Đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục, đào tạo: Cốt lõi vẫn là giáo viên

07:00 | 27/11/2013

4,878 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với triết lý giáo dục “lấy việc hình thành năng lực người học làm trung tâm, làm mục tiêu đào tạo thay cho truyền thụ kiến thức”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận xác định giáo viên là yếu tố then chốt, có tính quyết định và đổi mới giáo viên cũng là khâu đầu tiên để bắt đầu.

Năng lượng Mới số 277

Hạn chế “sức ì” của giáo viên

Đánh giá về tầm quan trọng của việc đổi mới trong chính đội ngũ giáo viên, PGS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng: “Hiện nay đội ngũ giáo viên của chúng ta khoảng hơn 1 triệu người. Nếu đội ngũ này không chuyển biến từ quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cho đến nhận thức, hiểu biết cần thiết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì khó lòng đạt được các mục tiêu mong đợi”. Cũng theo PGS.TS Trần Kiều, một trong những lý do quan trọng nhất khiến chất lượng giáo viên chưa cao là “sức ì” trong tư duy theo thói quen. Thay đổi một thói quen không phải là dễ, có khi nhận thức thấy đúng nhưng thay đổi một thói quen lại thấy ngại. Việc học của chúng ta hiện nay là làm sao để vượt qua các kỳ thi thì việc dạy cũng làm sao để cho học sinh vượt qua các kỳ thi. Dạy để cùng thi thì làm sao tránh được tình trạng chỉ tập trung vào chữ nghĩa và bỏ qua các yêu cầu khác, nói gọn hơn là sức ép của thi cử, áp lực của việc học nặng về chữ nghĩa khó làm thay đổi phương pháp dạy học của giáo viên”.

Và Đề án đổi mới giáo dục, đòi hỏi giáo viên phải nắm chắc kiến thức, có phương pháp sư phạm khoa học, sáng tạo và phải luôn luôn học hỏi trau dồi kiến thức, kinh nghiệm cũng như phương pháp dạy. Có như vậy, giáo viên mới có giải đáp mọi thắc mắc của học sinh, cùng các em tìm ra những phương án tối ưu nhất, định hướng cho các em lựa chọn sử dụng tài liệu, học liệu phù hợp và làm chủ giờ học.

Việc đổi mới đội ngũ giáo viên cần phải được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ để đạt được hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện nên giáo dục, đào tạo của Việt Nam

Tuy nhiên, trong đội ngũ giáo viên cũng có rất nhiều vấn đề, đặc biệt là chất lượng không đồng đều và “sức ì” quá nặng nề. GS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) đã chỉ ra: “Trước đây, Ban Bí thư của BCH T.Ư khóa 9 đã có chỉ thị về vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó đã đề ra nội dung phải sàng lọc, nghĩa là những người không đủ tiêu chuẩn sức khỏe và chuyên môn và phải chuyển đổi công tác.

Thời điểm ấy, một số Sở GD&ĐT của một số tỉnh đã tính được khoảng 10% giáo viên cần phải sàng lọc, số còn lại phải được bồi dưỡng, đào tạo lại về tư tưởng, đạo đức, phẩm chất, phương pháp giảng dạy. Chúng ta đã có những chỉ thị như vậy, nhưng vẫn chưa thực hiện. Đến thời điểm này đã 10 năm trôi qua nhưng chưa có nơi nào triển khai, chưa có kế hoạch sàng lọc nào có hiệu quả. Hiện nay chất lượng đội ngũ giáo viên của chúng ta đã được nâng cao, song còn có rất nhiều trường hợp đáng tiếc, “con sâu bỏ rầu nồi canh”, ảnh hưởng tới hơn 1 triệu giáo viên, cán bộ giáo dục trên khắp đất nước và làm hại tới uy tín của cả hệ thống giáo dục”.

Đồng quan điểm trên, GS Nguyễn Minh Thuyết, nhận xét: “Chương trình SGK năm 2002 không phải không đổi mới nhưng cứ đổi mới là “tắc tị”. Chương trình thì cấm dạy văn mẫu, nhưng thầy toàn "tương" văn mẫu cho học trò thì làm sao cải cách được? Bởi vì thầy cứ thích học sinh phải viết được 7-8 trang văn, nhưng thực ra học sinh chỉ cần viết nửa trang nhưng nửa trang đó là của chính các em thì còn tốt hơn, có giá trị thực hơn 8 trang kia chép của người khác”.

GS cũng lý giải, đó là tính bảo thủ của người thầy. “Một trong những đặc tính của giáo viên là giáo viên nào cũng bảo thủ. Nhất là những giáo viên càng lớn tuổi, càng có bằng cấp cao thì càng tin rằng mình có trí tuệ và mình đúng. Tôi cũng từng là giảng viên nên tôi cũng bảo thủ", giáo sư Thuyết nói.

Để hạn chế bớt “tính bảo thủ” này, theo giáo sư, trước hết, phải tập huấn giáo viên hết sức cẩn thận, không thể làm qua loa. Thứ 2 phải có sự kiểm soát của xã hội, đây là yếu tố không thể thiếu. Vì phải có sự đánh giá của xã hội với giáo viên, nhà trường song song với việc đánh giá của nhà trường về giáo viên thì giáo dục Việt Nam mới bớt bảo thủ.

Vì vậy, muốn đổi mới đội ngũ giáo viên thì trước hết, các trường Sư phạm phải đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo và sư phạm phải đi trước một bước. Rút kinh nghiệm của những lần cải cách giáo dục trước chỉ cải cách phương pháp giáo dục nhưng lại không cải cách hệ thống sư phạm, cho nên giữa đào tạo giáo viên và dạy phổ thông chưa ăn khớp với nhau. Lần này ngành giáo dục phải làm thế nào đưa các nội dung chương trình sách giáo khoa mới, hoạt động của trường phổ thông vào trường ĐH để sinh viên sư phạm hiểu rõ khi ra trường sẽ phải làm gì.

Cần sự đãi ngộ tương xứng

Theo đánh giá của GS Nguyễn Minh Thuyết, trong đội ngũ giáo viên có rất nhiều người tiềm năng, tâm huyết, “nhưng chúng ta cần đổi mới chính sách nhân lực làm sao để những người tâm huyết làm được nhiều việc và ngày càng tâm huyết hơn”. Do đó, bên cạnh việc sàng lọc lại đội ngũ, Nhà nước cần tăng lương cho giáo viên, có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho những người làm được nhiều việc. “Tôi thấy nhiều cơ quan chỉ cần 10 người làm thay việc cho trăm người. Nếu trả lương gấp 100 lần họ sẽ làm thay việc cho hết số người còn lại. Giáo viên cũng vậy, ai làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn phải được trả lương cao hơn”.

GS Phạm Minh Hạc cũng trăn trở: “Về mức lương của giáo viên, tôi rất lo ngại về con số 20% tổng ngân sách Nhà nước, trong khi chúng ta đang thất thu rất nhiều, điều này sẽ dẫn tới nhiều khó khăn cho việc đổi mới. Với con số 20% này, liệu có đủ điều kiện về tài chính để đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục không? Với Nghị quyết này mà ngân sách Nhà nước không được tăng thêm hoặc không được đảm bảo thì khó có thể thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục, đào tạo theo đúng Nghị quyết T.Ư 8”.

Rõ ràng giáo viên phải có thu nhập đủ sống thì mới an tâm để phụng sự cho sự nghiệp trồng người, nghề giáo thu nhập cao mới thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, từ đó chúng ta mới có được những người thầy giỏi và trò giỏi. Lâu nay xã hội phê phán nạn dạy thêm học thêm, nhưng nguyên nhân của nó thì đã rõ, một phần do nhu cầu từ phía phụ huynh, một phần do đời sống của giáo viên còn khó khăn, phải dạy thêm để tăng thu nhập. Dạy thêm vẫn là cách kiếm sống lương thiện nhất và để hạn chế nó không còn cách nào khác là nâng cao thu nhập và đãi ngộ cho giáo viên.

Xã hội ngày càng thiếu sự tôn quý nghề giáo, thậm chí xem thường thầy cô giáo bởi vì ngành nghề này được cho là nghèo, thậm chí bị chê là nghèo. Thầy cô giáo phải làm nhiều việc khác để kiếm sống nên không có thời gian dành cho nghiên cứu, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Nghề giáo không còn hấp dẫn nên chỉ “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, vì thế chất lượng giáo viên ngày càng thấp, hậu quả thì… khỏi phải bàn.

Sự cải cách này không chỉ thay đổi nhận thức và hành động của đội ngũ giáo viên, mà cần thay đổi nhận thức của cả xã hội về tầm quan trọng của giáo dục. Câu nói giáo dục là quốc sách mãi mãi vẫn chỉ là khẩu hiệu, nếu như không có một cuộc cách mạng về tiền lương cho ngành giáo dục.

Trong Đề án đổi mới giáo dục, ban soạn thảo cũng đã đề xuất chế độ đặc thù cho nhà giáo, đề nghị lương nhà giáo được ưu tiên theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII), bảo đảm tương quan chung với các ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ có nhà ở và điều kiện nghiên cứu khoa học…

Đổi mới đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng, then chốt để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI). Đổi mới đội ngũ giáo viên là thực hiện việc bồi dưỡng tay nghề cho những giáo viên đang đứng lớp, nhằm tạo sự thay đổi về tư tưởng, nâng cao ý thức tự giác của các thầy giáo, cô giáo về việc đổi mới giáo dục, đổi mới cách thức lên lớp, đổi mới suy nghĩ về vai trò của học sinh, đúng như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định “Giáo viên là “cỗ máy cái” và vì thế, phải đổi mới giáo viên mới có thể đổi mới phương pháp dạy và học”.

Khánh An