Đề án quản lý taxi theo màu sơn và vùng hoạt động

15:10 | 19/04/2012

374 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Ngày 18/4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cùng với các sở, ngành nghe và bàn luận về báo cáo “Dự thảo Đề án quản lý hoạt động vận tải bằng taxi trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn từ nay tới năm 2015 và định hướng đến năm 2030”.

Lập đề án quản lý taxi giai đoạn từ nay tới năm 2015 và định hướng đến năm 2030

Theo Dự thảo Đề án quản lý hoạt động vận tải bằng taxi, căn cứ vào mức độ phát triển của đô thị, tốc độ đô thị hóa, nhu cầu đi lại và tỉ lệ đảm nhận của các phương thức vận tải khách, dự báo về tổng số phương tiện taxi toàn thành phố phù hợp đến năm 2015 là khoảng 21.000 xe và đến 2020 là khoảng 26.000 xe (khu vực trung tâm năm 2015 khoảng 10.000 xe; năm 2020 khoảng 12.500 xe). Số lượng taxi này sẽ tương ứng với tỉ lệ đảm nhận làm 13% (năm 2015) và 11% (năm 2020) của taxi so với tổng khả năng đảm nhận của xe buýt và taxi, giảm đi 17% so với mức hiện tại.

Bên cạnh đó, Dự thảo đưa ra 7 nhóm giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, gồm: Bổ sung điều kiện kinh doanh vận tải taxi; Phân vùng hoạt động vận tải taxi; Quản lý khai thác vận tải taxi bằng tổng đài dùng chung; Quản lý đối với phương tiện; Kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải khách bằng taxi; Giải pháp về nguồn nhân lực và các giải pháp quản lý hỗ trợ khác.

Sau 2015, xe taxi hoạt động tại Hà Nội phải có màu sơn đồng nhất theo mẫu của UBND thành phố.

Về lộ trình thực hiện, từ nay đến 2015 sẽ tập trung hạn chế phương tiện hoạt động trong vùng trung tâm, trong đó sẽ tập trung vào các giải pháp, như: Tạm dừng thành lập mới các doanh nghiệp kinh doanh taxi và số lượng taxi để xây dựng chính sách quản lý cũng như chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp taxi trên địa bàn thành phố; Thực hiện công tác đấu thầu hoạt động khai thác vận tải hành khách bằng taxi trong khu vực vùng trung tâm; Taxi hoạt động trong vùng trung tâm phải nộp phí để đóng góp vào quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố; Các phương tiện taxi ở trong vùng trung tâm được đón trả khách ở ngoài và các phương tiện taxi hoạt động ngoài vùng trung tâm không được vào trong vùng đón khách.

Giai đoạn này, các xe taxi sẽ được đăng ký mới thực hiện chuyển đổi màu sơn do quy định về màu sơn do thành phố ban hành và mục tiêu đến năm 2015 toàn bộ taxi cùng một màu sơn. Các phương tiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi trên địa bàn Hà Nội yêu cầu bắt buộc phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn và mẫu hóa đơn do Sở Tài chính ban hành.

Đối với giai đoạn sau 2015, toàn bộ taxi hoạt động trên địa bàn các cơ quan chức năng Thành phố sẽ thống nhất màu sơn theo vùng, các hãng khác nhau thì gắn thêm logo hãng kèm theo. Đối với phương tiện hoạt động ngoài vùng trung tâm thống nhất màu sơn khác với màu sơn khu vực trong vùng trung tâm; taxi đưa đón khách sân bay có màu sơn riêng…

Nên chia taxi theo vùng hoạt động

Với Đề án này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhận định, hiện hệ thống taxi của Hà Nội mang tính chất lưỡng tính, vừa là loại hình vận tải công cộng lại vừa mang tính chất cá nhân. Về mặt hiệu quả trong khai thác vận tải và hiệu quả chung của xã hội, taxi không thể so với các loại hình vận tải công cộng, như: xe buýt, Metro… nhưng hiệu quả hơn các loại hình sử dụng phương tiện cá nhân.

Do đó, Sở Giao thông Vận tải cho rằng: Taxi không phải là loại hình vận tải khách được khuyến khích phát triển, đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố, nơi có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. Tuy nhiên, taxi vẫn sẽ được tồn tại ở một mức độ phù hợp nhằm hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân khi hệ thống vận tải công cộng thành phố chưa được xây dựng và đi vào khai thác.

Phát biểu tại buổi họp, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) cho rằng: Nên chia taxi theo vùng hoạt động, xác định nhu cầu cụ thể của từng vùng từ đó đấu giá phục vụ để hạn chế ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho lái xe taxi phải được thường xuyên kiểm tra, quá trình sát hạch lái xe taxi cũng cần có sự tham gia của lực lượng CSGT.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, Đề án quản lý taxi phải nêu ra được những hạn chế, yếu kém của các doanh nghiệp taxi hiện nay để có phương án quản lý. “Kiểm soát ra sao mà vẫn để taxi dù xuất hiện trên địa bàn thành phố, ngay tại các quận trung tâm. Quản lý của cơ quan chức năng như thế nào, còn những tồn tại gì… phải chỉ ra thì mới có giải pháp xử lý”.

Đánh giá về Đề án này, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: Quan trọng nhất là điểm đỗ và trả khách, phải xác định được điểm dừng, đỗ ứng với số lượng taxi, điều này sẽ gián tiếp giúp quản lý tốt. Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý Nhà nước các Sở, ngành cần nghiên cứu việc kết nối các doanh nghiệp taxi trong vấn đề điều hành, quản lý, không để duy trình tình trạng, doanh nghiệp nào điều hành doanh nghiệp ấy như hiện nay.

Dự kiến cuối tháng 4 này Dự thảo sẽ được báo cáo UNBND Thành phố và đầu tháng 5 tới sẽ báo cáo Thành ủy.

Thiên Minh