Có "lạm phát" giáo sư?

07:00 | 24/02/2018

629 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2017, số người vừa được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) là 1.226, tăng 60% so với năm trước. Tuy nhiên, nghịch lý vẫn diễn ra khi thành tích nghiên cứu, công bố quốc tế của nước ta vẫn tiếp tục “khiêm tốn” so với các nước trong khu vực. 

Mỗi ngày thêm gần 4 giáo sư

Ngày 1-2-2018, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước vừa kết thúc kỳ họp thứ VII nhiệm kỳ 2014-2019 và cho biết, số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537, trong đó có 151 ứng viên GS và 1.386 ứng viên PGS. Qua 3 cấp xét duyệt, tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn là 1.226, trong đó GS là 85 người, PGS là 1.141 người. Người được công nhận đạt chuẩn chức danh GS trẻ nhất sinh năm 1982, đó là TS Phạm Hoàng Hiệp, công tác tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

co lam phat giao su
Việt Nam đang đào tạo, công nhận ồ ạt nhiều học hàm, học vị

Đánh giá về chất lượng GS, PGS năm nay, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cho rằng cao hơn hẳn các năm trước. Số các bài báo công bố quốc tế ở ISI và Scopus tăng lên. Độ tuổi trung bình của ứng viên giảm xuống (tuổi trung bình của GS năm 2016 là 55, năm nay chỉ 53). Trình độ tiếng Anh của các ứng viên tăng lên rõ rệt.

Ngoài ra, tỷ lệ ứng viên đang giảng dạy được phong GS, PGS tăng lên, số thỉnh giảng giảm đi; tỷ lệ GS, PGS đối với nữ tăng lên từ 28-29% (trước đây chỉ 25%) và có 1 phụ nữ dân tộc Nùng bên quân sự được phong PGS.

Tuy nhiên, câu chuyện số lượng GS, PGS được công nhận năm 2017 tăng đột biến so với những năm trước, tiếp tục trở thành đề tài được dư luận “mổ xẻ”. Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước cũng thừa nhận số lượng GS, PGS được công nhận tăng do năm 2018 sẽ có sự thay đổi về quy định phong GS, PGS nên tâm lý chung mong muốn đi về “chuyến tàu cuối”.

Theo Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, từ 1980 đến 2016, Việt Nam có thêm 11.000 GS, PGS. Trong đó, năm 2015 có 522 GS, PGS; năm 2016 có 703 GS, PGS và năm 2017 có 1.266 GS, PGS.

Theo quy định mới về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận chức danh GS, PGS, ứng viên phải có ít nhất 1-2 bài báo công bố quốc tế. Quy định này được xem là rào cản lớn nhất đối với các trí thức hiện nay, bởi đối với nhiều người, năng lực ngoại ngữ có hạn, đề tài không hấp dẫn, không có tính khoa học cao… chính là lý do khiến các bài báo khoa học bị tập san quốc tế từ chối đăng tải. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, nếu áp dụng quy định này một cách chặt chẽ, có thể loại 50-70% ứng viên so với hiện nay.

Và cũng không ngạc nhiên khi đã có người còn ví von cuộc xét hồ sơ ứng viên GS, PGS năm 2017 giống như “chuyến tàu vét” hay “cưới chạy”.

Nhiều giáo sư, ít sáng chế

Năm 2017, trước sự “bùng nổ” về số lượng GS, PGS, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước khẳng định, chất lượng vẫn đảm bảo. Cụ thể, số lượng công bố quốc tế, giảng viên trực tiếp giảng dạy, khả năng giao tiếp tiếng Anh tăng... Số lượng bài báo quốc tế đăng trên Tạp chí ISI/Scopus của ứng viên năm 2017 tăng. Ngành Vật lý có hơn 1.170 bài, ngành Hóa học - Công nghệ Thực phẩm là 1.020. Một số ứng viên có nhiều bài báo quốc tế ISI/Scopus, chỉ số H cao (thước đo về năng suất, ảnh hưởng của công trình nghiên cứu), hoặc có nhiều công trình được ứng dụng hiệu quả trong thực tế, nhiều ứng viên đã được trao giải thưởng quốc tế uy tín vì thành tích nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên, một thực tế là công bố quốc tế của chúng ta vẫn kém xa so với các quốc gia trong khu vực. Năm 2017, theo thống kê của Web of Science - cơ sở dữ liệu khoa học cung cấp thông tin về danh mục tạp chí uy tín thế giới thì giai đoạn 2011-2016, Việt Nam có tổng số hơn 15.000 công bố thuộc danh mục Viện Thông tin khoa học (ISI); trung bình, tỷ lệ tăng trưởng đạt 17% mỗi năm.

Thế nhưng nhưng so với các nước Đông Nam Á, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa. Cụ thể, Thái Lan có số công bố gấp gần 3 lần Việt Nam; Malaysia gấp 4 lần; còn Singapore gấp tới gần 5 lần. Với tốc độ hiện tại, nhiều nhà khoa học dự đoán Việt Nam cần đến hơn nửa thế kỷ nữa để đuổi kịp năng suất của Thái Lan, Malaysia chứ chưa nói đến Singapore hay các nước tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề nhức nhối của giới trí thức hiện nay là nhiều vị có tên tuổi, có “tầm” trong giới chuyên môn lại không được công nhận hoặc phải qua 4 lần, thậm chí 9 lần mới vượt qua được cửa ải “bỏ phiếu”. Trong khi đó, có nhiều người hoạt động chuyên môn mờ nhạt, không có nhiều đóng góp lại được công nhận.

Một đất nước có nhiều GS, PGS là một điều đáng mừng, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta cổ súy cho việc “chạy đua” chức danh, học hàm. Với đà này đến một ngày nào đó, chức danh này sẽ lạm phát, dẫn đến tình trạng “ra ngõ gặp… GS”.

Việt Nam có số lượng PGS, GS được bổ nhiệm vào loại nhiều ở các nước châu Á (đặc biệt so với các nước Đông Nam Á) nhưng vẫn không có đại học nào được xếp hạng top 300 của châu Á (theo Higher Education, 2017). Ngoài ra, ở các nước, mỗi năm PGS, GS thường có trung bình 10 công bố/sáng chế thì ở Việt Nam bình quân mỗi năm từ 5 đến 10 GS/PGS mới có 1 công bố ISI.

K.An