Cuộc cạnh tranh ẩm thực...

19:00 | 07/08/2014

2,495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hình ảnh những quán ăn đường phố (street food) thuần Việt dễ bị lu mờ bên cạnh vô số biển hiệu thức ăn nhanh (fast food) bắt mắt rực rỡ…

Dưới tác động của toàn cầu hóa, các thương hiệu thức fast food nước ngoài ngày càng phát triển ở Việt Nam, đặc biệt là trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy chỉ mới xuất hiện trong chục năm trở lại đây, thế nhưng fast food lại nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ẩm thực, gây sức hút mạnh mẽ hơn cả thức ăn đường phố của Việt Nam như bún, phở, bánh canh, miến…

Cuộc cạnh tranh giữa “gã khổng lồ” và “người tí hon”

Fast food và street food đều có chung đặc điểm về sự thuận tiện trong việc mua thức ăn chế biến sẵn mang đi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khác biệt về hai loại này ở Việt Nam. Xét về vị giác, fast food bắt nguồn từ Âu Mỹ nên không có sự nêm nếm đậm đà như các món ăn truyền thống của Việt Nam. Fast food được chế biến theo kiểu công nghiệp nên hầu hết thức ăn đều có mùi vị giống nhau trong khi street food lại đa dạng hơn trong từng món tùy theo kinh nghiệm riêng của người nấu.

Những cửa hàng fast food tọa lạc ở những vị trí đắc địa trên nhiều tuyến đường lớn, sở hữu không gian rộng rãi, trang trí bắt mắt và hiện đại. Ngược lại, các quán street food lại bày bán ở địa điểm ít thu hút hơn như vỉa hè, lề đường; cơ sở buôn bán mang tính di động với vài bộ bàn ghế nhựa, quầy thức ăn gọn nhẹ, có nơi chỉ dùng xe đẩy để phục vụ. Theo đó, một phần ăn fast food giá cao gấp ba, bốn lần so với những món ăn đường phố cũng là chuyện dễ hiểu.

 

Thức ăn đường phố được trình bày khá hấp dẫn

Một điểm khác biệt nữa giữa fast food và street food chính là thương hiệu. Nhắc tới thức ăn nhanh, người ta có thể nghĩ ngay đến Mc Donald’s, KFC, Lotteria… nhưng lại hiếm khi nhớ tên thương hiệu Việt nào của thức ăn đường phố.

Các thương hiệu fast food có lịch sử kinh doanh lâu đời và nguồn vốn đầu tư lớn, lan rộng với hàng trăm chuỗi thức ăn nhanh trên toàn cầu. Họ có những chiến dịch quảng bá hình ảnh rầm rộ, nhiều khuyến mãi ưu đãi dành cho thực khách và tính liên kết cao giữa các chi nhánh khác trong thành phố.

Trong khi đó, các quán street food chỉ hoạt động đơn lẻ dựa theo nguồn tài chính của cá nhân, dùng phương thức truyền miệng để quảng cáo là chính và không có sự ổn định trong kinh doanh. Điều này đã làm cho những món ăn truyền thống bị lép vế ngay trên chính sân nhà trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường ăn uống ở Việt Nam.

Khi quán ăn không chỉ để ăn…

Dạo một vòng quanh các cửa hàng fast food, điều dễ nhận thấy là thực khách ở đây thường đi theo nhóm bạn, gia đình hoặc công ty. Nếu ở nước ngoài, người ta chủ yếu mua fast food vì tính tiện lợi, nhanh gọn thì ở Việt Nam, những người đến đây lại dành rất nhiều thời gian để thư giãn, trò chuyện.

Anh Quân (30 tuổi, kỹ sư) chia sẻ công ty anh thường tổ chức các sự kiện sinh nhật, tiệc tùng ở những cửa hàng thức ăn nhanh khoảng hai tháng một lần. Ban đầu, anh không thích fast food nhưng dần dần, đây lại trở thành điểm đến ưa thích của anh mỗi khi rảnh rỗi.

Chị Thủy (bán hàng) cho biết các con chị rất thích ăn gà rán nên vào các dịp cuối tuần, chị thường dẫn cả gia đình đến những cửa hàng đồ ăn nhanh.

 

Nhiều người đến với fast food vừa thưởng thức ẩm thực vừa tụ họp gia đình, bạn bè

Điểm dễ dàng nhận thấy là khách đến những tiệm fast food không chỉ bởi vì chất lượng thức ăn mà còn để tìm kiếm không gian thư giãn cùng bạn bè và người thân. Đây là nhu cầu hầu hết các quán street food không thể đáp ứng được bởi cách lựa chọn, bài trí không gian vẫn chưa được chú trọng và phục vụ chủ yếu cho việc ăn uống là chính.

Ngoài ra, khách đến cửa hàng fast food còn để trải nghiệm cảm giác mới lạ. Phương (24 tuổi, nhân viên) là một khách hàng thường xuyên của các cửa hàng fast food cho biết: “Khi ăn thức ăn nhanh, mình có cảm giác giống như người nước ngoài, cũng chuyên nghiệp và hiện đại như họ”. Bên cạnh đó, anh cũng cho rằng mức độ an toàn thực phẩm của fast food cao hơn so với món ăn trên vỉa hè, tốt cho sức khỏe hơn. Như vậy, chất lượng thức ăn chỉ là một phần nhỏ để thu hút khách hàng. Những yếu tố khác như không gian, phục vụ, trải nghiệm mới… chính là điểm quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi fast food ở Việt Nam.

Thức ăn đường phố có nhiều cơ hội?

Thạc sĩ xã hội học Lâm Thị Ánh Quyên, giảng viên trường Đại học Mở TPHCM cho rằng: “Thị hiếu ăn uống vốn hình thành khi đứa trẻ còn nhỏ, phụ thuộc vào môi trường xã hội, thành phần, tầng lớp xã hội… Đúng là có một bộ phận giới trẻ rất ham mê những món ăn fast food, hoặc nhiều cha mẹ thường chiều chuộng con mình bằng cách mua hoặc đưa con đến những cửa hàng fast food, điều này sẽ dần dần hình thành thói quen và thị hiếu ăn uống của trẻ em. Nhưng fast food khá đắt ở Việt Nam. Có chăng chỉ có một bộ phận giới trẻ và những gia đình có tiền mới có điều kiện ăn uống thường xuyên loại thức ăn này. Bộ phận còn lại chỉ có thể thỉnh thoảng, một vài lần ghé thăm hoặc thậm chí chưa bao giờ”.

Thạc sĩ Lâm Thị Ánh Quyên tỏ ra lạc quan: “Nếu nói rằng giới trẻ ngày nay quay lưng lại với những món ăn truyền thống của mình, điều này không chính xác. Cũng đã rất nhiều bạn trẻ thuộc làu làu những địa chỉ về những nơi buôn bán những món ăn truyền thống, cho dù nó ở một con hẻm nhỏ trong lòng một đô thị lớn”. Bằng chứng là các trang web giới thiệu địa điểm ăn uống có uy tín như foody.com, diadiemanuong.com… vẫn liên tục đăng bài về nhiều quán ăn Việt Nam bình dân và nhận được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ”.

Các hàng quán thức ăn đường phố thường không bắt mắt, hấp dẫn bằng fast food

Tuy nhiên, bà cũng lo ngại rằng: “Nếu như một bộ phận các bậc cha mẹ không ý thức được những tác hại của thức ăn nhanh, vô hình chung góp phần hình thành thói quen và thị hiếu cho con em mình. Đây là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến căn bệnh béo phì của thời hiện đại”.

Mặc dù fast food ngày càng thu về nhiều lợi nhuận nhưng không vì thế mà street food Việt Nam mất hẳn hy vọng. Các thương hiệu ẩm thực Việt đang dần có chỗ đứng trong thị trường. Bánh mì Việt Nam đã được xếp vào danh sách những món ăn đường phố ngon nhất trên thế giới. Nên chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng mà street food mang lại.

Điều cần thiết hiện nay chính là sự liên kết để tạo dựng thương hiệu riêng cho món ăn Việt, phát triển thành các chuỗi cửa hàng, đảm bảo tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy thì các món ăn đường phố Việt Nam mới có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh với những cửa hàng fast food.

Nguyễn Hồng Vy