Còn nhiều rủi ro ở kinh tế vĩ mô

11:00 | 13/04/2012

882 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là nhận định của Tiến sĩ Võ Trí Thành Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương. Các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp có thể coi như "một gói kích cầu nhỏ" để chống lại đình đốn sản xuất.

Một phân xưởng may của Hanosimex

Lạm phát và độ trì trệ

Tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm 2012 có dấu hiệu cải thiện, trong đó, cán cân thanh toán được hỗ trợ tốt hơn và dự trữ ngoại hối tăng lên, lạm phát tiếp tục giảm. Cụ thể, cán cân thanh toán được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo thặng dư khoảng 3 tỉ USD và Việt Nam có khoảng 20 tỉ USD dự trữ ngoại tệ – tương đương với gần 4 tháng nhập khẩu, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay giảm nhẹ.

Lạm phát có xu hướng giảm dần, thông tin CPI tháng 3-2012 của cả nước đã được công bố với mức tăng khá thấp chỉ có 0,16% so với cùng kỳ tháng trước, trong khi đó lạm phát tháng 3 năm 2011 đạt con số trên 2%. Như vậy nếu tính theo năm, lạm phát tháng 2 là 16,4% thì tháng 3 khoảng dưới 15%. Dự báo, nếu tính cả giá dầu thì lạm phát tháng 4 cũng khó tăng quá 1,5%. Lạm phát tính theo năm vì vậy nhiều khả năng còn xuống dưới 13%, ông Thành nhận định. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy lạm phát đang trên đà giảm tốc.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng rủi ro bất ổn vĩ mô còn hiện hữu, nằm ở lạm phát, ngành tài chính – ngân hàng và độ trì trệ của hoạt động kinh tế Việt Nam. Lạm phát tuy hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao và khả năng tái bùng phát là rất lớn do giá cả nhiều mặt hàng như gas, xăng, sữa… bắt đầu tăng trong tháng 2. Ông Thành khẳng định, cách đây khoảng 2 đến 3 tháng thì mục tiêu đưa lạm phát năm 2012 xuống dưới 10% là rất khả thi thì gần đây “có vẻ như cách nhìn về mục tiêu ấy đã không còn quá lạc quan như trước”, trong bối cảnh thị trường nội địa vừa gánh chịu đợt tăng giá mạnh của xăng, gas trong khi giá điện và tiền lương có thể cũng sẽ điều chỉnh tăng còn kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, nếu so sánh xác suất tương đối giữa khả năng lạm phát cao hơn 10% và khả năng giữ được lạm phát dưới 10% thì khả năng dưới 10% vẫn cao hơn, ông Thành tin tưởng. Ông cũng dẫn dự báo mới nhất của IMF cách đây vài ngày, cho rằng, năm nay lạm phát Việt Nam chỉ khoảng 9,5%. “Mức lạm phát này có thể thực hiện được, song vẫn phải cần 1 điều kiện, đó là không có những cú sốc từ bên ngoài quá lớn”, ông Thành nhận định.

Đồng thời, rủi ro của ngành tài chính – ngân hàng chưa giảm. Mặc dù đã xuất hiện những chuyển biến tích cực, chẳng hạn lạm phát được giữ ở mức hợp lý sẽ là một trong những điều kiện để NHNN hạ mặt bằng lãi suất, tháo gỡ nút thắt về tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp. Cùng với đó, việc thanh khoản của các ngân hàng đang dần cải thiện, các ngân hàng yếu được xử lý sẽ giúp cải thiện “sức khỏe” của toàn hệ thống, từng bước tiến tới loại bỏ hẳn trần lãi suất huy động… Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, NHNN vẫn cần phải thận trọng trong điều hành. Hiện có 9 ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản nhưng đã chịu sự giám sát chặt chẽ của NHNN, nợ xấu cuối năm 2011 ở mức 3,2-3,3%, 3 tháng đầu năm tăng lên khoảng 3,6% nhưng con số của thanh tra cao hơn, nợ xấu chưa dễ xử lý.

Khó khăn trong ngắn hạn

Trong khi đó, sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực còn rất khó khăn, thậm chí đình trệ. Có thể nhìn thấy sự khó khăn thông qua số lượng 79.000 doanh nghiệp đóng cửa, riêng TP HCM 10.000 doanh nghiệp và Hà Nội hàng trăm doanh nghiệp phá sản trong dịp tết là việc chưa từng có. Đồng thời, theo số liệu ước tính của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong quý I/2012, tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% (mức tăng thấp nhất kể từ quý I/2009). Điều này cho thấy, nền kinh tế đang đối mặt với sự suy yếu của cả sản xuất và tiêu dùng như tình trạng hồi đầu năm 2009. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp trong quý I/2012 chỉ tăng 4,1%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 14,1% của cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, mức tiêu thụ của người tiêu dùng và tổng cầu của toàn nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu chững lại. Diễn biến trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong ngắn hạn do ảnh hưởng của chính sách thắt chắt tiền tệ từ cuối năm 2011 đến nay. Chính vì vậy, rủi ro vĩ mô vẫn còn hiện hữu.

Để giải quyết vấn đề này hoặc để thị trường tự điều chỉnh, hoặc phải tác động đến thị trường. Theo ông Thành, năm nay là năm chính sách nghệ thuật của hai Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc NHNN. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố nếu không có cú sốc thì mỗi tháng lãi suất giảm 1 điểm phần trăm, cuối năm xuống 10%. Theo ông Thành, điều này chứng minh rằng NHNN vẫn hết sức thận trọng với rủi ro vĩ mô nhưng với phát ngôn này, ông Bình đã khiến người gửi tiền chuyển từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài hơn và rủi ro thanh khoản của các NHTM cũng phần nào giảm bớt.

Nhưng “chắc chắn lãi suất sẽ tiếp tục hạ”, các chuyên gia nhận định. Theo đó, vấn đề thanh khoản sẽ được giải quyết về cơ bản và khả năng giảm lãi suất xuống 10% sẽ cao hơn rất nhiều, nếu điều kiện tốt hơn có thể còn giảm mạnh hơn. Về đồng đôla, chính sách NHNN đảm bảo rằng tiền Việt vẫn hấp dẫn hơn, kể cả trong trường hợp hạ lãi suất, bỏ trần lãi suất tiền Việt. Song song với việc hạ lãi suất có thể hướng dòng vốn đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, xem xét giảm thuế VAT… Ông Thành cũng cho rằng, các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp có thể coi là “một gói kích cầu nhỏ” để chống lại tình trạng đình đốn sản xuất.

Các chuyên gia nhận xét từ quý I đến giữa quý II là đáy của hoạt động kinh tế. Hy vọng, nền kinh tế từ đó sẽ tăng trưởng nhanh nhằm thực hiện thành công kế hoạch năm 2012.

Thu Hằng

(Báo Năng lượng Mới số 111)