Khởi nghiệp - Vạn sự khởi đầu nan

07:00 | 08/05/2019

662 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ý tưởng “quốc gia khởi nghiệp” bắt đầu được khởi động từ năm 2016, đến nay đã có hàng nghìn công ty khởi nghiệp (startup) ra đời dù chỉ ở quy mô nhỏ và vừa. “Vạn sự khởi đầu nan”, các startup đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc huy động vốn, thu hút nhân lực. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

PV:Ông đánh giá như thế nào về các startup tại Việt Nam hiện nay?

khoi nghiep van su khoi dau nan

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Tôi thấy các startup hoạt động khá tốt, nhất là về tinh thần khởi nghiệp của các nhà sáng lập: nhiệt tình, năng động… Tuy nhiên, phải nói thật là khởi nghiệp vẫn đang theo phong trào và còn lúng túng về cách làm, về cả cơ chế, chính sách và bản thân nhà sáng lập startup thiếu kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành... Cho nên chưa có nhiều startup thành công.

PV: Thưa ông, có phải đó cũng chính là những cản ngại lớn nhất của lĩnh vực khởi nghiệp?

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Có thể nói như vậy. Nhưng khó khăn nhất của các startup hiện nay cũng như hệ thống doanh nghiệp (DN) nói chung là vốn. Chúng tôi đã không ít lần khảo sát, trao đổi và nghiên cứu thì thấy rằng, tại Việt Nam, các startup có 3 cách để có thể huy động vốn.

Thứ nhất là tìm nguồn vốn từ Nhà nước - chủ yếu là từ các quỹ đầu tư của Nhà nước như quỹ phát triển DN, quỹ khởi nghiệp sáng tạo, hay một số quỹ đầu tư phát triển DN sáng tạo ở một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Thứ hai là vay từ các tổ chức tín dụng hay các công ty tài chính. Tuy nhiên nguồn này không được nhiều lắm. Cũng có thể đi vay bạn bè, người thân, tức là vay nguồn tín dụng không chính thức…

Thứ ba là huy động vốn từ các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư mạo hiểm. Hiện Việt Nam có khoảng 70 quỹ đầu tư mạo hiểm, đã đầu tư vài chục triệu USD vào 40-50 startup khác nhau trong 3 năm qua. Cũng trong 3 năm qua, Nhà nước đã đầu tư gần 200 triệu USD cho các DN khởi nghiệp sáng tạo.

Startup phải tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp để có thể kết nối được với nhiều startup khác nhau, có thể thực hiện nhiều vấn đề liên quan đến nhà đầu tư, cơ chế chính sách, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ pháp lý, kết nối thị trường, hỗ trợ kinh doanh…

Ở Việt Nam có một điều lạ là khi người ta cần vốn là nghĩ ngay đến ngân hàng. Tuy nhiên, không hẳn vậy, nguồn vốn mặc dù là một trong những điều kiện quan trọng của khởi nghiệp sáng tạo, nhưng song hành với đó là các kiến thức về thị trường, khả năng quản trị, điều hành startup, tâm thế sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi khởi nghiệp. Đặc biệt, ở Việt Nam, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế diễn ra rất phổ biến. Khởi nghiệp thì rủi ro rất cao, khi xảy ra mất vốn thì cả bên vay và bên cho vay đều gặp vấn đề về pháp lý. Cho nên, ở châu Âu, có tới 85% startup huy động vốn của chính mình, người thân và bạn bè, sau đó mới đến các quỹ đầu tư. Theo tôi, để khởi nghiệp cần có ít nhất một nửa số vốn huy động từ bạn bè, người thân, các mối quan hệ, sau đó mới tính đến phương án đi vay hoặc gọi vốn từ các quỹ đầu tư. Nếu khởi nghiệp “tay không bắt giặc”, đi vay vốn hoặc gọi vốn rất khó.

PV: Có một thực tế, startup tiếp cận vốn ngân hàng không hề dễ dàng. Ông nghĩ như thế nào về thực tế này?

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Không hẳn vậy. Các tổ chức tín dụng cho khối tư DN tư nhân vay vốn khá nhiều. Tuy nhiên nguyên nhân khó tiếp cận vốn thông thường đến từ cả hai phía, cả tổ chức tín dụng, nhà đầu tư và bản thân DN. Tôi lưu ý về phía DN, đôi khi hồ sơ chưa được chuẩn mực, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn, chưa có dự án khả thi và thiếu minh bạch.

Các tổ chức tín dụng yêu cầu phải có hồ sơ chuẩn, đáp ứng được điều kiện về tài sản thế chấp, hoặc những điều kiện khác như dự án khả thi… và hai bên phải tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, cuối cùng là phải có văn hóa chấp nhận rủi ro ở cả hai phía.

Chính vì vậy tôi vẫn khuyên các startup nên tập trung huy động vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm… Startup ở nhiều nước cũng làm như vậy.

khoi nghiep van su khoi dau nan

PV: Ở góc độ khác, có nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế chính sách của Nhà nước hiện nay chưa tạo hành lang thông thoáng, thuận lợi cho khởi nghiệp. Thực tế có đúng vậy không, thưa ông?

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng vấn đề này liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp. Để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đòi hỏi phải có nhiều yếu tố:

Thứ nhất, bản thân các nhà khởi nghiệp phải hiểu rất rõ về con đường khởi nghiệp.

Thứ hai là cơ chế chính sách, thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh, đặc biệt là quỹ đầu tư vốn ban đầu hỗ trợ startup; cơ chế thành lập DN; chính sách thuế.

Thứ ba là các nhà đầu tư, quỹ đầu tư hoặc các quỹ tín dụng cho vay.

Thứ tư liên quan đến các trung tâm, cơ sở hỗ trợ startup, bao gồm cả trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Cuối cùng là các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, các nhà khoa học…

Đó là 5 yếu tố cơ bản để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp. Thực tế, cả 5 nhân tố cơ bản đó chúng ta đều đang thiếu và yếu, đặc biệt là khung khổ pháp lý.

PV: Vậy trong bối cảnh đó, theo ông, làm thế nào để startup có thể thành công?

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Chúng tôi đã nghiên cứu 7 nhân tố thành công của các startup trên thế giới và thấy rằng:

Nhân tố đầu tiên là nhà khởi nghiệp phải có kinh nghiệm vận hành startup, vận hành dự án, quản trị, điều hành… Nhưng ở Việt Nam thì… hơi ngược. Nhà khởi nghiệp đa số là các sinh viên mới ra trường, hoàn toàn thiếu kinh nghiệm thực tế về thị trường, quản trị, điều hành kinh doanh, không có các mối quan hệ...

khoi nghiep van su khoi dau nan

Nhân tố thứ hai là nhà khởi nghiệp phải chấp nhận rủi ro, bởi vì đã khởi nghiệp thì khả năng thành công không cao. Phải có bộ máy, ê-kíp tốt, cùng quản trị, điều hành startup hiệu quả. Thông thường, người Việt Nam có tâm lý “một mình đứng mũi chịu sào”, như vậy sẽ thiếu nhiều kỹ năng và yếu kém về quản lý, điều hành. Thông thường, chúng tôi khuyên startup phải có một nhóm 3-4 người, trong đó có người hiểu biết về quản trị, điều hành, người am hiểu thị trường, người giỏi về tài chính, thuế, luật pháp… để cùng phối hợp, vận hành startup suôn sẻ.

Một vấn đề nữa là startup thiếu sự chuẩn bị để bắt đầu hoạt động. Thực tế, nhiều người khi vận hành startup mới thấy nhiều sự bất ngờ, lúc đó đã quá muộn. Rồi nữa, startup thiếu thông tin về đầu ra, thị trường, đối tác, khách hàng...

Có một vấn đề quan trọng: Startup phải tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp để có thể kết nối được với nhiều startup khác nhau, có thể thực hiện nhiều vấn đề liên quan đến nhà đầu tư, cơ chế chính sách, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ pháp lý, kết nối thị trường, hỗ trợ kinh doanh… Tôi cho rằng đó là những điều kiện hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ, cần một cơ chế chính sách đơn giản, nhất là thủ tục thành lập DN. Ngoài ra phải có hỗ trợ về vốn. Có thể Chính phủ sẽ tạo ra “vốn mồi” để tạo niềm tin cho nhiều dòng vốn khác đầu tư vào startup.

Cuối cùng, bản thân các nhà khởi nghiệp phải có văn hóa chấp nhận thất bại. Như thế, startup mới có thể dần đi đến thành công.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tạo hành lang thông cho khởi nghiệp

Tại hội thảo về doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo: Nắm bắt thời cơ phát triển và công bố dự án thí điểm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, bà Bùi Thu Thủy - Phó cục trưởng Cục Phát triển DN khẳng định: Cuộc CMCN 4.0 tạo ra cơ hội hiếm có để các quốc gia đi sau vươn lên mạnh mẽ và đạt được những mốc phát triển mới về kinh tế. Các DN khởi nghiệp sáng tạo đang đóng vai trò vô cùng quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến, đặc biệt là tiên phong ứng dụng các giải pháp công nghệ sáng tạo, đột phá.

Bà Thủy nhấn mạnh, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao xây dựng sẽ là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi, có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới. NIC sẽ ưu tiên 5 lĩnh vực: Nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường. NIC được kỳ vọng trở thành hạt nhân cho việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp kinh tế Việt Nam có bước đột phá, phát triển nhanh.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng khẳng định, một trong những khó khăn lớn nhất của DNNVV khi khởi nghiệp sáng tạo chính là vốn. Hiện nay, đi vay vốn ngân hàng, các DNNVV khởi nghiệp rất khó khăn, bởi ngân hàng cần có dự án khả thi, minh chứng đủ dòng tiền, thời hạn trả vốn, kế hoạch thực hiện… trong khi khởi nghiệp có nhiều rủi ro.

Đồng quan điểm, ông Tăng Ngọc Trường An - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Ibosses Việt Nam cho biết, DNNVV khởi nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn có sự đồng hành của Chính phủ, sự quan tâm của các nhà đầu tư - định chế tài chính, sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần lớn mạnh. Tuy nhiên, việc thu hút vốn Nhà nước đầu tư thông qua các dự án khởi nghiệp đồng nghĩa với việc Nhà nước cần phải hỗ trợ nhiều hơn về chính sách trong dài hạn.

Ông Tăng Ngọc Trường An nói: Chính phủ chỉ bơm “vốn mồi”, không có tiền đồng hành cùng nhà khởi nghiệp. Các nhà khởi nghiệp cần nhất là cơ chế chính sách thông thoáng để khởi nghiệp thành công. Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo phải là thực chất, nếu chỉ mang tính hành chính, không thực chất thì chẳng làm được gì cả. Đặc biệt, thủ tục hành chính phải cực kỳ đơn giản, kể cả thủ tục phá sản DN, sinh ra thì dễ, phá đi thì khó.

Đáng chú ý là nguồn vốn huy động từ các quỹ đầu tư. Hiện nay chúng ta có khoảng 70 quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhiều khi nhà khởi nghiệp chưa để ý, quan tâm, trong khi đây là nguồn vốn đầu tư chính. Về thị trường vốn, Công ty Ibosses Việt Nam đang đề nghị cần có thị trường vốn riêng cho DN khởi nghiệp sáng tạo.

Với vai trò người tư vấn chính sách, ông Sharath Martin, tư vấn chính sách, Hội Kế toán công chức Anh quốc (ACCA) khu vực ASEAN, Australia và New Zealand, kiến nghị: Để DN khởi nghiệp phát triển bền vững, lãnh đạo phải xây dựng văn hóa tăng trưởng, tức là người lao động phải biết chia sẻ và cam kết với mục tiêu và tầm nhìn của DN, xem tương lai của DN là của chính họ. Cần xây dựng một chiến lược, tầm nhìn và mục tiêu tăng trưởng gắn với văn hóa tăng trưởng ở tất cả các cấp của DN.

Bên cạnh đó, cần thiết lập một khung quản trị để giúp xây dựng khả năng phát triển bền vững và phục hồi DN; tiếp tục phát triển đội ngũ quản lý tài năng điều hành hiệu quả mọi hoạt động kinh doanh để có thể giải quyết tốt khi khó khăn và phát triển ở tầm lớn hơn. Ngoài ra, cần tích hợp tài chính vào chiến lược tăng trưởng nhằm phục vụ cho các mục tiêu lớn hơn của DN và nâng cao giá trị của DN.

Đặc biệt, ông Sharath Martin lưu ý: Các DN cần tận dụng các tổ chức tư vấn bên ngoài để phát triển những gì DN có. Vì với nguồn lực hạn chế, mỗi DNNVV ở Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức trong vận hành DN ở các giai đoạn tăng trưởng. DNNVV có thể nâng cao khả năng phát triển bền vững và phục hồi DN bằng cách phát triển mối quan hệ với các tổ chức tư vấn bên ngoài phù hợp.

DNNVV cần nâng cao hình ảnh, thương hiệu, bằng cách tăng trưởng cao liên tục để thuyết phục và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, thu hút vốn dễ dàng hơn.

Tú Anh