Còn đâu giống trầu cau ngon nức tiếng Nam Bộ

11:00 | 07/09/2015

1,718 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày trước dân Nam Bộ thường nói không cau ở đâu ngọt bằng cau ở 18 thôn vườn trầu. Không trầu ở đâu thơm, mềm bằng trầu ở 18 thôn. Thế mà với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì tương lai không xa, giống trầu cau ngon nổi tiếng ở xứ này sẽ còn lại trong ký ức.

Cách trung tâm TPHCM hơn 10 km là địa danh 18 thôn vườn trầu. Nếu đi theo tour du lịch thì xe chạy từ trung tâm Thành phố qua cầu Tham Lương, chạy khoảng 10 phút nữa là đến xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Con đường chính vào xã Bà Điểm được trải nhựa thẳng tắp đẹp, hai bên đường là nhà ống mọc san sát nhau. Nhưng phía sau con đường đẹp là những con hẻm nhỏ rộng khoảng 1,5m-2m với nhiều căn nhà cấp 4 có vườn cây xanh mát quanh năm, thi thoảng có nhà còn trồng ít trầu và một hàng cau.

hinh-1-1
Trầu cau bán ở chợ Bà Điểm, huyện Hóc Môn (ảnh: Thanh Thanh)

Đến nhà bà Thân gặp lúc nhà đang nấu cơm trưa với căn bếp thông ra đường hẻm thuộc ấp Trung Lân. Hỏi nhà bà có trồng trầu thì bà bảo không: “Ngày xưa tui không biết làm trầu đâu. Hồi đó tui đi làm công nhân ở xưởng dệt chẳng biết làm trầu là làm sao. Chị sang nhà bà Bảy đối diện kia. Bà ấy từng làm trầu rất giỏi ở ấp này”.

Tôi sang nhà bà Huỳnh Thị Bảy trạc 70 tuổi mà trông trẻ trung. Bà Bảy nhiệt tình mời khách vào nhà chơi và qua bà tôi được nghe câu chuyện làm trầu từ cách đây mấy chục năm ở xứ này.

Nhà bà Bảy từng có vườn trầu rộng đến mấy công đất nhưng sau giải phóng trồng trầu thu nhập không đủ sống nên gia đình bà bỏ trầu không trồng nữa mà chuyển sang trồng cây ăn trái. Bản thân bà Bảy thì gánh chè đi bán khắp xứ. Hỏi bà vì sao nghề cha ông để lại mà không nối nghiệp, bà trầm ngâm và cho biết thời điểm đó phân bón đắc quá trong khi trầu hái được thì bán rất rẻ, thu không bù được chi nên đành bỏ chứ theo nghề thì lấy gì mà sống.

Và vào thời đó, những gia đình nào đất ít, thiếu gạo ăn thì đều bỏ trồng trầu và chuyển sang trồng cây ăn trái. Những gia đình còn giữ lại vườn trầu là những gia đình khá giả, có nhiều đất và có gia đình như gia đình ông Tám Tô ở ấp Trung Lân 3 – Trung Lân 4 thì vẫn còn trồng trầu nhưng không nhiều.

Nghe kể cách trồng trầu thì mới thấy nghề này cũng lắm công phu. Trồng trầu quan trọng là khâu làm đất, bón phân, làm nọc… Trước năm 1975 thì dân vùng Bà Điểm chủ yếu dùng phân bò, phân ngựa để bón nhưng phân ngựa thì tốt hơn phân bò. Đồng thời, ngày ấy người dân cũng dùng phân tằm để bón trầu hoặc bánh dầu (xác dầu phộng sau khi ngâm cho lên men thì đem tưới lên cây trầu) rất tốt. Đến kỳ thu hoạch thì 10 ngày hái trầu một lần, sau bốn lần hái trầu liên tiếp thì làm phân cho trầu một lần.

hinh-1
Bà Huỳnh Thị Bảy (ấp Trung Lân, xã Bà Điểm) kể quy trình trồng trầu

Khi thấy tôi thắc mắc vì sao giờ đây các con đường vào hẻm đều nhỏ xíu như vậy thì bà phân trần, thời trước 1975 những con đường này xe ngựa đều vào được để chở trầu xuống bỏ mối ở Chợ Lớn. Sau này, người ta cứ xây nhà lấn dần, lấn dần riết đường còn một xíu. Ngày đó, vùng Bà Điểm là nơi cung cấp trầu cau chính cho Chợ Lớn, Bến Nghé. Rồi từ Chợ Lớn, Bến Nghé trầu cau Bà Điểm lại đi về hầu khắp Nam kỳ lục tỉnh.

Trầu cau ở đây nổi danh một thuở. Người ta nói không cau ở đâu ngọt bằng cau ở 18 thôn vườn trầu. Không trầu ở đâu thơm, mềm bằng trầu 18 thôn. Còn cau những vùng khác thường cứng, chát và trầu các vùng khác cũng ít mềm, ít thơm. Điều đó được chứng thực khi tôi ra chợ Bà Điểm cách nhà bà Bảy khoảng 500 mét, đến sạp bán trầu cau của bà Hà Thị Lập. Bà Lập bán trầu cau ở chợ Bà Điểm gần 30 năm cũng xác nhận trầu cau vùng này là ngon nhất xứ Nam Bộ này. Nhưng tiếc là giờ đây người dân lấy đất xây phòng trọ hết, có còn mấy người trồng trầu nữa đâu nên bà đành lấy trầu cau ở Cần Thơ, Sa Đéc về chợ Bà Điểm bán.

Còn chị Trần Thị Thu Hà là người nghiện ăn trầu đã 20 năm qua, nhà ở tận đường Hoàng Hoa Thám - quận Tân Bình thỉnh thoảng lại chạy xe qua chợ Bà Điểm mua trầu cau về ăn vì chị cũng cho rằng ở đây cau ngọt- trầu mềm, thơm. Giá bán thời điểm hiện tại khá rẻ, cau 20 ngàn đồng/10 trái. Để thấy rằng, nếu không có cách quy hoạch vùng trồng trầu cau vùng 18 thôn vườn trầu thì trong tương lai giống trầu – cau ngon nức tiếng đất Nam Bộ sẽ biến mất.

Bà Huỳnh Thị Bảy bảo ngày xưa ông bà nội chỉ chuyên trồng trầu, bán trầu và sống nhờ nghề làm trầu. Và thời điểm đó, ở 18 thôn này nhà nhà trồng trầu, người người làm trầu. Trong gia đình bà Bảy có ông chú ruột đi làm cách mạng, năm 1954 thì tập kết ra Bắc, hòa bình lập lại mới về Nam khi về hưu cũng về Bà Điểm sống và đã qua đời cách đây vài năm.

Nói về việc bán trầu ngày nay thì bà Lập cũng cho biết thêm, khoảng từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch hằng năm thì quầy trầu cau của bà bán rất chạy, vì đây là thời điểm đám cưới rất rộ, đa số người ta mua mâm trầu cau để làm lễ hỏi lễ cưới chứ giờ còn mấy ai ăn trầu cau đâu.

hinh-1-2
Những cây cau hiếm hoi ở xã Bà Điểm

Gặp chị Phạm Thị Út bán quán nước ven đường tại ấp Trung Lân, xã Bà Điểm thì chị nói cách đây khoảng 10 năm vùng này cũng còn nhiều nhà trồng trầu. Ba mẹ chị ngày ấy ở gần chợ Bà Điểm cũng có đến 30-40 công đất để trồng trầu nhưng giờ sau cũng nghỉ trồng trên 20 năm. “Hồi tôi 3-4 tuổi thì tôi còn ra vườn chơi, mẹ thì hái trầu. Giờ tôi đã 40 tuổi rồi”, chị Út nhớ lại.

Chị kể, nhà anh chị em đông, lớn lên lập gia đình thì ba má cho mỗi đứa một mảnh rồi tự mần ăn và không đứa nào chịu trồng trầu cả vì không đủ sống. Chị Út cũng cho biết là dân Bà Điểm giờ có đất hoặc là bán hoặc là xây nhà trọ hết cho thuê hằng tháng có thu nhập tốt hơn trồng trầu. Cứ một phòng trọ khoảng 20m2 cho công nhân thuê mỗi tháng cũng gần 1 triệu đồng. Xung quanh khu này, công nhân làm việc trong khu Công nghiệp Tân Bình, khu công nghiệp Hóc Môn về đây ở trọ rất đông, đô thị hóa hết rồi, còn đất ở đâu nữa mà trồng trầu với cau.

Với cái đà đô thị hóa nhanh như hiện nay thì giống trầu cau của 18 thôn vườn trầu nổi danh ở Nam Bộ một thuở sẽ dần dà biến mất.

T. Thanh (Năng lượng Mới)