Đông Nam Á giờ khác xưa rồi!

18:23 | 16/11/2018

295 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á diễn ra tại Singapore ngày 14 và 15/11/2018 cho thấy vị thế của các nước Đông Nam Á hiện nay rất khác xưa. Giờ đây các cường quốc đều muốn gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị tại Đông Nam Á, khu vực thuộc loại năng động nhất thế giới, có 647 triệu người tiêu dùng.  

Từ trước đến nay, Tổng thống Putin chỉ dự các cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), nhưng năm nay, trong khi Thủ tướng Dimitri Medvedev dự APEC thì Tổng thống Putin công du Singapore và tham dự thượng đỉnh Đông Á trong hai ngày 14 và 15/11/2018.

Sự “bất ngờ” này được các chuyên gia giải thích như sau: Từ khi Liên Xô tan rã, để tái cấu trúc kinh tế, Nga đã bắt đầu hướng về Đông Á, đầu tàu của tăng trưởng từ thập niên 1990. Tiếp theo đó, vì xung khắc với Mỹ và Liên minh châu Âu, nhất là từ năm 2014 sau vụ Crimea, Nga tập trung vào Trung Á, vùng ảnh hưởng truyền thống. Trong bối cảnh bị phương Tây và Mỹ gia tăng trừng phạt gây sức ép trong mấy năm qua, chính quyền Nga phải nỗ lực hơn đi tìm những đối tác mới, cải thiện quan hệ với Trung Quốc qua các định chế kinh tế, an ninh Hợp tác Thượng Hải và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Tuy nhiên, theo phân tích của Valdai Club, Viện nghiên cứu chiến lược của Nga ở Matxcơva, Tổng thống Putin không muốn nước Nga phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia cụ thể nào, ở đây là Trung Quốc. Do vậy, chiến lược hướng đông của Matxcơva phải đi xa hơn.

Có 3 lý do thúc giục Tổng thống Putin phải đi xuống tận châu Á - Ấn Độ Dương. Trước tiên là nhu cầu kinh tế: các nước châu Á, nhất là Nhật Bản, có thể giúp Nga phát triển vùng Viễn Đông thừa đất thiếu dân. Thứ hai là quân sự: Nga xuất khẩu khá nhiều vũ khí cho một số nước lớn trong vùng như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Bộ tư lệnh lực lượng Viễn Đông được cải tổ, hạm đội Thái Bình Dương được tái tổ chức, nếu được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ sẽ là một lá chủ bài của cường quốc quân sự thứ hai thế giới. Lý do thứ ba: Tham dự các diễn đàn của ASEAN là cơ hội để Tổng thống Nga phục hồi vị thế trước đây của Matxcơva ở khắp khu vực từ tình hình bán đảo Triều Tiên, bang giao với Nhật Bản và quan hệ với Mỹ bên ngoài khuôn khổ NATO.

Nói cách khác, Tổng thống Putin làm một công đôi ba việc: thoát trừng phạt Mỹ, không rơi vào thế bị động với Trung Quốc, cân bằng cán cân lực lượng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo Anna Maria Romero, một nhà phân tích độc lập ở Singapore, thách thức của Tổng thống Nga là làm sao biến vận hội ở phương Đông thành kết quả cụ thể.

dong nam a gio khac xua roi
Đông Nam Á là khu vực thuộc loại năng động nhất thế giới

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ đã diễn ra vào sáng 15/11/2018 tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump không đến dự mà cử Phó Tổng thống Mike Pence thay thế. Nhiệm vụ của ông Pence khi thay mặt Donald Trump đến dự thượng đỉnh ASEAN lần này là trấn an các nước Đông Nam Á rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục can dự mạnh mẽ vào châu Á và Washington có một dự án tốt hơn cho vùng này cả về kinh tế lẫn chính trị so với kế hoạch của Trung Quốc. Nói cách khác, tại Singapore, ông Pence phải cụ thể hóa ý tưởng về một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” mà Tổng thống Trump đã đưa ra tại thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng vào năm 2017. Nhưng các nước ASEAN muốn là lời nói của Mỹ phải đi đôi với hành động. Trong khi Trung Quốc đã đổ hàng tỷ đôla vào các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án đầu tư khác trong khuôn khổ sáng kiến "Một con đường, một vành đai" do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, thì hiện giờ, những nguồn tài chính mà Hoa Kỳ dành cho các dự án ở châu Á còn hạn chế.

Trong bài phát biểu khai mạc thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ hôm 15/11, Phó Tổng thống Pence nói: “Sự can dự của Hoa Kỳ vào vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương là vững chắc và lâu dài. Trong tất cả những gì chúng tôi làm ở vùng này, Hoa Kỳ chỉ tìm kiếm sự hợp tác, chứ không hề muốn kiểm soát. Chúng tôi rất tự hào xem ASEAN là đối tác chiến lược của Mỹ. ASEAN có vị trí trung tâm trong dự án của chúng tôi về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là một đối tác chiến lược cần thiết và không thể thay thế của chúng tôi. Chúng ta có cùng lợi ích và thật sự có chung một nhãn quan".

Về măt kinh tế, ông Pence nhắc lại là Hoa Kỳ đã thúc đẩy đầu tư tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khắp khu vực châu Á và sẽ phát triển một mối quan hệ kinh tế và thương mại mới với châu Á, dựa trên những nguyên tắc mà Tổng thống Trump đã đề ra: tự do, công bằng và có qua có lại.

Kết luận bài phát biểu, Phó Tổng thống Pence nhấn mạnh: “Dự án của chúng tôi về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương không loại trừ quốc gia nào. Chúng tôi chỉ yêu cầu là mỗi quốc gia trong khu vực phải đối xử với các nước láng giềng với sự tôn trọng chủ quyền của mỗi nước và tôn trọng trật tự dựa trên pháp luật. Chúng tôi tin tưởng là dự án này sẽ mang lại một tương lai tươi sáng và vô hạn cho vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong tương lai đó, chúng tôi tin tưởng Hoa Kỳ và ASEAN có thể làm việc với nhau trên những giá trị chung và lợi ích chung”.

Không chỉ có Hoa Kỳ mà Nhật Bản cũng có một dự án riêng về một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”. Có vẻ như đang có sự “cạnh tranh” Mỹ - Nhật nhằm lôi kéo các nước ASEAN đi theo dự án của mình. Những nguyên tắc cơ bản trong dự án của Nhật cho vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng rất phù hợp với những ưu tiên của Singapore nói riêng và của ASEAN nói chung, đó là tuyên bố của Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 14/11, tại thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản. Ông Lý Hiển Long cho biết là trong việc kiến tạo vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, ASEAN dựa trên 3 yếu tố chính: Dự án đó có hỗ trợ cho sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN hay không, dự án đó có thúc đẩy thương mại, đầu tư, và sự kết nối trong khu vực không và dự án đó có đi theo hướng một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế hay không? Nói chung, đó phải là một cấu trúc khu vực mở, bao gồm toàn bộ các nước trong khu vực, mà trong đó ASEAN không buộc phải chọn đứng về phe nào.

Không chỉ cạnh tranh về dự án vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, Nhật Bản có vẻ như đang qua mặt Hoa Kỳ về hỗ trợ tài chính cho ASEAN. Tại cuộc họp thượng đỉnh hôm 14/11, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Tokyo đã cấp cho ASEAN một mức hỗ trợ tài chính cao hơn mức cam kết cho 5 năm qua, mà vẫn bảo đảm được tính gắn kết và vai trò trung tâm của khối các nước Đông Nam Á.

Liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay, Alicia Garcia Herrero, kinh tế gia trưởng của Natixis nhận định, việc Mỹ áp thuế vào hàng Trung Quốc có thể làm tăng nhanh tốc độ dịch chuyển sản xuất từ Hoa lục sang Đông Nam Á. ASEAN rõ ràng có lợi trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên bên cạnh đó chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến ASEAN, khi nhu cầu của Trung Quốc giảm xuống.

Về phần lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh ASEAN muốn làm việc với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Theo thủ tướng Singapore, quan hệ Mỹ - Trung là quan hệ quan trọng nhất trong các mối quan hệ song phương và mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này có tác động rất lớn đối với ASEAN. Ông hy vọng quan hệ Mỹ - Trung được ổn định. Một cách gián tiếp, Thủ tướng Singapore bày tỏ quan ngại của khối ASEAN trước cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Washington với Bắc Kinh.

dong nam a gio khac xua roiThúc đẩy chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á
dong nam a gio khac xua roi80 startup Đông Nam Á sẽ tham dự WEF ASEAN

Th.Long

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc