Doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt rời bỏ Trung Quốc
![]() |
Kết quả điều tra của Phòng Thương mại châu Âu kết hợp với văn phòng Roland Berger về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc cho thấy thời kỳ vàng son cho doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc đã hết.
Theo báo cáo, các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới phải chịu hai bất lợi: tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới bị chững lại và ngày càng bị phân biệt đối xử so với các doanh nghiệp địa phương. Ba lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất do khó thâm nhập vào thị trường là cơ khí, dược phẩm và truyền thông đại chúng.
Trong số những người trả lời cuộc thăm dò, 56% nhận định hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn, tăng thêm 5% so với năm 2015; 57% cho rằng các pháp chế về môi trường được áp dụng để chống các doanh nghiệp nước ngoài ; 70% cảm thấy không được chào đón nhiệt tình như cách đây 10 năm.
Nguyên nhân đầu tiên được nêu trong kết quả điều tra là tác động của việc chính quyền kiểm soát truy cập internet gây bất bình trong giới doanh nhân nước ngoài. Bản báo cáo ghi rõ: “Dường như Bắc Kinh luôn phản ứng theo hướng ngược lại khi ban hành các đạo luật về an ninh, thường rất mơ hồ và bóp nghẹt việc truy cập internet đến mức trừng phạt các công ty trong nước cũng như quốc tế”.
Lý do thứ hai là quyền sở hữu trí tuệ. Dù có một đạo luật quy định vấn đề này nhưng không được tôn trọng trên thực tế. Trong bối cảnh này, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ chỉ dám tin một cách hạn chế vào những lời hứa mở cửa của chính phủ hay cam kết giảm sản xuất dư thừa công nghiệp, từ ngành công nghiệp nặng như lĩnh vực thép, than, xi-măng đến ngành sản xuất xe hơi hay phân phối.
Thứ ba, Trung Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh do lương của người lao động tăng cao và giá bất động sản ngày càng đắt.
Với những lý do được nên trên, báo cáo đánh giá rằng Trung Quốc không còn thu hút như trước và đây cũng là lý do khiến các tập đoàn Nhật Bản thích Đông Nam Á hơn Trung Quốc. Cách đây vài ngày, tập đoàn vận tải hàng hải Nhật Bản Mitsui OSK đã đầu tư 100 triệu USD để xây dựng một cảng container mới tại cảng Hải Phòng để chuẩn bị cơ sở cho hàng loạt tập đoàn Nhật Bản tìm cơ sở sản xuất mới ngoài Trung Quốc.
Năm 2014, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào thị trường ASEAN khoảng 20,4 tỉ USD, nhiều hơn gấp ba lần so với đầu tư vào Trung Quốc (6,7 tỉ USD) vào cùng thời điểm. Trong khi đó, trước năm 2012, các tập đoàn Nhật Bản luôn đầu tư vào Trung Quốc nhiều hơn so với Đông Nam Á.
Một lý do khác khiến các tập đoàn Nhật Bản giảm bớt đầu tư vào Trung Quốc chính là môi trường kinh doanh tại đây ngày càng xấu đi. 13% nhà đầu tư Nhật nêu lý do là khung quản lý bị thắt chặt, trong khi đó chỉ 4% doanh nghiệp Nhật tại Đông Nam Á bận tâm về vấn đề này.
Giới phân tích cho rằng lo ngại nền kinh tế thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản hy vọng vào sự tăng trưởng ổn định hơn và bền vững hơn tại Đông Nam Á, nơi có nhiều nước (Việt nam, Malaysia, Singapore…) sẽ được hưởng lợi từ hiệp định tự do mậu dịch (TPP) ký với Mỹ.
Trong khi số doanh nghiệp nước ngoài từ bỏ thị trường Trung Quốc ngày càng nhiều thì những doanh nghiệp nước này cũng đang rời bỏ chính mảnh đất quê hương họ. Báo Les Echos của Pháp ra ngày 6/6 cho biết chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2016, tổng số tiền đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng gấp hai lần so với cả năm 2015 và chiếm một nửa tổng số vụ chuyển nhượng nước ngoài trên cựu lục địa.
Cụ thể, từ tháng 1/2016 đến nay, số tiền đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đạt 62,4 tỉ USD so với 27,7 tỉ USD của cả năm 2015. Theo giải thích của tờ báo, sở dĩ châu Âu là mục tiêu đầu tiên trên thế giới của các tập đoàn Trung Quốc là vì châu lục này đang tìm cách để tái tăng trưởng nên mở rộng cửa cho giới đầu tư quốc tế. Tỉ giá euro khá hấp dẫn so với đồng USD cũng là một điều kiện có lợi cho giới đầu tư Trung Quốc.
Ngày 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo nhận định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ xuống còn 6,7%. “Kết quả dự đoán của chúng tôi dựa trên giả định nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại một cách có trật tự nhờ thực hiện tái cấu trúc một cách trơn tru và áp dụng các biện pháp kích thích chính sách phù hợp”, WB cho hay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không hạ cánh nhẹ nhàng như WB nhận định. Theo báo The New York Times, từ khủng hoảng tài chính 2008 đến nay có 4 yếu tố quyết định sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia. Cả 4 yếu tố này đều không mấy sáng sủa với Trung Quốc.
Yếu tố đầu tiên là các khoản nợ. Nhiều quốc gia đang phát triển phải đối mặt với tình trạng nợ nần tăng nhanh đến mức báo động. Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt đáng chú ý. Thứ hai là nhu cầu thương mại thế giới suy giảm, tác động tiêu cực đến các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhất là Trung Quốc.
Yếu tố tiếp theo là sau cuộc khủng hoảng năm 2008, nhiều nước đã quay lại chính sách can thiệp mạnh mẽ vào nền kinh tế nhằm ứng phó với đà suy giảm của kinh tế toàn cầu. Có những chính sách gây thiệt hại cho chính quốc gia đó và không nước nào vượt hơn Trung Quốc ở khoản này.
Yếu tố cuối cùng không hề liên quan gì đến khủng hoảng năm 2008, đó là vấn đề dân số Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động của thế giới đang chậm lại. Tình trạng này đang xảy ra và ảnh hưởng tiêu cực, làm suy giảm lực lượng lao động Trung Quốc.
Để cỗ máy Trung Quốc có thể vận hành ổn định, tăng trưởng GDP hàng năm phải đạt 6% trở lên. The New York Times cho rằng điều này trong bối cảnh hiện tại dường như là bất khả thi với Trung Quốc.
Để đạt được mục tiêu trên, Bắc Kinh đang đổ tiền vào nhiều dự án đầu tư nhằm kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều dự án lãng phí, không hiệu quả. Các khoản nợ đó sẽ cái bẫy sau này cho chính Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại và sẽ giảm tốc hơn nữa khi Trung Quốc buộc phải trả nợ. Dù biết gánh nặng nợ nần sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng nhưng Trung Quốc sẽ phải chấp nhận trả nợ.
Kịch bản tiếp theo có thể sẽ là sự suy giảm kinh tế sâu hơn nữa. Thậm chí, sau thời gian 7 năm tăng đầu tư để kích thích kinh tế, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính. Tất nhiên, bất kỳ biến động nào của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đều ảnh hưởng đến toàn cầu.
Thậm chí còn có nhận xét cho rằng quốc gia đông dân nhất hành tinh có nguy cơ đối mặt một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như từng xảy ra với nước Mỹ cách đây gần 100 năm.
H.Phan
AP, AFP, Reuters
-
Hoàn thiện chính sách đấu thầu nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo
-
Đại biểu Quốc hội: Phân cấp cho cấp xã là không khả thi
-
Cần cơ chế hậu kiểm đủ mạnh để phát triển bền vững kinh tế tư nhân
-
[VIDEO] Đưa Nghệ An trở thành cực tăng trưởng của cả nước
-
Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng phòng học STEM cho Trường THPT Kim Liên, Nghệ An