Để Hiến pháp đi vào cuộc sống

07:00 | 03/12/2013

1,577 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hai năm rưỡi lấy ý kiến đóng góp của cử tri cả nước, ngày 28/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua toàn văn Hiến pháp (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ phiếu 97,59% và 98,59%.

Năng lượng Mới số 279

Không có đại biểu nào nhấn nút không tán thành. Hai tỷ lệ phiếu này phản ánh sự đồng thuận, sự thống nhất cao của quy trình sửa đổi Hiến pháp. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cho ý chí, nguyện vọng của 90 triệu người dân Việt Nam.

Sự đồng thuận cao trong biểu quyết thông qua Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Hiến pháp (sửa đổi) tạo niềm tin và sức mạnh mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Quá trình xây dựng, chỉnh lý, thông qua bản Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) đã để lại bài học thực tiễn về việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo ra sự nhất trí cao trong xã hội. Đồng thời, khẳng định sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và quản lý của chính quyền đối với hoạt động thông tin truyền thông. Các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được xử lý kịp thời. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Các đại biểu nhấn nút thông qua Hiến pháp

Hiến pháp sửa đổi gồm 11 chương, 120 điều. Theo đánh giá của các ĐBQH, bố cục của hiến pháp hợp lý, chặt chẽ và khoa học; nội dung và kỹ thuật trình bày bảo đảm các quy định của hiến pháp, đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, quy định nước CHXHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ đã thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực đã được xác định trong cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng, cũng là yêu cầu của nhân dân và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Quy định “kiểm soát quyền lực” là một nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, là một vấn đề mới trong tổ chức quyền lực của Nhà nước ta.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Có thể khẳng định rằng, tuyệt đại bộ phận nhân dân và Quốc hội đã đồng tình cao với Dự thảo Hiến pháp sửa đổi thông qua lần này. Dự thảo đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân, của đại đa số các ĐBQH. Đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần làm chủ của nhân dân. Trong một số bộ phận, một số người và ngay cả một số ĐBQH còn có những ý kiến khác về một số điều, khoản trong Dự thảo. Những ý kiến còn khác so với Dự thảo đều sẽ được Quốc hội hết sức trân trọng, tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước”.

Hiến pháp đã được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Nhưng quan trọng hơn là những việc cần làm trước mắt để Hiến pháp sớm thực sự đi vào cuộc sống. Mỗi khi người dân góp ý kiến cho Hiến pháp hay Văn kiện của Đảng thường nhắc tới cụm từ quen thuộc là, “ý Đảng, lòng dân”. Vậy thì sự đồng thuận chỉ đạt được khi nguyện vọng của nhân dân phải trở thành ý chí của Đảng. Nay Hiến pháp đã được thông qua, chứng minh được ý Đảng và lòng dân đã hợp. Khi mà Hiến pháp hay văn kiện phù hợp với thực tế đúng đắn, sáng tạo, phong phú, sâu sắc được xây dựng trên quan điểm “lòng dân” thì mới thực sự đi vào cuộc sống.

Điều không thể khác là Hiến pháp phải được xây dựng trên tư duy phân rõ trách nhiệm, quyền hạn và giám sát lẫn nhau của 3 cơ quan trong tổ chức bộ máy nhà nước: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cái đích cuối cùng là phấn đấu vì hạnh phúc của con người bởi chất lượng cuộc sống phải bắt đầu từ quyền con người được phát huy đầy đủ. Do đó, Hiến pháp lần này đã tạo được điểm nhấn quan trọng là dành riêng một chương để nói về quyền con người, quyền công dân ở ngay sau chương quy định về chế độ chính trị. Các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình được khẳng định và quy định “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Ngay từ lời nói đầu đã khẳng định, “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ hiến pháp này” và “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp”.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc triển khai Hiến pháp vào cuộc sống cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quốc hội sẽ dựa vào Nghị quyết để xây dựng kế hoạch cụ thể việc triển khai, trong đó có việc chỉ đạo, kế hoạch cho từng cấp, từng ngành, từng cơ quan. Cùng với đó là phải phổ biến, tuyên truyền cả nội dung lẫn tinh thần của Hiến pháp một cách sâu rộng trong nhân dân.

Hiến pháp lần này còn một chi tiết đáng chú ý nữa là, cụm từ Nhân dân được viết hoa mà các bản hiến pháp trước đây không có. Ngay ở lời nói đầu, có tới 5 cụm từ Nhân dân đều được viết hoa: “Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước…”. Đó là thể hiện sự tôn vinh vai trò của nhân dân, chủ thể của đất nước.

Một điểm đáng chú ý nữa là Điều 4 của Hiến pháp tiếp tục khẳng định, Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, có bổ sung nội dung “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Đây là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thể chế chính trị ở nước ta, chỉ có một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nó phủ nhận những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, suốt 20 năm qua đã âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Như vậy, các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày 1/1/2014 phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp. Các cơ quan Nhà nước trong phạm vi chức năng của mình tổ chức thi hành Hiến pháp sửa đổi, kịp thời sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp sửa đổi; điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với quy định mới; triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp sửa đổi.

Thời điểm thi hành Hiến pháp mới còn chưa đầy 1 tháng, rất nhiều công việc phải được khẩn trương triển khai. Nếu không kịp thời sửa đổi, điều chỉnh các văn bản cho phù hợp với quy định mới thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của cả cơ quan Nhà nước và nhân dân. Do đó, bên cạnh niềm vui với Hiến pháp vừa được thông qua, cử tri cả nước lại đang mong chờ việc thi hành kịp thời các quy định mới của văn bản quy phạm pháp luật. Bởi thực tế lâu nay, rất nhiều văn bản quy định thường chậm được triển khai, thi hành; nhiều quy định lỗi thời không được sửa đổi. Vậy hôm nay, ý Đảng đã quyết, long dân đã đồng, không có lý do gì chúng ta để việc thực thi Hiến pháp chậm trễ. Có như vậy Hiến pháp mới đi vào cuộc sống, tránh tình trạng nằm chờ trên giấy.

Bùi Đức