Dự án NMNÐ Thái Bình 2: Tiến độ càng chậm, tổn thất tài chính càng lớn!
PV: Nguồn cung điện cho quốc gia trong tương lai được dự báo sẽ thiếu hụt nghiêm trọng, trong khi đó nguồn điện sản xuất mới gần như không có. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
Chuyên gia Ngô Trí Long: An ninh năng lượng có vai trò hết sức quan trọng đối với quốc gia. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhu cầu sử dụng điện lớn, đời sống được nâng lên, mặc dù đã có kế hoạch phát triển mạng lưới điện lớn nhưng nguồn đầu tư rất hạn hẹp. Nguyên nhân được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải là do giá điện bán trên thị trường thấp khiến các nhà đầu tư không mặn mà với ngành điện.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long |
Nhà nước cần thực hiện đúng các đề án phát triển nguồn năng lượng đã đề ra nhưng đồng thời phải khuyến khích, hướng dẫn người dân tiêu dùng điện tiết kiệm. Hướng dẫn tiêu dùng tiết kiệm điện bằng cách dùng cơ chế giá phân hóa thành 5 bậc, theo cấp độ lũy tiến. Tuy nhiên, dù chính sách của Nhà nước như vậy nhưng thực tế vẫn không thể đáp ứng đủ được nguồn điện để cung ứng cho thị trường. Đây thực sự là một vấn đề nan giải, bất cập hiện nay.
Quan trọng nhất vẫn là Nhà nước phải có những kế hoạch cụ thể để bố trí nguồn vốn hay xã hội hóa nhằm khai thác được hết tiềm năng năng lượng của đất nước.
PV: Vậy trong bối cảnh này, giải pháp nào cần phải thực hiện để có được nguồn năng lượng mới trong tương lai, thưa ông?
Chuyên gia Ngô Trí Long: Nguồn năng lượng tái tạo của nước ta tiềm năng rất lớn, đặc biệt là nguồn điện gió và mặt trời. Mới đây Bộ Công thương kết hợp cùng EVN đưa ra Dự thảo quy định về điện mặt trời. Dự thảo chia 63 tỉnh, thành ra 4 vùng bức xạ mặt trời. Tại các địa phương có chỉ số bức xạ thấp, các dự án điện mặt trời sẽ được bán điện lên lưới với giá cao hơn so với các dự án điện mặt trời xây dựng ở những tỉnh có chỉ số bức xạ cao.
Theo tôi cách làm này là hợp lý vì nếu tập trung đầu tư vào một chỗ quá nhiều lợi thế, gây sự thừa thãi. Chưa kể đến việc thừa thì phải truyền tải đi nơi khác sẽ tăng chi phí lớn. Đồng thời, với giá cào bằng thì những nơi mà ít tiềm năng sẽ khó thu hút nhà đầu tư.
Hiện nay công suất điện mặt trời áp mái ở Việt Nam vào khoảng 17 triệu kWh. Tuy nhiên, nó vẫn ở dạng tiềm năng vì trong quá trình khai thác còn nhiều vướng mắc cần có sự vào cuộc quyết liệt từ phía EVN cũng như Bộ Công Thương. Nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết được giá trị của nguồn năng lượng này nên việc triển khai còn chậm.
Theo tính toán của EVN, riêng về điện mặt trời áp mái, sau 2 năm, mới có 1.800 khách hàng tham gia với công suất lắp đặt khoảng 30 MWp, sản lượng điện năng phát lên lưới lũy kế là 3,97 triệu kWh.
PV: Dự án NMNÐ Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 1.200 MW, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỉ kWh điện thương phẩm/năm. Tuy nhiên, dù Dự án đã hoàn thiện đến 83% nhưng hiện đang phải thi công cầm chừng do thiếu vốn. Điều này rõ ràng là sự lãng phí không chỉ tiền mà cả nguồn năng lượng của quốc gia. Bình luận của ông về vấn đề này?
Chuyên gia Ngô Trí Long: Thời gian qua, Dự án đã xảy ra những vụ việc không hay nhưng đã có những người phải chịu tội, cơ quan pháp luật đã và đang xử lý.
Hiện Dự án đã giải ngân 31.200 tỷ đồng. Sự chậm trễ, ách tắc của Dự án đang gây thiệt hại rất lớn vì bỏ vốn vào mà chưa thể khai thác được hiệu quả. Vậy vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải làm sao để khắc phục những tồn tại, gỡ những điểm nghẽn. Nói thì dễ nhưng làm mới khó, với trường hợp này cần phải có một đề án giải quyết cụ thể, tỉ mỉ, hợp lý nhất thì mới “gỡ” nổi.
Dù khó khăn nhưng Dự án phải tiếp tục vì đã đổ bao nhiêu tiền của vào, hoàn toàn không phải là một lượng tiền ít. Nó là tiền thuế, mồ hôi nước mắt của dân. Số tiền ấy còn phải cộng cả tiền lãi hàng tháng, hàng năm tốn hàng chục tỷ, chưa kể đến hao mòn máy móc, hết hạn bảo hành mặc dù chưa đưa vào sử dụng. Và hơn hết nữa nó liên quan đến việc làm của hàng ngàn lao động, an sinh xã hội của địa phương nơi dự án triển khai… Trong bối cảnh này, theo tôi, ngoài quy trách nhiệm ra, phải tìm biện pháp hợp lý nhất để dự án tiếp tục, bằng cách này hay cách khác.
Dự án NMNÐ Thái Bình 2 đã hoàn thiện 83% công trình nhưng hiện đang phải thi công cầm chừng do khó khăn về tài chính |
PV: Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, quan điểm của ông về một giải pháp tài chính cụ thể hơn đối với Dự án này?
Chuyên gia Ngô Trí Long: Thực tế ai cũng rõ hiện nguồn lực tài chính của Nhà nước dành cho các dự án có hạn. Hàng chục nghìn tỷ của Nhà nước đã đổ vào Dự án NMNÐ Thái Bình 2. Cần đặt câu hỏi Nhà nước có nên tiếp tục đầu tư vào nữa hay không? Nếu chọn giải pháp xã hội hóa tức là kêu gọi nguồn tiền tư nhân vào liệu có khả thi không?
Giải pháp Nhà nước tiếp tục góp vốn thì khó rồi. Vậy trong tình huống này không có cách nào khác là phải làm sao để hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân. Rõ ràng với vốn tư nhân có lợi thì họ mới đổ tiền. Nếu góp vốn hai bên phải bàn với nhau theo cách định giá dự án hiện nay là bao nhiêu, định giá quá cao thì cũng khó thuyết phục nhà đầu tư. Quan trọng nhất trong xã hội hóa là xác định nguồn vốn cần góp là bao nhiêu. Chỉ có cách đấy nhà đầu tư người ta mới vào.
Theo quan điểm của tôi, với tình thế hiện tại của Dự án NMNÐ Thái Bình 2 thì Nhà nước phải chấp nhận chịu thiệt để có lợi về mặt xã hội. Vì khi dự án hoạt động được thì sẽ có nguồn thu, lại đóng thuế, cung cấp nguồn năng lượng, đảm bảo việc làm…
PV: Ông có nói đến giải pháp xã hội hóa để tìm nguồn vốn, tuy nhiên giải pháp này nếu theo mục tiêu đến 2020 Dự án hoàn thành thì rất khó khả thi do khối lượng công việc phải thực hiện quá lớn và có quá nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Nên chăng cần có một giải pháp tài chính riêng để PVN tự giải quyết? Chẳng hạn như lấy từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh Dự án lần 2 và lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh của Tập đoàn?
Chuyên gia Ngô Trí Long: Tính khả thi mới là quan trọng. Cần phải tính toán kĩ những mặt thuận lợi và khó khăn. Với thời hạn này để giải quyết được khối lượng công việc như nói ở trên thực sự là một thử thách vô cùng lớn đối với PVN.
Tuy nhiên, khó nhưng vẫn phải tìm cách để tháo gỡ “điểm nghẽn” của dự án này. Vì đã mất hàng chục nghìn tỉ rồi thì phải làm thôi. Dự án vẫn có khả năng để hoàn thành thì không lý do gì để nó phải “đắp chiếu”. Nếu PVN tự lo được thì tốt quá. Cách lấy lợi nhuận của PVN để tái đầu tư cho dự án là một cách làm hay. Tuy nhiên, vì PVN là doanh nghiệp nhà nước, tiền của PVN cũng là tiền của Nhà nước vì thế khi sử dụng tiền cần phải có cơ chế để kiểm soát nguồn vốn minh bạch đồng thời sau khi tự giải quyết phải tự chịu trách nhiệm. Và quan trọng nhất vẫn là phải có sự phê duyệt đồng ý của cấp trên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về nội dung trao đổi này!
Minh Loan
-
"Ai dám đầu tư vào điện nếu cơ chế giá không thay đổi?"
-
Khai thác sản phẩm cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế: Giải pháp và định hướng phát triển
-
Tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc
-
Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
-
Tăng trưởng xanh - Điều kiện tiên quyết để xúc tiến xuất khẩu bền vững