Cuộc quyết đấu giữa 2 cơ quan tình báo KGB và CIA (Phần 6)

14:44 | 28/03/2019

1,890 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chỉ huy trưởng phản gián KGB Viktor Cherkashin được yêu cầu có mặt tại Tòa Đại sứ Liên Xô vào tối 2-11-1985, một cách bất thường. Nhân viên KGB Stanislov Androsov chờ ông sẵn ở bãi đậu xe. Câu chuyện có lẽ nên bàn ở một bãi xe như thế này là an toàn nhất.

Ngày 18-12-1975, Shadrin được yêu cầu đến gặp chỉ huy KGB tại Vienna. Shadrin đồng ý hẹn gặp buổi thứ hai vào hai ngày sau. Tuy nhiên, từ lúc đó, không ai còn thấy Shadrin nữa. Lợi dụng sự rò rỉ báo chí, Washington sử dụng vụ Shadrin làm đòn ngoại giao.

Ngoại trưởng Henry Kissinger đặt vấn đề Shadrin với Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin. Năm 1976, vài tháng sau vụ mất tích Shadrin, căng thẳng bắt đầu leo thang. Điện hỏi trực tiếp Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev, Tổng thống Mỹ Gerald Ford được trả lời rằng nhân viên an ninh Liên Xô có gặp Shadrin tại Vienna vào ngày 18-12-1975 nhưng không hiểu tại sao Shadrin bỗng mất tích.

cuoc quyet dau giua 2 co quan tinh bao kgb va cia phan 6
Đại tá KGB Yurchenko

Đến đời Tổng thống Jimmy Carter, Leonid Brezhnev cũng trả lời tương tự. Số phận Shadrin tiếp tục nằm trong vòng bí ẩn cho đến khi Yurchenko đào tẩu sang Mỹ. Theo Yurchenko, Shadrin đã chết khi bị bắt cóc. Nhóm nhân viên KGB đánh thuốc mê Shadrin đã giấu đối tượng trong thùng xe trên đường vượt biên giới Áo.

Khi đến địa điểm quy định, người ta mở thùng xe và thấy Shadrin chết từ lúc nào. Nguyên nhân: Thuốc mê bị dùng quá liều... Khi kể câu chuyện Nicholas Shadrin, Yurchenko cảnh báo CIA phải tuyệt đối giữ kín và nhấn mạnh rằng KGB không bao giờ để yên một khi biết Yurchenko bôi nhọ họ.

Tuy nhiên, Mỹ lập tức vớ vụ Shadrin – không cần kiểm chứng đúng hay sai – lấy làm cái cớ đắc ý tung ra chiến dịch tuyên truyền tấn công Liên Xô trên mặt trận ngoại giao. CIA kích động báo chí Mỹ vào cuộc. Đến lúc đó, Yurchenko mới nhận ra rằng mình bị CIA chơi xỏ lá.

Washington DC, 31-10-1985. Burton Gerber ra lệnh bảo vệ kỹ Yurchenko, đề phòng KGB thực hiện chiến dịch ám sát đối tượng. Ngày 2-11-1985, Yurchenko yêu cầu nhân viên CIA Tom Hannah (phụ trách bảo vệ mình) đưa đi mua sắm.

Hai người đến cửa hàng quần áo Hecht’s tại Manassas (bang Virginia). Kế đó, Yurchenko đòi đi ăn tại nhà hàng Au Pied de Cochon. Trong bữa ăn, Yurchenko xin ra ngoài một lúc. Tay nhân viên CIA Hannah, trẻ và thiếu kinh nghiệm, đã không mảy may nghi ngờ và tỉnh bơ ngồi đợi.

Sau này, CIA mới phát hiện trong buồng thay quần áo tại cửa hàng Hecht’s có một máy điện thoại công cộng và người ta tin rằng Yurchenko đã dùng nó để liên lạc với KGB tại Sứ quán Liên Xô. Suốt đêm đó, FBI và CIA lùng sục khắp Virginia. Vẫn không thấy bóng dáng Yurchenko...

Cú đấm bồi

Chỉ huy trưởng phản gián KGB Viktor Cherkashin được yêu cầu có mặt tại Tòa Đại sứ Liên Xô vào tối 2-11-1985, một cách bất thường. Nhân viên KGB Stanislov Androsov chờ ông sẵn ở bãi đậu xe. Câu chuyện có lẽ nên bàn ở một bãi xe như thế này là an toàn nhất.

cuoc quyet dau giua 2 co quan tinh bao kgb va cia phan 6
Đại tá KGB Yurchenko lên máy bay Nga

Gần như thì thầm, Androsov thông báo về sự trở lại bất ngờ của Yurchenko. Cherkashin giật mình. Ông vội vã vào bên trong Tòa Đại sứ. Yurchenko đang bị canh giữ bởi một sĩ quan an ninh. Lấy hết bình tĩnh, Cherkashin nở nụ cười và ôm chầm Yurchenko.

Tại chỉ huy sở CIA, người ta vẫn không nhận được tin gì và sự bí mật nặng nề chỉ được giải tỏa vào khoảng 3 giờ chiều 3-11-1985, khi giới báo chí Mỹ được mời dự cuộc họp báo tại Tòa Đại sứ Liên Xô. Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó vẫn không biết ất giáp gì khi nhận được bức thư chính thức từ Sứ quán Liên Xô, chỉ trích “hành động tội ác nhằm vào V. S. Yurchenko”.

Tại buổi họp báo đầy phóng viên Mỹ, nhà báo nước ngoài cũng như viên chức ngoại giao Liên Xô, Yurchenko kể rằng “... tôi bị một nhóm lạ mặt đánh thuốc mê, bắt cóc tại Rome. Bất tỉnh, tôi được đưa về Mỹ. Tại đây, tôi bị cách ly và bị khước từ liên lạc với đại diện Liên Xô...”.

Tại tổng hành dinh CIA, trong phòng Gerber, nhóm viên chức cấp cao thuộc bộ phận gián điệp Liên Xô-Đông Âu theo dõi buổi truyền hình trực tiếp cuộc họp báo. Hầu hết đều im lặng, cho đến khi Yurchenko kể đến đoạn mình bị CIA tra tấn. Paul Redmond thốt lên: “Hắn đang dùng chiêu Bitov!”.

Redmond ám chỉ điệp viên Liên Xô Oleg Bitov, đào tẩu sang Anh năm 1983 nhưng một năm sau lại quay về KGB. Bitov cũng nói mình bị (tình báo Anh) bắt cóc và bị ép dùng thuốc kiểm soát thần kinh trong suốt một năm...

Trên truyền hình, Yurchenko tiếp tục kể, về tờ hợp đồng mà CIA buộc mình ký, trong đó Yurchenko nhận 1 triệu USD tiền thưởng, trợ cấp 62.500 USD/năm (“có điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát”) và 48.000 USD dùng sắm vật dụng sinh hoạt.

Với CIA, không còn gì có thể tệ hơn. Vụ Yurchenko là cú đấm bồi gây choáng váng, xảy ra gần như cùng lúc với hai vụ tương tự. Tại Kabul (Afghanistan), một sĩ quan quân đội Liên Xô bất ngờ đến Tòa Đại sứ Mỹ xin tị nạn chính trị.

Suốt nhiều tuần, Mỹ từ chối yêu cầu giao lại tay sĩ quan cho Liên Xô. Thế rồi, bỗng nhiên tay sĩ quan nằng nặc đòi trở lại hàng ngũ mình. Vụ thứ hai liên quan một thủy thủ Liên Xô nhảy sang một tàu Mỹ và rồi sau đó cũng xin trở về... Tóm lại, vụ Yurchenko đã đưa ra bằng chứng cuối cùng cho thấy có gì đó bất ổn trong cách Mỹ sử dụng thành phần đào tẩu từ Liên Xô.

Tuy nhiên, ngày 5-11-1985, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn thuyết phục Yurchenko trở lại với CIA. Yurchenko từ chối. 16 giờ 15 ngày 6-11-1985, tại phi trường Dulles, trong chiếc áo mưa Burberry, Vitaly S. Yurchenko bước lên thang chiếc máy bay Aeroflot; ngập ngừng rồi quay lại, mỉm cười vẫy tay chào vài nhân viên FBI và CIA đứng bên dưới, trông như “quen quen”...

(Còn tiếp)

Thiên Phú