Conte chê Abramovich vung tiền bừa bãi: Đừng dạy tỉ phú cách tiêu tiền

13:57 | 28/08/2016

1,664 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên Daily Star, HLV Conte cảnh báo ông chủ Abramovich hãy dừng thói vung tiền bữa bãi. Trong thời buổi nhiễu nhương, một cầu thủ trung bình cũng có giá hàng chục triệu bảng. 
tin nhap 20160828132009
Đối với Abramovich, bóng đá cũng chỉ là trò chơi

Lời nhắn nhủ của Conte kể cũng có lý, xuất phát từ tấm lòng của một HLV tận tụy, hết mình và trách nhiệm với công việc. Nhưng liệu Conte có hiểu, phản ứng của Abramovich khi nghe xong thông điệp ấy sẽ là gì? Vả lại, liệu Abramovich có thật sự bận tâm tới nhắn nhủ của Conte hay không?

Bóng đá, nói tới bản chất vấn đề, là trò tiêu khiển, giải khuây dưới lăng kính của tỷ phú người Nga. Ông không chơi thì thôi, chứ đã chơi là chơi hết mình, chơi tới bền. Vì đằng sau bức tranh nhung lụa mà Chelsea đã thêu dệt hơn 10 năm qua là cả những thăng trầm, trắc trở và đau đáu của nhà tài phiệt giàu lên nhờ trục lời từ quá trình cơ hữu hóa.

60 TRIỆU BẢNG VÀ 1 CHAI NƯỚC SUỐI

Không nhiều người biết rằng, Abramovich nói tiếng Anh vô cùng thuần thục. Ông hiếm khi trả lời báo chí, còn đã ra mặt thì luôn nói bằng tiếng Nga, đứng kế bên là phiên dịch viên tin cậy.

Có luật bất thành văn trong đế chế Abra, là không ai được phép nói tiếng Anh. Mọi giao tiếp đều thực hiện bằng tiếng Nga. Số phóng viên hiếm hoi có dịp tiếp cận Abramovich đều chung nhận định, Abramovich dường như cố gắng giấu một bí mật nào đó về con người thật của mình.

Hoặc không, ông cũng hạn chế để lộ tối đa những sơ hở, tạo điều kiện cho cánh săn tin đào sâu, bới móc làm ảnh hưởng tới đời tư và công việc làm ăn.

Trước khi thâu tóm Chelsea, Abramovich đã bay sang Tây Ban Nha (TBN) và Italia thăm dò thị trường. Tuy nhiên, sau hồi lâu suy xét, ông đành bỏ từ ý định thiết lập cơ sở ở Nam Âu.

Các CLB Italia thường nằm dưới sự kiểm soát của những đại gia đình nhiều thế hệ, chân giá trị phải đi kèm với yếu tố “cha truyền con nối”. Ngược lại, bóng đá TBN thời ấy bị điều khiển bởi CĐV, đám đông có tiếng nói đặc biệt quan trọng tới sự tồn tại của một đội bóng. Đức thì chưa từng nằm trong suy nghĩ của Abramovich, khi mọi thứ đều quá rõ ràng, minh bạch.

Tháng 4/2002, Abramovich tới Manchester theo dõi Man United. Sau trận đấu, Rio Ferdinand lái xe chở Abramovich ra sân bay quốc tế thành phố. Trong suốt chuyến đi, cựu trung vệ tuyển Anh bị ấn tượng mạnh mẽ bởi ông tỷ phú nhiều tiền nhưng vô cùng hào sảng và gần gũi. Ông hoạt ngôn, lại còn cùng đứa em 4 tuổi cùng cha khác mẹ của Rio hát những bài đồng dao trên xe.

Ít lâu sau, Abramovich trên chiếc trực thăng riêng tới London thăm khu dinh thự mới mua ở Knightsbridge. Gần đó là trụ sở của một CLB bóng đá. Ông hỏi: “Cái gì đây”. Phi công trả lời: “Chelsea đó”.

60 triệu bảng chồng lên bàn, một chai nước suối Evian, Abramovich nhanh chóng giành quyền kiểm soát The Blues từ tay Ken Bates tại khách sạn Dorchester.

tin nhap 20160828132009
Mới đây Conte đã cảnh báo ông chủ của munhf hãy ngừng tiêu tiền một cách hoang phí


VƯỢT QUA HÀNG TÁ “ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN”

Kết giao cùng Rio Ferdinand, thần tượng Thierry Henry và rốt cuộc, Abramovich chọn Chelsea? Bối cảnh của cuộc chuyển giao ấy là Chelsea ngập ngụa trong các khoản nợ không có khả năng thanh toán, được vị tỷ phú giang tay cứu giúp.

Nghe cũng xuôi tai, song khi sắp xếp các sự kiện theo trình tự tuyến tính, lại thấy một phép xâu chuỗi phi logic. Tóm lại, Abramovich mua Chelsea vì mục đích gì? Ông muốn lấy đấy làm bước đệm cho tham vọng chính trường, hay đánh bóng tên tuổi thông qua loại hình giải trí thu hút nhiều fan hâm mộ bậc nhất thế giới.

Không hẳn.

Những dữ kiện hình thành nên con người Abramovich cho biết, ông thuộc giới “giàu ngầm”, những “bóng ma” theo đúng nghĩa đen trên thương trường, lợi dụng kẽ hở pháp luật và thời thế làm giàu. Lại càng khó có chuyện Abramovich dùng tiền của mua thanh danh. Ở Chelsea, các cầu thủ gọi ông là “Mr A” chứ không nói hẳn tên tuổi, phần cũng vì tính kín đáo, hạn chế ra mặt của Abramovich.

Để có ngày hôm nay, Abramovich đã vượt qua hàng tá “địa ngục trần gian”. Mới 2 tuổi, Abramovich mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông mất mẹ vì sơ suất kỹ thuật trong quá trình phá thai, mất cha vì tai nạn lao động.

Abramovich phải vào cô nhi viện, nơi nạn “bài Do Thái” của hệ thống xã hội Liên Xô cũ hoành hành (Abramovich gốc Do Thái). Thái độ nghi kỵ và tư tưởng phân biệt trầm trọng tới mức Abramovich trở nên nhạy cảm quá mức, vô cùng thính nhạy trước những phản ứng dù là nhỏ nhất.

Ông luôn xuất hiện với cái miệng nhoẻn cười, như cố làm hài lòng đối phương. Abramovich ít nói, mà chủ yếu giao tiếp bằng ánh mắt.

Về sau, Abramovich được bác ruột, ông Leib đưa về Ukhta – cách Moscow 700 dặm về phía Đông Bắc nhận nuôi. Abramovich chưa bao giờ là nhân vật ưu tú trên phương diện học thuật, song hãy nhớ rằng, dòng máu Do Thái – chủng tộc thông thái nhất hành tinh vẫn ngự trị bên trong Abramovich. Ông sớm bộc lộ sự tinh quái, khả năng đọc tình huống và nắm bắt thời cơ.

Ukhta là cộng đồng sinh sống của những tù nhân chính trị cũ. Họ sống khép kín, tự sản xuất dịch vụ và trao đổi mặt hàng trong cuộc sống hàng ngày. Cũng như các hộ gia đình khác, xưởng gỗ của bác Leib chỉ đủ ăn đủ mặc.

Thay vì đi theo lối mòn, Abramovich đã âm thầm tuồn một lượng hàng nhất định ra thị trường, bán với giá chợ đen. Hết đại học, ông đã nắm trong tay cơ số vốn.

tin nhap 20160828132009
Để có ngày hôm nay ômg chủ Chelsea đã phải trải qua một quá khứ đầy khó khăn tủi nhục


“CON CỦA MẶT TRỜI”

Giới thương lái trong vùng đặt cho Abramovich biệt hiệu “Con của mặt trời”. Ông ta đi tới đâu, ánh sáng chiếu tới đó và dòng tiền đổ về dồn dập.

Thập niên 80 thế kỷ trước, đảng cầm quyền USSR do Mikhail Gorbachev đứng đầu mở cửa nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân gia nhập thị trường. Abramovich buôn mọi thứ, miễn sao ra tiền: Búp bê, lốp xe hơi, thuốc lá và thậm chí là… cung cấp dịch vụ vệ sỹ.

Cho đến một ngày, Abramovich tự phá vỡ giới hạn của một tay buôn “cò con”. Nhân quá trình tư hữu hóa, Abramovich mua dầu thô Xô Viết giá rẻ rồi bán cho bên thứ ba, quy đổi thành những đồng USD tươi rói.

Bằng cú hích dầu mỏ, Abramovich móc nối, kết thân với Boris Berezovsky – một oligarch (đầu sỏ kinh tế) tin cẩn trong chế độ của gia đình Yeltsin. Năm 1995, cặp bài trùng Berez-Abra bắt tay, thâu tóm 51% cổ phần tập đoàn dầu mỏ nhà nước Sibneft, tạo tiếng vang lớn trong giới kinh doanh. Ước tính, giao dịch phí vào khoảng 200 triệu USD.

Abramovich lại tiến thêm bước dài, tiếp cận thế giới chính trường nhiều cạm bẫy, nhưng đầy danh vọng, quyền lực và tiền tài. Năm 1999, Abramovich đích thân xông pha chiến trường, thực hiện khảo sát cử tri, bảo trợ tài chính cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Vladimir Putin.

Các học giả nổi tiếng cũng cho rằng, nhằm lấy trọn niềm tin của Putin, Abramovich về làm tỉnh trưởng tỉnh Chukhota, vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” tại Siberia. Ông cũng tích cực về với cội nguồn thông qua những chuyến thăm, tận tay tặng quà tộc người thiểu số Eskimo. Và tất nhiên, đằng sau bức tranh lung linh kia, nhóm phân tích tài chính phương Tây tin chắc, trợ giá chính phủ cho mức thuế ở Chukhota là lý do khiến Abramovich chấp nhận “gật đầu”.

BỘ ÓC MINH MẪN VÀ CÁI ĐẦU LÝ TRÍ

Abramovich hơn người ở chỗ, ông biết cách luồn lách, tìm đường về đích trước tiên dù là người bị bỏ lại ở những chặng xuất phát.

Năm 2000, đương kim tổng thống Putin tuyên bố: Giới oligarch hoặc rút hết “tay chân” khỏi chính trường, hoặc nhìn khối tài sản kếch xù “bốc hơi”. Berezovsky và Mikhail Khodorkovsky tưởng Putin “dọa dẫm”, trong khi Abramovich lập tức nhận ra bước đi tiếp theo của người đứng đầu điện Krelim.
Ông nhanh chóng bàn giao công việc, dọn dẹp tàn dư và tìm đường sang Anh Quốc. Tại đây, Abramovich chọn Chelsea làm “bãi đáp”, “điểm dừng chân an toàn”.

Kết quả: Sau 10 năm theo đuổi chiến dịch “bàn tay sắt”, chính phủ Putin đã tịch thu hơn 500 tỷ USD bị các ông trùm dầu mỏ làm thất thoát. Nhiều người phải chạy trốn, xin tị nạn chính trị. Riêng Abramovich vẫn ung dung thưởng ngoạn, tận hưởng cuộc sống trên chiếc du thuyền sang trọng, tới Stamford Bridge xem Chelsea mỗi dịp cuối tuần.

Abramovich không kinh nghiệm hơn những oligarch hết thời kia. Nhưng đổi lại, ông sở hữu bộ óc minh mẫn và cái đầu lý trí. Abramovich không cần khuếch trương hình ảnh, không cần xuất hiện trước báo giới và tuyệt nhiên, không bao giờ mạo hiểm cơ đồ cho trò chơi quyền lực. Ông âm thầm, bước từng bước chậm rãi nhưng vững chắc và luôn đi tới cái đích vạch sẵn.

tin nhap 20160828132009
Abramovich cùng Tônhr thống Nga Putin


CÓ MỘT ABRAMOVICH CUỒNG BÓNG ĐÁ

Thị trường Moscow, Yuri Luzhkov không ít lần đánh tiếng, nhiếc móc Abra rằng tại sao, ông không dùng tiền đầu tư cho thể thao nước nhà. Ngay lập tức, như động thái hòng xoa dịu những cái đầu nóng, Abramovich trích một phần trong quỹ Sibneft, bơm vào CSKA Moscow nuôi sống đội bóng thủ đô, thành lập học viện bóng đá toàn Nga và đài thọ tiền lương của HLV Guus Hiddink ở ĐTQG.

Bây giờ, quay trở lại vấn đề đặt ra: Tại sao Abramovich mua Chelsea, mà không phải CLB khác? Hay hiểu rộng hơn cũng được, là lý do nào khiến Abramovich đầu tư vào bóng đá? Chắc chắn, không bao giờ có chuyện đây là phi vụ làm ăn sinh lời, khi báo cáo tài chính của Chelsea luôn âm, và tiền đổ vào TTCN tăng theo cấp số nhân qua từng năm.

Derk Sauer, một người Hà Lan nhỏ bé song kiểm soát một phần quan trọng trong hệ thống báo chí, tuyên truyền thông tin tại Nga từng có dịp hiếm hoi trò chuyện với Abramovich, một Abramovich yêu bóng đá.

Sauer là chủ sở hữu của hai tạp chí ăn khách nhất nhì thế giới là Playboy và Cosmopolitan phiên bản Nga. Tay này sống trong căn biệt thự xa hoa ngoại ô Moscow, có con trai thứ là bạn đá bóng lâu năm với con trai của Abramovich.

Ngoài hai ấn phẩm chủ đạo, Sauer còn ra mắt một tạp chí bóng đá. Khổ nỗi, cuốn này dù trình bày bắt mắt, thông tin chuyên sâu song chẳng mấy ai mua. Sauer chấp nhận tình trạng đó, gọi là duy trì niềm đam mê túc cầu.

Cho đến một ngày (2005), khi Sauer đang ăn sáng ở Amsterdam, ông nhận cuộc điện thoại. Bên kia đầu dây, một người đàn ông tự xưng là độc giả trung thành của tạp chí. Sauer xin địa chỉ, hàm ý muốn cử phóng viên tới cảm ơn, tri ân bạn đọc lâu năm.

Tới nơi, họ mới ngã ngửa người kia là Abramovich. Bước vào nhà, trước mặt họ là chiếc tủ gỗ thửa riêng dùng để lưu trữ toàn bộ các số của cuốn tạp chí ế khách kia. Phóng viên tò mò nguyên cớ, Abramovich đáp: “Chỉ là tôi thấy chúng hay, muốn sở hữu chúng thôi”.

Theo Sauer, với Abramovich, bóng đá đơn thuần là đam mê. Ban đầu, Abramovich chọn Chelsea vì màn kết hợp giữa hai bên giúp che mắt tất cả, tạo cơ sở cho ông ta có quyền lưu vong vô thời hạn tại Anh. Nhưng sau cùng, Chelsea và bóng đá, vẫn chỉ là thú chơi của Abramovich, như bao thú chơi xa xỉ khác.

CONTE CHỈ VIỆC DÙNG, TIỀN CỨ ĐỂ ABRA LO

Conte, vì thế, không cần bận tâm tới cách Abramovich quản lý nguồn tiền. Ngay từ đầu, Abramovich đã xác định cuộc dạo chơi này là quá trình rải tiền năm này qua năm khác, trước khi nhận về sự thỏa mãn tinh thần.

13 năm ở Tây London, Abramovich bỏ ra cỡ 1 tỷ bảng vào Chelsea. Ông cũng sẵn sàng chi 1 tỷ bảng cho cô vợ Irina Malandina để đổi lại sự tự do. Vài chục triệu bảng, hay thậm chí cả trăm triệu nhằm nhò gì so với túi tiền không đáy, niềm yêu thích tột độ của Abra.

Bỏ 50 triệu bảng mua Torres hay 32 triệu bảng mua Batshuayi có thể là điên rồ với nhiều người. Còn với Abramovich, chỉ cần chút cảm nhận lờ mờ, ông chẳng ngại ngần rút ví.

Việc của Conte lúc này là giúp Chelsea có được những thành tích tốt nhất trong mùa giải 2016-2017.

Còn lại, cứ để Abramovich lo.

Cẩm Chi - Bongdaplus