Cuối năm đi chợ vùng biên

07:00 | 01/02/2016

683 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối năm, đất trời Kỳ Sơn (Nghệ An) chìm đắm trong màn sương mờ ảo, cái lạnh như thấm vào làn da, thớ thịt. Nương rẫy đã thu hoạch xong, mọi công việc trong năm đã ổn, bà con dành thời gian đi chợ vùng biên.  

Náo nức trên cung đường

Trời chưa sáng, sương còn quây kín mặt đường nhưng dường như thị trấn Mường Xén đã thức dậy. Những chiếc bóng điện và đèn pha xe máy hắt lên đường xé toang màn sương, tiếng cười nói phá tan sự tĩnh lặng của đêm phố núi. Những dấu hiệu này khác hẳn với ngày thường, bởi hôm nay có phiên chợ vùng biên, bà con dậy sớm để còn kịp lên chợ đúng lúc trời vừa sáng.

Người Kỳ Sơn quan niệm đi chợ biên là phải đi sớm, đến nơi vừa lúc sương bắt đầu tan, mặt trời ló rạng sau những đám mây hồng, núi rừng dần hiện rõ. Lúc ấy, tinh thần con người thoải mái nhất, lòng thư thái gây nên sự phấn chấn, vui tươi trước khi dạo bước ngắm nhìn và thưởng thức các loại sản vật.

cuoi nam di cho vung bien
Người dân huyện Kỳ Sơn qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn để đến với chợ biên Đỉnh Đam

Hòa vào dòng xe đông đúc, chúng tôi thẳng tiến theo Quốc lộ 1A ngược Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn để lên với phiên chợ vùng biên cuối năm. Trong cái lạnh đến tái tê, những cặp vợ chồng nói cười rộn rã gần như suốt cả cuộc hành trình. Với họ, phiên chợ là một ngày hội, sau những ngày cặm cụi với cây lúa, cây ngô trên rẫy, ai cũng hồi hộp đợi chờ hôm nay để được thỏa thích niềm vui. Chặng đường 20km rất đỗi quanh co, uốn lượn, núi rừng vẫn còn yên giấc, dòng xe vẫn đi một cách trật tự, không mấy ai tỏ vẻ vội vàng.

Ngước lên, từ xa, phía lưng chừng dãy núi, bản Noọng Dẻ sáng bừng ánh điện, chắc hẳn bà con người Thái nơi đây cũng đang soạn sửa cho kịp phiên chợ hôm nay. Leo lên mấy khúc cua tay áo, Noọng Dẻ chợt hiện ra trong sương mờ, mọi người đang í ới gọi nhau để  xuất phát cùng lúc.

Bà con Noọng Dẻ thường buộc sau xe cuộn hàng thổ cẩm, là sản phẩm nghề dệt cổ truyền, được công nhận là làng nghề truyền thống, từ lâu đã có thương hiệu trong vùng. Bản nằm gần như chính giữa cung đường Mường Xén đi cửa khẩu Nậm Cắn nên việc tiêu thụ mặt hàng thổ cẩm cũng khá thuận lợi.

Chúng tôi tiếp tục qua bản Khánh Thành, Trường Sơn và Tiên Tiêu, đến đâu cũng cảm nhận được không khí háo hức của bà con, dù trời còn chưa sáng hẳn. Trường Sơn và Tiên Tiêu cách cửa khẩu không còn bao xa nên bà con người Mông ở đây từng tốp cuốc bộ qua chợ, trên tay xách nào gà đen, lợn đen và rau cải, vừa đi vừa cười nói rộn ràng, phấn khởi.

Tuột dốc Tiền Tiêu, trời vừa hửng sáng, lúc này chúng tôi mới cảm nhận hết không khí nhộn nhịp, đông vui của đồng bào Kỳ Sơn trong ngày vui phiên chợ. Chỉ còn cách vài trăm mét, bước qua cửa khẩu, bên kia cầu Nậm Cắn đã là nước bạn, chợ biên Đỉnh Đam cũng nằm ở ngay vị trí này. Trước kia, chợ nằm sâu trong nước bạn khoảng 1km, vừa được dời ra gần cột mốc biên giới mấy tháng nay nên việc giao thương có phần thuận lợi hơn. Mặt bằng của khu chợ mới cũng rộng rãi, bằng phẳng hơn nên việc quy hoạch, xây dựng cũng khang trang, sạch đẹp hơn. Đồng thời, tăng lên mỗi tháng 3 phiên (vào các ngày 10, 20, 30 dương lịch hằng tháng) thay vì 2 phiên (vào ngày 15 và 30 dương lịch hằng tháng) như trước. Điều này thể hiện rõ nhu cầu giao thương hàng hóa, giao lưu tình cảm giữa 2 bên ngày càng lớn, tất cả đều bắt nguồn từ việc đời sống kinh tế - xã hội được nâng cao, các mối quan hệ ngày càng được mở rộng.

Phía cửa khẩu nước bạn, dòng người đông đúc cũng đang tiến về khu chợ, nét mặt ai cũng phấn chấn, hân hoan, tay xách đủ các loại hàng hóa. Đằng sau, hàng loạt xe tải nhỏ nối đuôi nhau tiến vào chợ, trên xe chất đầy các mặt hàng nông sản như gạo nếp, gà đen, lợn đen và các loại rau, củ, quả. Xe tải và bán tải đã trở thành phương tiện khá phổ biến của người nông dân Lào nên vận chuyển được một khối lượng lớn hàng hóa đến phiên chợ, vừa dễ dàng, vừa thuận tiện, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì lẽ đó, người mua có nhiều cơ hội để lựa chọn, không còn lo khan hiếm hàng như trước.

Chợ của những sản vật

Khoảng 7 giờ sáng, sương tan gần hết, mọi người đã nhìn rõ mặt nhau cũng là lúc chợ biên bắt đầu đông đúc, nhộn nhịp. Các gian hàng đã được sửa soạn, bày biện tươm tất, những người buôn bán tự do cũng đã tìm được chỗ ngồi vừa ý. Khu vực dành cho các gian hàng ẩm thực lúc này náo nhiệt hẳn, những làn khói xanh tỏa ra từ những chiếc bếp khổng lồ, mùi thịt nướng thơm lừng vương vấn theo làn sương la đà. Lúc này, chúng tôi mới vỡ lẽ, nhiều người muốn đến với phiên chợ thật sớm, không chỉ muốn ngắm cảnh ban mai ở vùng biên viễn, mà còn kịp để thưởng thức bữa sáng ở nơi đây.

Những món đặc sản của đồng bào vùng cao như thịt gà đen, lợn đen nướng ăn cùng xôi nếp rẫy thơm phức thực sự hấp dẫn, không mấy ai có thể chối từ. Xôi được ủ kín trong ép còn nóng hổi, những miếng thịt chảy mỡ xèo xèo trên bếp được gắp ra, chỉ mới nhìn thôi đã thấy thèm. Trong cái lạnh của vùng biên, ngồi bên bếp lửa thưởng thức món ăn ấy, tưởng chừng như trên đời không có món nào ngon hơn.

Chúng tôi vào thưởng thức bữa sáng tại gian hàng của một phụ nữ người Lào có tên là Mè Nang, bà cho hay: “Tôi bán hàng ăn ở chợ biên đã gần 10 năm và biết rất nhiều người Việt. Người Việt đến chợ biên đều rất thích món thịt gà, thịt lợn nướng ăn với xôi. Tôi rất mong nhanh đến phiên chợ để bán hàng và để gặp người quen”.

Gian hàng bên cạnh là của chị Vi Thị Đắm ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn). Chị đăng ký thuê một gian hàng tại chợ biên để bán hàng ăn, nguyên liệu chế biến đều được mua từ nước bạn. Trước phiên chợ một ngày, chị Đắm lên đây sắm sửa mọi thứ để sáng hôm sau kịp phục vụ thực khách. Những gian hàng ẩm thực khách mỗi lúc một đông và thường kéo dài đến tận trưa, bởi ai đến đây cũng không muốn bỏ qua dịp được thưởng thức các món đặc sản mà không phải ngày nào cũng có.

Rời dãy hàng ẩm thực, chúng tôi dạo mấy vòng quanh khu chợ và được chứng kiến không khí mua bán náo nhiệt. Đa số người mua và người bán đều quen biết nhau, người Việt có thể nói bằng tiếng Lào và người Lào có thể giao dịch được bằng tiếng Việt. Và trong giao dịch, có thể thanh toán bằng cả tiền Lào và tiền Việt. Người Lào thường chọn mua quần áo ấm, cá biển và hàng thực phẩm đã qua chế biến. Còn người Việt không thể bỏ qua các mặt hàng đặc sản như nếp Lào, gà đen, lợn đen và cải Mông, dường như ai đến chợ cũng tìm cách khuân cho được một trong những thứ ấy về. Đặc biệt, mặt hàng lợn đen và gà đen gần như có chừng nào bán hết chừng ấy, ai đến muộn có thể sẽ không còn hàng.

Chúng tôi chứng kiến một gia đình người Lào chở trên xe tải 6-7 lồng gà với tổng số hơn 50 con, vừa đặt xuống đã có nhiều người lại hỏi mua, sau khoảng 30 phút số gà hết vèo.

Mua được 3 con gà đen, chị Vi Thi Xai ở bản Na Lượng (Hữu Kiêm, Kỳ Sơn) cho biết: “Mỗi tháng tôi lên chợ biên vài lần, lần nào cũng phải mua được mấy con gà để làm thịt mỗi khi có khách hoặc công việc gia đình. Mua gà ở đây tôi thấy yên tâm về chất lượng và nguồn gốc, vì những người bán tôi đều quen”.

Còn chị Kha Thị Minh ở bản Sơn Thành (Tà Cạ, Kỳ Sơn) một tay vừa xách mấy con gà nặng trĩu, tay kia xách một túi thịt lợn rõ to. Hỏi chuyện, chị Minh bộc bạch: “Đã lên đến đây thì tranh thủ mua, vì tôi tin là hàng “sạch” và đảm bảo chất lượng. Thịt lợn sẽ về chế biến ngay, cất một ít vào tủ lạnh để ăn trong tuần. Còn gà thì nhốt phía sau nhà để dùng vào những việc cần thiết”. Đúng như lời chị Xai và chị Minh, hầu hết người dân Kỳ Sơn đi chợ biên đều tìm mua thịt lợn và gà đen, không nhiều thì ít, ai cũng cố gắng có được bữa ăn ngon, mang đậm hương vị của núi rừng.

Càng về trưa, mặt trời lên cao, không khí càng ấm áp, niềm vui phiên chợ càng dâng đầy. Việc mua bán được tiến hành xong, nhiều người trở lại khu vực gian hàng ẩm thực để tranh thủ thưởng thức bữa trưa, vừa ăn, vừa nhâm nhi chén rượu và chuyện trò. Một người đàn ông ở Lào chia sẻ: “Nhờ có chợ biên và có khách hàng Việt Nam, gia đình tôi nuôi được từng nào gà bán hết từng đó. Phiên chợ nào tôi cũng đi, cũng bán hết hàng và thấy rất vui”.

Mặt trời đứng bóng cũng là lúc phiên chợ kết thúc, người Lào ngược về cửa khẩu nước bạn, người Việt xuôi về Cửa khẩu Nậm Cắn. Nét mặt ai cũng vui tươi, vì người bán đã hết hàng, người mua chọn được hàng mình ưng ý. Với chúng tôi, hương vị chợ biên còn vương vấn mãi.

Công Kiên

Năng lượng Mới 495