Đề xuất di dời ga Hà Nội: Không hợp lý!

23:24 | 26/08/2017

1,371 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thiếu tướng Phạm Xuân Bình - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải di dời ga Hà Nội và tuyến đường sắt ra khỏi nội thành nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đề xuất này không hợp lý.

Tư duy cũ: Tắc là chuyển

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, đề xuất di dời ga Hà Nội khỏi khu vực nội thành đã xuất hiện từ nhiều năm trước và ở thời điểm đó đề xuất này cũng vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận. Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 7 tháng đầu năm 2017 của TP Hà Nội diễn ra vào chiều 8-8, đề xuất này được Phó giám đốc Công an TP Hà Nội Phạm Xuân Bình nhắc lại.

de xuat di doi ga ha noi khong hop ly

Theo Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, hệ thống đường sắt trong nội thành đang gây ra nhiều xung đột, gia tăng áp lực giao thông. Ga Hà Nội, hệ thống đường sắt cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông (TNGT).

Liên quan đến đề xuất này, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt trên toàn thế giới có tính an toàn và nằm trong nội thành để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân.

Theo các chuyên gia giao thông, ngành đường sắt nên quy hoạch khu vực đón trả khách trước cửa ga Hà Nội theo mô hình hợp lý. Cách đây 2-3 năm, khu vực này rất lộn xộn, nhưng sau khi có sự sắp xếp hợp lý đã tốt hơn rất nhiều, hành khách đi lại thấy hài lòng. Ngoài ra cần có ưu tiên không gian tốt nhất để hành khách trung chuyển giữa đường sắt với các đầu mối giao thông công cộng/đô thị quan trọng khác.

Người đứng đầu ngành đường sắt nhấn mạnh, trong quy hoạch của Hà Nội cũng như quy hoạch quốc gia, theo Quyết định số 214/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, thì ga Hà Nội vẫn là ga trung tâm. Vậy nên việc quy hoạch cần cân đối hài hòa phát triển lợi ích các bên, quan trọng nhất là tạo thuận lợi cho người dân.

Vị trí ga vẫn phù hợp

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh - giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải, người có 10 năm kinh nghiệm quy hoạch giao thông ở Anh, vị trí ga Hà Nội rất tốt và có thể nói là phù hợp nhất, không cần phải di chuyển. Phần lớn các nước đều có xu hướng giữ ga đường sắt trong nội thành để tạo điều kiện thuận tiện cho người dân. Bên cạnh đó, ga đường sắt đặt ở vị trí trung tâm cũng tạo được một đầu mối giao thông, từ đó liên kết với các phương tiện khác, như bến xe khách, bến taxi, xe buýt hay đường sắt đô thị...

Tiến sĩ Trần Hữu Minh cho rằng, cơ quan quản lý không nên tư duy theo kiểu khó là cấm. Bởi nếu để giao thông giao cắt đồng mức và công tác tổ chức giao thông tại khu vực ga bất cập như hiện nay thì chắc chắn dư luận sẽ bức xúc. Nên cần có giải pháp mạnh để hạn chế vấn đề này.

“Nếu tổ chức hợp lý, kết nối tốt với các phương thức vận tải khác, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân một cách hợp lý, khuyến khích người đi bộ và xe đạp, đặc biệt là loại hình vận tải công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt, xe buýt nhanh... thì có thể giảm được ùn tắc ở khu vực lân cận. Mặt khác, trong bối cảnh ngành đường sắt đang khó khăn như hiện nay, nếu kéo nhà ga ra ngoại thành liệu hành khách có chạy theo để đi tàu nữa hay không?” - Tiến sĩ Trần Hữu Minh đặt câu hỏi.

Đề xuất các giải pháp cho vấn đề này, ông Minh cho rằng, ngành đường sắt cần phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện bằng được việc giao cắt khác mức với đường bộ tại khu vực ga Hà Nội và các vị trí có tuyến đường sắt. Việc giao cắt khác mức với đường bộ không ảnh hưởng nhiều đến giao thông trong thành phố. Nếu thực hiện được, tần suất tàu ra vào ga rất dày đặc 3 phút, 5 phút một chuyến tàu cũng rất an toàn và không gây ùn tắc.

“Trước mắt, có thể đầu tư để hạn chế những điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt với đường bộ bằng cách gom các điểm giao cắt lại thành một cụm giao cắt, bố trí cầu vượt, hoặc làm ngầm xuống đất để giảm giao cắt trực tiếp với đường sắt, làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông” - Tiến sĩ Trần Hữu Minh nói.

de xuat di doi ga ha noi khong hop ly

Tiến sĩ Trần Hữu Minh khẳng định, ga Hà Nội nên di dời những bộ phận dịch vụ kỹ thuật như: duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, vệ sinh đầu máy, toa tàu… ra ngoại thành. Những bộ phận này đang nằm trong ga sẽ tạo áp lực lên giao thông cũng như hạ tầng của ga.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh, những dịch vụ này chỉ phục vụ về kỹ thuật nên không nhất thiết phải ở khu vực trung tâm. Trên thế giới khu vực thực hiện duy tu bảo dưỡng định kỳ, vệ sinh dọn dẹp phương tiện luôn được đặt ở ngoại thành, nơi có không gian rộng rãi, còn nhà ga trung tâm chỉ là nơi đón hành khách lên tàu và đi thôi và do đó ga không cần quá lớn, nhưng cần đặt ở nơi trung tâm thuận tiện cho đi lại và tiếp cận của người dân. Hơn nữa, đây là một khu đất vàng, nếu sử dụng vào các mục đích bảo dưỡng sửa chữa hay dịch vụ kỹ thuật thì không tương xứng do giá trị mang lại thấp, mà cần phải dành không gian này để phục vụ hành khách tạo nên những giá trị gia tăng lớn cho cộng đồng.

Song Nguyễn