Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh:

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

11:29 | 01/12/2013

5,069 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Do có nhiều đóng góp xuất sắc đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01-01-1914/01-01-2014), xin trân trọng gửi tới bạn đọc loạt bài tổng hợp, phản ánh thân thế, sự nghiệp; những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự lớn mạnh, trưởng thành và những chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên mặt trận nông nghiệp; đồng thời khắc họa chân dung của một nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức và lối sống...

 

Bài 1: Tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh), sinh ngày 01 tháng 01 năm 1914 trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, nay là làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ dưới ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân, từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Vịnh đã phải đi làm thuê để đỡ đần cho gia đình. Chính cuộc sống vất vả, tủi nhục đó đã nhen nhóm trong anh tình nhân ái, lòng căm thù kẻ áp bức, bóc lột đến tột cùng. Nhiều lần, Nguyễn Vịnh đã cùng với những tá điền đứng lên đấu tranh chống lại bọn chủ đồn điền, cường hào ác bá ở địa phương.

Từ năm 1933-1934, đồng chí Nguyễn Vịnh được các đồng chí Phan Đăng Lưu và Nguyễn Chí Diểu giác ngộ, dẫn dắt tham gia phong trào cách mạng. Tháng 7/1937, đồng chí Nguyễn Vịnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó được cử làm Bí thư chi bộ thôn Niêm Phò - tổ chức của Đảng đầu tiên ở huyện Quảng Điền.

Đầu năm 1938, đồng chí Nguyễn Vịnh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên và đến cuối năm, đồng chí bị chính quyền thực dân bắt, cầm tù. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng và được cử lại làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Giữa năm 1939, đồng chí lại bị chính quyền thực dân bắt và giam ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột...

Năm 1941, đồng chí vượt ngục thành công và cùng một số đồng chí khác thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên, ra sức xây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi trong tỉnh. Năm 1943, đồng chí bị chính quyền thực dân bắt lần thứ ba. Tháng 3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí ra tù, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Nam Trung Bộ. Trong suốt thời kỳ hoạt động bí mật trước Cách mạng tháng Tám, cũng như những ngày bị giam cầm ở các nhà tù đế quốc, đồng chí luôn tỏ rõ là một người đảng viên cộng sản kiên trung, “nguy hiểm không sờn lòng, khó khăn không lùi bước”, góp phần xây dựng các cơ sở của Đảng, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở tỉnh Thừa Thiên.

Tháng 8/1945, đồng chí được cử đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại Hội nghị, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và được Bác Hồ đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Từ đây, cái tên Nguyễn Chí Thanh đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Từ năm 1947-1948, đồng chí được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên và sau đó làm Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên. Thời gian này, thực dân Pháp tập trung lực lượng đánh phá ác liệt các cơ sở của Đảng và phong trào kháng chiến ở miền Trung Trung Bộ, khiến cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí đã cùng với Đảng bộ lãnh đạo nhân dân từng bước khôi phục và phát triển cơ sở chính trị, đẩy mạnh chiến tranh du kích, xoay chuyển lại tình thế, đặt cơ sở cho những thắng lợi rực rỡ của phong trào kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên.

Từ cuối năm 1948-1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cương vị là Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4 đã cùng với các cấp ủy Đảng lãnh đạo quân và dân toàn Liên khu đoàn kết chiến đấu, sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến và xây dựng hậu phương vững mạnh. Đầu năm 1950, đồng chí được Trung ương Đảng điều động ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương. Tháng 2/1950, tại Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.

Bước vào năm 1950, trước sự phát triển lớn mạnh của quân đội và yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 121/SL ngày 11/7/1950 về tổ chức nhiệm vụ của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam, xác định cơ quan Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng điều động vào quân đội và giao trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị.

Từ tháng 7/1951 đến cuối năm 1960, Tổng Quân ủy cử đồng chí làm Giám đốc Trường Chính trị trung cấp quân đội, nay là Học viện Chính trị. Năm 1959, đồng chí được Quốc hội, Chính  phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong suốt thời kỳ này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã dốc hết tâm lực cùng với các đồng chí trong Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, giành được những chiến công rực rỡ mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến toàn thắng. Đồng chí đã có công lớn trong việc củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội; xây dựng nền nếp công tác đảng, công tác chính trị, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội; chăm lo giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao.

Ngay sau khi hòa bình được lập lại, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tích cực đề xuất, cùng Tổng Quân ủy lãnh đạo xây dựng quân đội ta ngày càng hùng mạnh, bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương. Từ cuối năm 1960-1964, đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Đồng chí đã góp nhiều công sức vào việc củng cố, đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Từ giữa năm 1964-1967, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Trung ương Đảng điều động trở lại tham gia lãnh đạo quân đội và được phân công vào chiến trường miền Nam, lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam. Đồng chí tỏ rõ phẩm chất, năng lực, phong cách của một nhà lãnh đạo xuất sắc, đem hết tài năng và nghị lực thực hiện thắng lợi đường lối chính trị và quân sự của Đảng, phát triển nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam, động viên mạnh mẽ tinh thần chiến đấu, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Đồng chí là Đại biểu Quốc hội khóa II, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Do có nhiều đóng góp xuất sắc đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đồng chí mất ngày 6 tháng 7 năm 1967, tại Hà Nội.

 

Theo QĐND Online