Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022)

Cựu chiến binh nặng lòng với vùng đất lửa

06:05 | 22/12/2022

471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tham gia hoạt động cách mạng khi còn ngồi trên ghế nhà trường và tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên vào những tháng năm chiến tranh khốc liệt nhất, cựu chiến binh Trần Thượng Liên luôn nặng lòng, vương vấn về những ký ức ở vùng đất lửa Quảng Trị.
Cựu chiến binh nặng lòng với vùng đất lửa
Ông Trần Thượng Liên - cựu chiến binh Quân khu Bình Trị Thiên

Tuổi trẻ hào hùng

Ông Trần Thượng Liên năm nay 78 tuổi, ba ông mất khi ông vừa lên 3, mẹ qua đời khi ông đang trong ngục tù Mỹ - Ngụy. Cả gia đình phải nhiều lần chạy giặc khi ông vừa chập chững biết đi. Ông tham gia hoạt động cách mạng khi vừa tròn 18 tuổi.

Chàng trai Trần Thượng Liên là một trong những người học giỏi có tiếng ở Trường Phan Châu Trinh. Một ngày nọ, người anh họ đưa vài người khách là thành viên của Hội Liên hiệp thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng Trung Trung Bộ tại Đà Nẵng (Hội LHTNĐN) về, mượn nhà ông Liên để họp bàn kế hoạch xây dựng cơ sở tại các trường học, trong đó có trường Phan Châu Trinh - nơi ông Liên đang học. Cuộc đời Trần Thượng Liên thay đổi từ đó.

Sau lần họp hôm đó, Trần Thượng Liên được một thành viên trong Hội LHTNĐN giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam tại Trường Phan Châu Trinh. Nhiệm vụ của ông là cùng các học sinh khác tuyên truyền, vận động nhân dân không để học sinh đi lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH); vận động binh lính giải ngũ; tuyên truyền các tầng lớp xã hội lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, tiến tới giải phóng miền Nam...

Trong quá trình hoạt động, một thành viên trong Hội LHTNĐN bị bắt, khi bị tra tấn đã khai ra các thành viên khác. Trần Thượng Liên cùng nhiều thanh niên trong hội bị bắt giam vào tháng 10-1964. Sau nhiều tháng bị tra tấn dã man, Liên cùng các thành viên trong hội bị điều chuyển đến nhiều nhà tù từ Sở An ninh Quân đoàn 1 (Đà Nẵng) ra đến Lao Thừa Phủ (Huế).

Tại Lao Thừa Phủ, nhóm thanh niên Hội LHTNĐN bị đưa ra xét xử tại Tòa án quân sự vùng 1 chiến thuật năm 1966. Đứng trước vành móng ngựa khi mới 22 tuổi, Trần Thượng Liên trả lời chánh án: “Luật pháp của các ông chỉ xử được hành động của tôi, nhưng luật pháp của các ông không bao giờ xử được lý tưởng của tôi”. Sau phiên tòa, nhóm thành viên Hội LHTNĐN bị xét xử 3 năm tù giam và 3 năm cải tạo quản thúc. Những ngày trong nhà giam, vì nhớ mẹ nên Liên tự tay thêu chiếc áo gối gửi về quê nhà. Chiếc áo gối tặng mẹ đến nay vẫn được ông gìn giữ, trở thành kỷ vật của gia đình.

Cựu chiến binh nặng lòng với vùng đất lửa
Chiếc áo gối do chính tay ông Liên thêu năm 1964 khi ngồi trong nhà lao, quà tặng cho mẹ ông là bà Ngô Thị Gấm, được giữ lại đến tận bây giờ

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, tiếng bom đạn nổ rền vang cả vùng trời Thừa Thiên, quân đội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng quân và dân Thừa Thiên Huế đã nổ súng đánh chiếm Huế. Lao Thừa Phủ được giải phóng, hàng loạt tù binh chính trị được trả tự do, hòa mình vào phong trào cách mạng. Trần Thượng Liên được ra tù.

Tháng 4-1968, Trần Thượng Liên chính thức trở thành chiến sĩ quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, được đưa về Ban Binh vận Mặt trận 7 (Quân khu Thừa Thiên Huế) và sau này là C1, K34 Mặt trận 7, nhận nhiệm vụ đầu tiên là theo dõi, ghi chép danh sách sĩ quan, binh lính VNCH ra trình diện quân Giải phóng...

Nặng lòng với vùng đất lửa

Trong quá trình hoạt động cách mạng, vùng đất lửa Quảng Trị in hằn những ký ức không bao giờ phai trong lòng người cựu chiến binh Trần Thượng Liên. Ông nặng lòng với vùng đất này đến nỗi, tên con gái đầu lòng ông đặt theo một địa danh tại vùng đất lửa. Cũng ở vùng đất này, ông chiến đấu với người bạn, người hàng xóm của mình là Trần Văn Hội - Đại úy pháo binh của VNCH ở chiến tuyến bên kia dòng sông Ba Lòng.

Cựu chiến binh Trần Thượng Liên kể: Khi chiến đấu ở sông Ba Lòng, ông hoàn toàn không biết người bạn mình ở bên kia chiến tuyến. Sau này khi có dịp gặp lại, hai người lính ở hai đầu chiến tuyến lại kể cho nhau nghe những câu chuyện thời chiến. “Hai đứa chúng tôi ngồi kể chuyện cho nhau nghe bên bờ sông Hàn trong một sớm mai thanh bình yên ả, lúc bật cười ha hả, lúc lặng điếng rưng rưng, lúc chìm sâu vào tận cùng của hoài niệm về một cuộc chiến ác liệt... Hai đứa bạn thân của thuở học trò, cùng lớn lên trên thành phố thân yêu này, hai số phận mà cuộc chiến tranh tàn khốc đã xô đẩy về hai phía”, cựu chiến binh Trần Thượng Liên nói.

Người con gái đầu lòng của cựu chiến binh Trần Thượng Liên mang tên Bích La, đặt theo tên thôn Bích La Đông (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong) sau một lần ông được người dân địa phương cứu sống tại thôn này.

Tháng 7-1968, đơn vị của ông được phân công nhiệm vụ chiến đấu với tiểu đoàn thủy quân lục chiến của VNCH vừa kéo về chiếm giữ thôn Bích La Đông. Cuộc chiến dữ dội nổ ra, quân ta nổ súng tấn công và giành thế chủ động. Thời điểm đó, tại thôn có một đám tang và có nhiều tiếng kêu cứu, nên ông chạy lại để xem xét, hỗ trợ. Bỗng một họng súng của lính VNCH từ xa chĩa thẳng về phía ông nhưng không bắn. Tình thế cấp bách khi súng đã hết đạn, ông Liên chỉ kịp lách người sang một bên, chạy hòa vào đám đông, để ẩn thân.

Sau đó, ông chạy vào một nhà tranh phía bên kia đường, một bé trai 12 tuổi nhanh tay kéo cửa đẩy ông vào trong nhà trú ẩn. Sau đó, gia đình cậu bé 12 tuổi che chở ông trong hầm trú ẩn.

Cựu chiến binh nặng lòng với vùng đất lửa
Đại gia đình ông Trần Thượng Liên trở về thôn Bích La Đông để tìm lại gia đình cậu bé 12 tuổi đã cứu ông ngày trước

Ông Liên sau khi thoát chết vẫn mãi đau đáu về món nợ ân tình với người dân thôn Bích La Đông và người lính VNCH kia. Ông Liên tự dặn lòng và viết trong cuốn nhật ký rằng, nếu sau này lập gia đình, nhất định sẽ đặt tên con đầu lòng là Bích La để nhớ mãi nơi này.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Liên lập gia đình năm 1977, thực hiện lời hứa, ông đặt tên cho 3 người con gái lần lượt là Bích La, Bích Lan, Bích Loan và 1 người con trai tên Thượng Lợi. Sau này, bằng nhiều cách, cựu chiến binh Trần Thượng Liên cố gắng tìm lại cậu bé năm nào đã cứu ông, nhưng thời cuộc thay đổi, không thể tìm thấy.

Ở tuổi gần đất xa trời, người cựu chiến binh năm nào vẫn đau đáu trong mình những hoài niệm cũ về vùng đất lửa Quảng Trị, vẫn luôn dạy con cháu về tình yêu quê hương đất nước qua những câu chuyện kể về một thời cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Thành Linh