"Tiền" và "con người", hai từ khóa quan trọng trong đầu tư giáo dục

21:55 | 14/12/2023

260 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Hai từ khóa rất quan trọng trong đầu tư giáo dục là tiền và con người. Chúng ta cần hành động tương xứng, đến nơi đến chốn thay vì hô hào khẩu hiệu "giáo dục là quốc sách hàng đầu".

Trên đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, do Bộ này tổ chức sáng 14/12.

Theo Bộ trưởng, Nghị quyết 29 đã là đổi mới về quan điểm đối với giáo dục nhưng nhận thức ở các cấp, các ngành trong lĩnh vực này vẫn là vấn đề lớn.

Bên cạnh nhận thức đầy đủ và thấu đáo, quan trọng hơn cần sự hành động tương xứng và cần sự hành động cho đến nơi đến chốn thay vì hô hào khẩu hiệu "giáo dục là quốc sách hàng đầu" bởi khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu.

"Hành động cho tương xứng với nhận thức vẫn là câu chuyện lớn cần làm tiếp, để những vấn đề của Nghị quyết 29 được thực hiện đầy đủ và triệt để trong thời gian tới", Bộ trưởng khẳng định.

Tiền và con người, hai từ khóa quan trọng trong đầu tư giáo dục - 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Nguyễn Mạnh).

Về vấn đề thể chế, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục rà soát các văn bản, các bộ luật, xây dựng luật mới là Luật Nhà giáo và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho xã hội hóa trong giáo dục, tự chủ trong giáo dục và cho những đổi mới khác.

Vấn đề nguồn lực, hai từ khóa rất quan trọng là tiền và con người. "Càng ngày chúng ta càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới này.

Thời gian tới, chắc chắn chúng ta sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa phát triển đội ngũ nhà giáo để hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục", người đứng đầu ngành giáo dục nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ở thời điểm bắt đầu đổi mới, giáo dục xuất phát thấp, khó khăn nhiều, điều kiện khó, kỳ vọng lớn, mong muốn cao, ước mong nhiều..., quá trình để đạt được những điều đó, trong bối cảnh ấy rất khó khăn.

Cho nên, những kết quả đạt được 10 năm qua cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các bộ, ban, ngành và các địa phương.

Qua quá trình đánh giá các tỉnh/thành phố, ở nơi nào, Đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm thì ở đó sự đổi mới đạt được kết quả rất cao. Điều đó không đồng nhất với hoàn cảnh nơi đó giàu hay nghèo. Có một số nơi điều kiện khó khăn nhưng sự đổi mới đạt được rất nhiều.

Như vậy, giữa cái khó và đổi mới dường như chỉ là sự ràng buộc tương đối. Nơi nào nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ, sự đổi mới ở đó diễn ra mạnh mẽ hơn.

Tiền và con người, hai từ khóa quan trọng trong đầu tư giáo dục - 2
Giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức mà ở thời điểm ban hành Nghị quyết 29 chưa có điều kiện phân tích (Ảnh: Hằng Thanh).

Chúng ta tổng kết Nghị quyết 29 trong bối cảnh rất nhiều nội dung trong Nghị quyết vẫn còn đang làm, đang triển khai, chưa hoàn tất.

Thậm chí cả những việc vừa hoàn thành, phải nhiều năm sau mới có thể nhìn thấy hết đầy đủ được giá trị, ảnh hưởng của kết quả đó bởi giáo dục là con người cho nên không thể đánh giá một sớm một chiều.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhìn nhận được những kết quả cụ thể và có thể đánh giá được xu hướng của sự vận động.

Trong bối cảnh mới, thách thức mới, giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức mà ở thời điểm ban hành nghị quyết chưa có điều kiện phân tích và đề cập tới nhiều.

Khi nền kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh hơn, đời sống cao hơn nhưng đứng trước việc phân hóa giàu - nghèo lớn lên, nguy cơ mất bình đẳng trong giáo dục có thể sẽ gia tăng. Đây cũng là một thách thức lớn.

Đó là thách thức của mô hình trường học mới, mô hình giáo dục mới, phương pháp giáo dục mới, không gian giáo dục mới trong thời đại số.

Chúng ta đứng trước thách thức lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, kể cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

10 năm về trước, chúng ta chưa bàn gay gắt đến vấn đề học sinh phổ thông tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài, các trường phổ thông tốt ở nước ngoài cũng thu hút học sinh của chúng ta.

Các trường đại học cũng phải cạnh tranh nguồn lực khoa học với các trường đại học trên quy mô toàn cầu.

Chúng ta mải miết với câu chuyện tự chủ đại học, với câu chuyện đầu tư nhưng chúng ta còn phải ứng phó với thách thức trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về giáo dục.

"Trong kết luận của Bộ Chính trị trong thời gian tới, chắc chắn có mấy điểm cần đề cập tới, xoay quanh 3 vấn đề chính: nhận thức, thể chế và nguồn lực", Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Dân trí

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: “Phi lợi nhuận” cần một chữ… “Tâm”PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: “Phi lợi nhuận” cần một chữ… “Tâm”