"Dân vi phạm 2 triệu bỏ tù, quan tham nhũng 2 tỉ án treo!?"

14:18 | 18/09/2013

1,908 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đã đưa ra nhận xét khi nói về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN).

Hôm nay (18/9), Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tình hình phòng chống tham nhũng 8 tháng đầu năm 2013. Đa số ý kiến các Ủy viên UBTVQH đều tán thành mô hình và phương thức hoạt động của các lực lượng chức năng.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 8 tháng đầu năm đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự. Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành trên 4.700 cuộc kiểm tra và đã xử lý hàng trăm cán bộ viên chức, trả lại quà tặng đúng quy định cho cơ quan, tổ chức với tổng giá trị 178 triệu đồng.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước

Về kết quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, Chính phủ cho hay, toàn ngành thanh tra phát hiện 73 vụ và 80 đối tượng tham nhũng. Nhiều cơ quan tập trung phát hiện và xử lý tham nhũng điển hình như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (phát hiện 21 vụ việc, xử lý 30 cán bộ).

Tuy nhiên xung quanh tình hình tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút, Chủ tịch hội đồng dân tộc Ksor Phước tiếp tục đưa ra những phát biểu mạnh mẽ. Ông cho rằng, thông tin là vấn đề gây bức xúc nhất trong dư luận. Dẫn chứng từ con số 98 nghìn thông tin liên quan đến tội phạm trong năm 2013, Chủ tịch Hội đồng dân tộc thắc mắc có bao nhiêu trong số đó liên quan đến tham nhũng và cơ quan PCTN xử lý lượng thông tin trên như thế nào? Kết quả xử lý sẽ thể hiện hệ thống chính trị có quyết tâm chống tiêu cực đến nơi đến chốn hay không!?

“Ban chỉ đạo TƯ về PCTN có được biết, trong các vụ án nghiêm trọng do Ban trực tiếp chỉ đạo, hoặc cán bộ thuộc cấp ủy cấp tỉnh, thành phố quản lí, có bao nhiêu vụ có nhận chỉ đạo, can thiệp bằng miệng, bằng văn bản hay không?”. Ông Ksor Phước phát biểu: “Qua chỉ đạo, qua ý kiến có nhiều vụ án thu hẹp lại, thậm chí xẹp xuống. Thực tế cho thấy, rất nhiều đồng chí có chức quyền can thiệp vào quá trình điều tra của các lực lượng chức năng. Bộ Chính trị, các Ủy viên Bộ Chính trị cần phải nắm rõ thông tin và thể hiện rõ thái độ trước khi đưa ra Trung ương xem xét, quyết định.”

Chủ tịch Hội đồng dân tộc đưa ra rất nhiều viện dẫn về tính minh bạch của công tác PCTN. “Có nhiều vụ việc kéo dài, đúng sai như thế nào, điều tra, xử lý đến đâu… không được thông tin công khai đã làm giảm lòng tin của nhân dân, của cán bộ, Đảng viên. Mỗi khi các vụ việc liên quan đến cán bộ… "im im" như vậy là lúc lòng dân bất an. Tôi cho rằng còn ý kiến can thiệp vào quá trình điều tra thì chúng ta còn không thể giải quyết được tham nhũng. Mập mờ, ngay cả những cán bộ TƯ như tôi còn băn khoăn thì ở dưới như thế nào?”

Xung quanh vấn đề minh bạch, ông Ksor Phước dẫn chứng người dân phạm tội 2-3 triệu đồng thì bỏ tù, trong khi cán bộ Nhà nước tham nhũng mấy tỉ đồng thì hưởng án treo. Đau xót hơn, gần đây tham nhũng diễn ra ở cả những vấn đề an sinh xã hội, như vấn đề người có công, công tác dân tộc, xóa đói giảm nghèo, phòng chống lụt bão… “Chất lượng cuộc đấu tranh PCTN là vấn đề cực lớn. ĐBQH nhận sức ép rất lớn từ nhân dân và cử tri cả nước, các đồng chí có trả lời được vì sao để tình hình vẫn căng thẳng không?”

Lê Tùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc