Có hẹn với Bảo Ninh

07:00 | 02/02/2021

1,838 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với nhà văn Bảo Ninh. Nhà xuất bản AB Art Kiado của Hungary đã chọn xuất bản tập truyện ngắn “Trại bảy chú lùn” của Bảo Ninh. Đây là lần đầu tiên, nhà văn chuyên viết về mảng đề tài chiến tranh có tên tuổi của Việt Nam được một nhà xuất bản ở Hungary lựa chọn để xuất bản sách của ông, khi cuộc chiến tranh mà ông viết, đã lùi xa hơn 4 thập niên.

Hẹn và… lỡ hẹn!

Có hẹn với Bảo Ninh
Nhà văn Bảo Ninh

Vận may đã rơi trúng nhà văn Bảo Ninh, khi ban đầu Hội Nhà văn Việt Nam lựa chọn tập truyện ngắn Ma Văn Kháng để giới thiệu với NXB AB Art Kiado của Hungary trong chương trình hợp tác xuất bản năm 2020 giữa Hội Nhà văn VN và AB Art Kiado, nhưng vì dịch giả Giáp Văn Chung sức khỏe kém, phải đi điều trị, nên không thể hoàn thành bản dịch tác phẩm Ma Văn Kháng đúng thời hạn. Thay vào đó, dịch giả Gabor Pap của Hungary lại đã dịch xong 10 truyện ngắn của Bảo Ninh nên NXB AB Art Kiado đã lựa chọn xuất bản tác phẩm Bảo Ninh. Chính nhà văn Bảo Ninh cũng bất ngờ với điều này.

Dự kiến, hai nhà thơ Hungary là Sandor Halmosi và Attila Balazs, cũng đồng thời là đồng sáng lập NXB AB Art Kiado, sẽ cùng dịch giả Gabor Pap sang thăm Việt Nam, làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam vào mùa xuân năm 2020. Nhà văn Bảo Ninh cũng có hẹn sẽ mời dịch giả và nhà thơ Hungary đi uống rượu ở Hà Nội. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 bùng nổ, chuyến đi thăm Việt Nam của các nhà thơ, dịch giả Hungary bị hoãn, và họ lỡ hẹn với Bảo Ninh.

Tuy lỡ hẹn với nhà văn Bảo Ninh, nhưng cuốn truyện ngắn “Trại bảy chú lùn” của Nhà văn Bảo Ninh vẫn được xuất bản ở Hungary vào năm 2020 theo kế hoạch. Cuốn sách lập tức được độc giả, các nhà phê bình Hungary chú ý. Dịch giả Gabor Pap, một nhà nghiên cứu văn hóa người Hungary vốn hâm mộ tác giả Bảo Ninh từ lâu, đã làm xuất sắc công việc dịch của mình, theo đánh giá của Biên tập viên nhà xuất bản AB Art Kiado - nhà thơ Sándor Halmosi.

Nhà thơ Sándor Halmosi cũng cho biết, tập sách của Bảo Ninh ngay sau khi ra mắt đã được phát hành rộng rãi tại Hungary, được bạn đọc đón nhận nhiệt tình, bởi ấn tượng về những người lính Hungary trước kia từng xuất hiện tại chiến trường Việt Nam vẫn khiến bạn đọc đất nước này quan tâm tới chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách “Trại bảy chú lùn” của Bảo Ninh, không chỉ là một thông điệp về đường lối quân sự của phía Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, mà còn là bức tranh tổng thể của đất nước Việt Nam trong thời kỳ ấy.

Ngoài việc dịch giả Gabor Pap đã chú giải cẩn thận cho những chi tiết đặc biệt về lịch sử, văn hóa Việt Nam, thì chính tác giả Bảo Ninh cũng viết một bức thư gửi độc giả Hungary nhân dịp cuốn sách đầu tiên của ông được xuất bản bằng tiếng Hungary, trong đó, ông nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa số phận và văn chương của hai quốc gia Việt Nam-Hungary.

Có hẹn với Bảo Ninh
Cuốn sách truyện ngắn “Trại bảy chú lùn”

Mười truyện ngắn trong cuốn “Trại bảy chú lùn” là những câu chuyện về xung đột trong chiến tranh, và những ký ức của người trong cuộc, những sang chấn tâm lý và thân phận những người cựu binh, cái nhìn của chính họ về cuộc chiến. Mặc dù một vài câu chuyện có thể gây sốc, nhưng bạn đọc cũng có thể thấy được đôi chỗ những khoảnh khắc bình yên trong chiến tranh và tâm lý của người cựu binh trong thời bình. So với tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” cũng của tác giả Bảo Ninh, thì tập truyện “Trại bảy chú lùn” có cái nhìn lạc quan hơn.

Cuốn sách “Trại bảy chú lùn” của Bảo Ninh góp phần mang đến cho bạn đọc Hungary kiến thức, kinh nghiệm và cái nhìn của nhà văn Việt Nam về chính cuộc chiến tranh mà dân tộc Việt Nam phải trải qua. Những điều đó bạn đọc Hungary còn chưa được tường tận do sách văn học Việt Nam về chiến tranh nói riêng và văn học Việt Nam nói chung còn được xuất bản hạn chế tại Hungary. Hầu hết những sách về chiến tranh Việt Nam mà bạn đọc Hungary có thể tiếp cận trước đây, lại được viết bởi tác giả Mỹ, hoặc thậm chí là tác giả Úc, New Zealand, Hàn Quốc... Do đó, cái nhìn cuộc chiến tranh Việt Nam từ chính Bảo Ninh, một tác giả Việt Nam sẽ mang đến nhiều điều mới, khác biệt cho độc giả Hungary.

Trong thư gửi độc giả Hungary, nhà văn Bảo Ninh viết: “Việt Nam và Hungary tuy cách xa vạn dặm nhưng từ lâu đã có quan hệ tốt đẹp. Nhân dân Hungary đã chí tình ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong liên tục hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm dài suốt 30 năm nửa cuối thế kỷ XX. Các chiến sĩ Quân đội Hungary đã thực sự là bạn chiến đấu của chúng tôi, những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn 1973-1975.

Văn học Hungary cũng vậy, không xa lạ với độc giả Việt Nam. Bản thân tôi khi còn trẻ tuổi, những năm cuối thập niên 1960, đã lần đầu được đọc văn học Hungary. Đấy là những bài thơ diễm lệ mà bi tráng, nóng bỏng lòng yêu nước và tinh thần yêu chuộng tự do của thi sĩ Petõfi Sándor.

Từ sau ngày chiến tranh kết thúc vào năm 1975 và nhất là từ năm 1986, bắt đầu tiến trình Đổi Mới, Việt Nam mở rộng cửa hội nhập với thế giới, bao gồm cả lĩnh vực văn học. Từ đó đến nay số lượng tác phẩm văn học Hungary xuất bản ở Việt Nam ngày một nhiều hơn. Tuy chưa nhiều được như mong muốn, song các tác phẩm đã xuất bản đều được chuyển ngữ trực tiếp từ ngôn ngữ Hungary và đều là những bản được dịch rất hay ra ngôn ngữ Việt Nam. Nhờ vậy mà tôi đã được đọc với niềm say mê các tuyệt tác đầy lôi cuốn: “Không số phận”, “Kinh cầu hồn cho một đứa trẻ không ra đời” của Kertész Imre: “Những ngọn nến cháy tàn”, “Trời và Đất”, “Bốn mùa” của Márai Sándor; “Cánh cửa” của Szabó Magda. Và gần đây nhất là “Chiến tranh và Chiến tranh” của Lászlo Krasznahorkai.

Bên cạnh cảm nhận về giá trị văn chương và tư tưởng của riêng từng tác phẩm kể trên, tôi có một cảm nhận riêng cho mình về chung các tác phẩm đó: nỗi khổ đau và sự quật cường, âm hưởng bi thương và giai điệu anh hùng hòa nhập làm một. Tôi tự hỏi phải chăng đấy chính là lịch sử dân tộc, là bản sắc và tâm hồn con người Hungary được thể hiện trong văn học. Bởi thế, tôi thực sự cảm nhận thấy có sự mật thiết giữa cuộc đời và số phận của hai dân tộc, cùng sự đồng điệu giữa hai nền văn học Hungary - Việt Nam. Như là “Chiến tranh và Chiến tranh” của Lászlo Krasznahorkai chẳng hạn, tôi thấy rất Việt Nam. Thậm chí tôi thấy tôi như là một trong bốn nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết ấy.

Cảm nhận sự gần gũi của hai nền văn học, tôi càng mong muốn các tác phẩm văn học Việt Nam sẽ được dịch và xuất bản ngày một nhiều hơn ở đất nước của các bạn, và được các bạn thân tình đón nhận”.

Như vậy, cho dù đại dịch Covid-19 có khiến cuộc hẹn gặp của nhà văn Bảo Ninh với các nhà thơ, dịch giả Hungary tại Việt Nam bị dời lại, thì về tư tưởng, họ đã gặp nhau, trân trọng nhau và đồng cảm. Văn học quả là một cầu nối huyền thoại, vượt qua được mọi trở ngại của khoảng cách không gian và thời gian, vượt qua cả đại dịch để các nhà văn, nhà thơ, các nhà tư tưởng gặp gỡ, sẻ chia và cùng nhau truyền đi niềm đam mê sống mãnh liệt, niềm tin về sự kết nối, chung tay xây dựng một thế giới ngày một đẹp đẽ hơn, đáng sống hơn.

Và cuộc hẹn bất ngờ sau “gặp gỡ” văn chương 13 năm

Vào tháng 11/2020, nhà văn Bảo Ninh gửi email hẹn sẽ từ miền Trung - nơi ông ở cùng mẹ, và thực hiện việc từ thiện, góp phần giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua hoạn nạn lũ lụt - ra Hà Nội gặp tôi. Bảo Ninh nói, rằng ông đã biết tôi từ năm 2007, qua việc đọc tác phẩm “Đợi đò” của tôi, và sau đó vài lần chạm mặt, nhưng chưa bao giờ gặp riêng, nói chuyện sâu sắc, do đó lần này ông nhất định muốn gặp tôi. Ông cũng yêu cầu tôi mang tất cả sách tôi đã từng xuất bản đến cho ông đọc. Ông cũng khá tò mò, khi được một người bạn văn ở Huế hỏi rằng ông có biết nữ văn sĩ Kiều Bích Hậu hay không, cô ta là ai mà bỗng dưng viết một cuốn thơ bằng tiếng Anh, được tụi nhà xuất bản ở Ý dịch và in, và bán, và được báo chí phương Tây ca ngợi! Một chuyện thật khó tin!

Tôi trả lời Bảo Ninh rằng, được gặp ông là may mắn của tôi. Tôi từng xuất bản 14 cuốn sách, nhưng chỉ có thể mang tới ba cuốn để ông đọc. Phần vì sách xuất bản đã lâu, không còn dư để đem tặng ông, phần vì không muốn ông đọc nhiều quá, sẽ mệt. Ba cuốn sách truyện ngắn của tôi, có thể đủ để ông mường tượng và nắm bắt phong cách văn chương, cũng như lực viết của tôi rồi. Đó là tôi chủ quan nghĩ thế. Với tôi, Bảo Ninh là một tên tuổi đáng kính nể trong làng văn chương Việt Nam, ở thế hệ đàn anh, mà phần nào tôi còn chưa được tường tận về trường lực nghề của ông. Ông đã trải qua thời chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất, khi tôi còn chưa ra đời, và khi cuộc chiến kết thúc, thì tôi vẫn quá nhỏ. Những gì ông biết, ông trải qua, ông viết, đối với tôi, là một miền kỳ vĩ mà có muốn, tôi cũng không thể lặp lại. Với mỗi nhà văn, trải nghiệm riêng chính là tài sản vô giá, và tác phẩm chính là kho báu không ai có thể giành giật.

Nhà văn Bảo Ninh hẹn gặp tôi ở quán ăn Little Dream, quán chuyên đồ ăn Nga tại Hà Nội, bởi ông cứ nghĩ rằng tôi từng sống ở Nga một thời gian dài, hẳn sẽ nhớ đồ ăn Nga. Đó là cách chiều chuộng tinh tế của riêng ông. Tuy nhiên, thực tế, tôi đã sống ở Czech, yêu và quen hương vị món Czech. Nhưng không vì thế mà tôi không vui với món xúp củ cải đỏ, thịt nướng Sasluc kiểu Nga mà Bảo Ninh chiêu đãi.

Bữa trưa với Bảo Ninh cuối cùng kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã ngồi lỳ ở quán từ trưa sang cuối chiều, nhâm nhi ăn uống, nói chuyện văn chương không mệt mỏi. Bảo Ninh sau khi đã uống hết 1/3 chai Vodka Nga thì nói chuyện vui hẳn lên. Ông nói khá nhiều, có những điều lặp đi lặp lại. Nhưng khá lạ, rằng tôi nhớ như in ba điều mà ông chia sẻ. Mẹ ông sống ở miền Trung, nay cụ đã ngoài 90 tuổi, ông mỗi lần về thăm mẹ, muốn nói chuyện với mẹ thật kỹ nhưng không thể được, vì cụ bật tivi suốt ngày, đến nỗi nhà văn phải thốt lên “Con muốn nói, mà sao mẹ lại chỉ nghe tivi?!”.

Điều thứ hai, là về cuốn sách “Trại bảy chú lùn” của ông vừa được xuất bản ở Hungary. Bảo Ninh băn khoăn, rằng tại sao dịch giả Gabor Pap và nhà xuất bản AB Art Kiado lại chọn những truyện ngắn đó, bởi những gì ông viết ra lúc ấy, trong truyện ấy, giống như việc hoàn thành bài tập trả cho thầy, để đạt điểm cao, để hoàn thành nhiệm vụ. Với ông, những truyện trong tập “Trại bảy chú lùn” không phải là truyện ông viết với tất cả tâm nguyện, với tất cả trăn trở và khoái cảm viết. Tuy nhiên, ông trân trọng lựa chọn của các bạn Hungary.

Điều thứ ba Bảo Ninh nhấn mạnh, là ông rất ấn tượng với truyện ngắn “Đợi đò” của tôi 13 năm trước, vào năm 2007 ông là một trong những vị giám khảo cuộc thi truyện ngắn do báo Văn nghệ tổ chức. Truyện “Đợi đò” khi ấy giành giải Nhì, nhưng cũng gây tranh luận trong Ban giám khảo vì cái kết có vẻ mơ hồ khó hiểu. Bảo Ninh nói ông thích truyện ấy, vì nó đậm chất văn, và còn bởi lẽ, ông thấy chính mình trong truyện “Đợi đò” của tôi. Ông cũng từng đi với một cô gái sang Bát Tràng, rồi cũng từng rời xa cô ấy, cũng từng day dứt và thấy mình chưa tốt, chưa phải, và vì thế mà “Đợi đò” đã chạm đến trái tim ông.

Dường như cuộc hẹn với Bảo Ninh sẽ không thể kết thúc được, nếu tôi không cương quyết đứng lên, viện cớ phải trở về cơ quan giải quyết một việc không thể dời lại ngày mai. Hôm sau, Bảo Ninh gửi email cho tôi, ý rằng đã quá lâu rồi mới có được một cuộc nói chuyện với một nhà văn thực thụ, được nói chuyện văn chương thực thụ đã đời như thế với tôi. Lâu nay, ông ít gặp bạn văn dần, bởi cứ gặp là uống rượu tướt bơ, là chỉ nói chuyện tầm phào, chẳng đâu vào đâu. Ông hứa, sau khi đọc sách của tôi, ông không chỉ nhận xét riêng, mà sẽ viết một cái gì đó, khiến cả làng văn Việt Nam phải nhảy dựng lên, hoặc là dìm nghỉm tôi.

Tôi chưa dám chắc Bảo Ninh có viết không, và ông sẽ viết gì. Ông có nhắn tôi qua email sau mỗi lần đọc được hết vài truyện trong tập sách của tôi, hoặc ấn tượng về một đặc điểm nào đó trong truyện. Ông cũng bảo rằng, giờ có tuổi rồi, ông đọc chậm, viết chậm lắm. Nhưng tôi nhớ, cái nheo mắt khi ông nhìn tôi ở quán ăn, và nương theo hơi rượu, ông bảo thẳng rằng tôi còn là một cô oắt con mà thôi! Con đường văn chương của tôi còn rất dài phía trước.

Tùy bút của Kiều Bích Hậu