Cuộc đấu năng lượng nguyên tử giữa Nga và Mỹ tại Trung và Đông Âu

19:00 | 09/12/2012

2,870 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuộc cạnh tranh giành thị trường xây dựng các nhà máy điện nguyên tử tại các nước Trung và Đông Âu giữa Nga và Mỹ đang ngày càng quyết liệt. Với mong muốn giúp các nước này giảm tối đa sự lệ thuộc năng lượng vào Nga, Mỹ sẵn sàng phái các quan chức cấp cao đi mặc cả hoặc gây sức ép.

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã trực tiếp nhảy vào cuộc giành giật dự án mở rộng nhà máy điện nguyên tử Temelin của Cộng hòa Séc. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ cho rằng hợp đồng trị giá 10 tỷ USD này cần phải thuộc về tập đoàn Westinghouse chứ không phải là Cơ quan xây dựng và xuất khẩu nguyên tử Nga Atomstroiexport.

Bên cạnh đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử Nga cũng lo ngại về sự bành trướng trong lĩnh vực khai thác khí đá phiến của Mỹ và đang tìm cách giảm giá thành sản xuất  mỗi kw/h điện năng tại các nhà máy điện nguyên tử do Nga xây dựng để lấy lại lợi thế cạnh tranh.

Dự án mở rộng nhà máy điện nguyên tử Temelin, Séc, đang là "sàn đấu" giữa các công ty năng lượng nguyên tử của Nga và Mỹ 

Phát biểu họp báo sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Séc Carel Shvartsenberg, bà Hillary tuyên bố Mỹ không dự định can thiệp để hỗ trợ Westinghouse trong dự án mở rộng nhà máy điện nguyên tử Temelin vì tin tưởng tập đoàn này có công nghệ tốt và độ an toàn cao. Bà Hillary còn thảo luận vấn đề an ninh năng lượng với các quan chức Liên minh châu Âu tại Bruxelles (Bỉ).

Theo các thành viên đoàn đại biểu Mỹ, dự án này sẽ tạo ra khoảng 9 nghìn việc làm tại Mỹ và giúp Séc giảm sự lệ thuộc năng lượng vào Nga. Hiện Séc đang nhập từ Nga 60% dầu mỏ, 70% khí đốt và 100% nhiên liệu hạt nhân. Các đại diện Nga đang cố gắng xua tan mối lo ngại lệ thuộc vào năng lượng của nước này và hứa trong trường hợp thắng thầu sẽ dành cho các công ty Séc những hợp đồng tái thầu béo bở. Hiện Tập đoàn năng lượng nhà nước Séc (CEZ) đang dự kiến xây dựng thêm 2 lò phản ứng tại nhà máy điện nguyên tử ở Temalin. Westinghouse hiện đang cạnh tranh quyết liệt với công ty Atomstroiexport của Nga đề giành giật dự án này. CEZ muốn ký hợp đồng vào cuối năm 2013 và tháng 10 vừa qua, công ty này đã từ chối đề nghị của tập đoàn Areva của Pháp vì không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản.

Mỹ đặc biệt nhấn mạnh uy tín cao của Westinghouse dưới góc độ an toàn hạt nhân, có tính đến những lo ngại rủi ro sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima vừa qua. Trao đổi với tờ Độc lập (Nga), Giám đốc điều hành Công ty “2K - Kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp”, Ivan Andrievski cho rằng việc so sánh công nghệ của Westinghouse và Atomstroiexport là rất khó khăn. Các lò phản ứng mà Nga định lắp đặt tại nhà máy điện nguyên tử của Séc đã được khai thác thành công ở Nga và Trung Quốc, trong khi Westinghouse của Mỹ và Areva của Pháp không có kinh nghiệm như vậy.

Westinghouse hiện đang kết thúc dự án đầu tiên với các lò phản ứng AP-1000 ở Trung Quốc nhưng nhà máy này chỉ bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2013. Trong khi đó, Areva cũng đang xây nhà máy điện nguyên tử với các lò phản ứng mới tại Phần Lan nhưng tiến độ đang bị chậm và có nguy cơ nâng cao giá trị hợp đồng ban đầu. Rõ ràng trong bối cảnh như vậy, Atomstroiexport có ưu thế lớn. Các lò phản ứng của Nga có độ an toàn và tin cậy cao. Những tập đoàn chưa có kinh nghiệm khai thác khó có thể đưa ra các dự án cạnh tranh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho biết Mỹ có các công cụ vận động hành lang có thể giúp Westinghouse thắng thầu. Cụ thể, nhiệm vụ chiến lược của Chính phủ Séc là đa dạng hóa thị trường cung cấp năng lượng. Trong bối cảnh phần lớn các nguồn năng lượng của Séc nhập từ Nga thì việc Nga tiếp tục gia tăng vai trò trên thị trường Séc là điều chính phủ nước này hoàn toàn không mong muốn.

Ông Ivan Andrievski nhận định rằng việc xác định ai sẽ thắng trong cuộc giành giật này là tương tối khó khăn. Nếu xét từ góc độ kinh tế và kinh nghiệp hợp tác Séc - Nga trong lĩnh vực nguyên tử, các mối quan hệ sẵn có và các lò phản ứng tin cậy thì Atomstroiexport có ưu thế hơn hẳn. Nhưng nếu xét từ góc độ Chính phủ Séc muốn đa dạng hóa thị trường cung cấp năng lượng thì Westinghouse lại ở vị trí số một.

Bổ sung cho nhận định này, Giám đốc viện năng lượng quốc gia Nga Sergey Pravosudov cho rằng vấn đề xây dựng nhà máy điện nguyên tử còn nói lên nhiều điều: “Người Mỹ muốn các nước Đông Âu không bị lệ thuộc vào các nguồn cung nguyên nhiên liệu từ Nga và sẽ sử dụng mọi biện pháp và công cụ để đạt được mục đích này. Chính phủ Séc hiện đang chịu áp lực mạnh mẽ từ phía Mỹ và rất khó để có được sự lựa chọn hoàn toàn chủ quan.

Cùng chung nhận định trên, nhà phân tích Lilia Brueva từ Investcafe cho rằng bối cảnh xung quanh dự án điện nguyên tử Temelin đang được sử dụng với mục đích giảm ảnh hưởng của Nga trên thị trường năng lượng nguyên tử thế giới. Nhiều nước châu Âu đang mong muốn giảm sự lệ thuộc vào Nga. Ví dụ trong dự án Visagin ở Litva, mặc dù dành thầu cho Nga sẽ có lợi hơn song nước này vẫn lựa chọn nhà thầu khác. Trong dự án Temelin, Chính phủ Séc cũng sẽ chịu áp lực chính trị nặng nề từ phía Mỹ.

Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu nguyên tử Nga còn thấy mối đe dọa không chỉ từ phía ngoại giao Mỹ mà còn ở việc thị trường khai thác khí đá phiến đang tăng mạnh, tạo thách thức lớn cho lĩnh vực điện nguyên tử. Vì vậy Nga cần tính toán nâng cao hiệu quả vận hành, giảm giá thành sản xuất điện năng của các lò phản ứng để nâng cao tính cạnh tranh của ngành xuất khẩu năng lượng nguyên tử Nga. Tuy nhiên, để nâng cao công nghệ hiện có và kéo dài thời gian hoạt động của nhà máy là vấn đề không đơn giản.

S.Phương (Tổng hợp)