Cụ bà gần 20 năm không ngủ

07:04 | 03/11/2015

962 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Lúc trước chồng tôi còn sống, tối đến hai vợ chồng tâm sự vui lắm, đêm như ngắn lại. Từ ngày ông mất rồi, không còn ai nói chuyện, chỉ còn mình tôi nằm chờ trời sáng, thấy đêm sao dài quá”.

Đó là lời tâm sự của bà Trần Thị Bảy (SN 1940, trú tại thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) khi nói về căn bệnh mất ngủ hơn 20 năm của mình. Dù đã cố gắng chạy chữa nhiều nơi, uống đủ loại thuốc khác nhau nhưng suốt 20 năm, giấc ngủ vẫn chưa một lần tìm về với bà Bảy, dù chỉ là một giấc ngủ ngắn ngủi.

Bao nhiêu năm qua, bà chỉ có một niềm mơ ước nhỏ nhoi là có thể chợp mắt dù chỉ một vài phút nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Ước mong đó ngày càng trở nên xa vời hơn, khi giờ đây sức khỏe của bà càng ngày càng yếu đi.

“Tôi đã ăn và uống đủ thứ thuốc theo lời mách bảo của mọi người, cũng đi khắp nơi để chữa trị nhưng giấc ngủ vẫn không trở lại. Chắc từ nay đến cuối đời tôi vẫn không thể nào chợp mắt được”, bà Bảy buồn bã nói. 

ba lao gan 2 thap ky khong ngu

Bà Trần Thị Bảy và con gái Nguyễn Thị Phượng (áo vàng)

20 năm trước, dù không đau ốm hay có biến cố gì đặc biệt, bỗng nhiên bà Bảy khó ngủ. Cứ nghĩ đó là triệu chứng bình thường của tuổi già nên bà không lo lắng lắm. Thế rồi dần dần thời gian ngủ của bà càng bị thu hẹp lại và từ hơn 20 năm nay hoàn toàn mất hẳn. Ai mách bảo ăn gì hoặc uống gì để dễ ngủ, dù xa tận đâu bà cũng đi tìm, đắt đỏ mấy bà cũng bỏ tiền mua. Từ thuốc Nam đến thuốc Bắc, thuốc Tây, bà đều đã dùng qua nhưng giấc ngủ của bà vẫn một đi không trở lại. Khi thấy việc mất ngủ của bà trở nên trầm trọng, con cái đã đưa bà đi khắp nơi chữa nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Tháng 8/2015, con trai bà, anh Lê Quý Thuận (đang sinh sống tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) có về đưa bà vào trong Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) để chạy chữa hi vọng sẽ mang giấc ngủ một lần tìm về với mẹ. Thế nhưng, chữa trị hơn hai tháng vẫn không có kết quả gì nên bà Bảy bỏ về.

“Tôi sợ bệnh tình không hết mà tốn tiền con cái, khổ con khổ cháu nên tôi về. Thương con tôi mới đi cho nó vui, chứ tôi biết tôi không còn ngủ được nữa”, bà Bảy nói trong âu sầu.           

Chị Lê Thị Quyên (SN 1964, con gái bà Bảy) cho biết: “Bây giờ, mẹ tôi không muốn đi đâu để chữa trị cái căn bệnh quái lạ này nữa. Những năm qua, bà đã đi không biết bao nhiêu nơi rồi. Nơi nào họ cũng nói là không có bệnh, chỉ bị mất ngủ bình thường thế thôi, rồi cho thuốc về uống. Nhưng uống loại này qua loại khác mà có tác dụng gì đâu”.

ba lao gan 2 thap ky khong ngu

Bà Bảy chỉ mong trời sáng để được làm việc

Bây giờ bà đã từ bỏ việc chữa trị và chấp nhận sống cuộc đời chỉ có “ban ngày”. Dù đã 75 tuổi và hơn 20 năm nay không một phút chợp mắt nhưng bà Bảy vẫn khỏe mạnh. Bà bảo đó là nhờ bà cố ăn để níu giữ sức khỏe. Dù có ngon miệng hay không bà cũng gắng ăn đủ ngày ba bữa và không để bụng đói bao giờ. Nhìn dáng người gầy nhỏ, ốm yếu của bà khó ai tin rằng đến tuổi này bà vẫn một mình quần quật với 2 sào ruộng và một đàn heo.

Chị Lê Thị Kim Phượng (SN 1970, con gái bà Bảy) chia sẻ: “Sợ mẹ vất vả nên nhiều lần tôi bảo bà đừng làm nữa để cho vợ chồng thằng sáu làm nhưng mẹ tôi nhất quyết không chịu. Bà bảo, cứ để bà làm chứ nằm mà không ngủ được lại buồn tay, buồn chân khó chịu lắm”.

Bà Bảy hiện đang chung sống với gia đình người con trai thứ sáu. Để không ảnh hưởng đến con cháu trong gia đình, hàng đêm, khi mọi người đi ngủ, bà cũng lên giường nằm và tắt điện. Nhưng trong bóng tối, dù mắt bà nhắm hay mở thì giấc ngủ vẫn không hề đến. Ai đã thức đêm mới biết đêm dài.

Bà Bảy bảo khi mặt trời xuống núi là lúc bà bắt đầu bước vào thế giới của riêng mình, cô đơn, lạnh lẽo. Hết trở mình lại nằm lắng nghe tiếng thạch sùng tắc lưỡi và đếm tiếng lá rơi. Dù sức khỏe không mấy ảnh hưởng nhưng khuôn mặt bà Bảy lộ rõ sự mỏi mệt vì những đêm triền miên thức trắng. Bà chỉ vui khi nghe tiếng gà gáy sáng. Mặc dù ban ngày phải làm lụng vất vả nhưng bà vẫn mong trời sáng vì như thế bà mới được nói, được cười với mọi người, được thoát khỏi thế giới đêm đen dài vô tận.

“Bây giờ đến cuối đời, tôi chỉ mong sao được chìm vào giấc ngủ say như 20 năm trước dù chỉ một lần, có phải tốn bao nhiêu nữa tôi cũng cam chịu” - bà Bảy nói trong nghẹn ngào.

Hoàng Kính