khóa tu với giờ giấc cụ thể với các chương trình: Ngồi yên và tụng kinh; Pháp đàm; Thiền trà; Dự lễ xuất gia; Tham vấn; Đi thiền; Pháp thoại; Thiền ca; Thiền buông thư…

Ngoài ra, các nhà tổ chức các tour du lịch tham quan chiêm bái thắng tích, những nơi khơi nguồn tâm linh của Phật giáo nước ngoài, chẳng hạn như các chương trình hành hương chiêm bái Tứ Động tâm, hành trình về “Vũ trụ tâm linh” – Tây Tạng, đến các địa danh nổi tiếng của Phật giáo, tiêu biểu là Tứ đại danh sơn (Trung Quốc), Trung Đài Thiền tự (Đài Loan)…

Các tour du lịch tâm linh có đặc thù riêng, vừa tâm linh vừa du lịch. Đến với các chương trình du lịch tâm linh, những người tham gia thường cảm thấy rất gần gũi, dễ thông cảm và sẵn sàng sẻ chia, cởi mở với nhau. Họ có thể coi nhau là những thành viên cùng gia đình ngay khi chuyến đi bắt đầu.

Tham gia những chương trình này, du khách không chỉ được quay về với cội nguồn tâm linh của mình, được khám phá những thánh tích hay không gian tâm linh quý giá mà trong suốt hành trình của chuyến đi được bên nhau hòa quyện trong một môi trường tinh khiết, bình an, yêu thương và kết nối.

Vương Tâm