CIA lo ngại bị Nga do thám ngay trên đất Mỹ

19:33 | 17/11/2013

1,275 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Theo quan điểm của các cơ quan tình báo Mỹ, các mối đe doạ tiềm năng tiếp theo từ Nga có thể không đến từ “cyberweapon” (vũ khí kỹ thuật số) bất chính hay việc bí mật thu thập các tập tin từ cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward J.Snowden hiện đang sống lưu vong tại Moskva.

Một kỹ thuật viên của Cơ quan vũ trụ Nga tại một trạm giám sát Glonass mới lập ở Brazil

Thay vào đó, nó có thể đến từ một chiếc ăng-ten có vẻ vô hại trên đỉnh một toà nhà được bao quanh bởi một hàng rào an ninh ở đâu đó ngay trên lãnh thổ Mỹ.

“Trong những tháng gần đây, CIA và Lầu Năm Góc đã tiến hành chiến dịch nhằm thuyết phục Bộ Ngoại giao Mỹ không cấp giấy phép để Roscosmos (Cơ quan Vũ trụ Nga) bố trí trên lãnh thổ Mỹ khoảng 6 trạm Glonass” - tờ New York Times đưa tin dẫn nguồn ẩn danh trong Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng.

Nỗ lực của Nga là một phần cuộc chạy đua toàn cầu của một số nước - trong đó có Trung Quốc và các quốc gia Liên minh châu Âu - để hoàn thiện hệ thống định vị toàn cầu của mình và thách thức sự thống trị của hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ.

Với Bộ Ngoại giao, việc cho phép Nga xây dựng các trạm Glonas sẽ giúp hàn gắn mối quan hệ giữa chính quyền Obama và chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin, vốn đã rạn nứt vì việc Moskva cấp quy chế tị nạn cho Snowden và ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, CIA và Lầu Năm Góc lo ngại rằng, nếu Bộ Ngoại giao cho phép đặt các trạm Glonass thì “Nga sẽ nhận được bàn đạp ngay trên đất Mỹ, tạo điều kiện tăng độ chính xác của các tên lửa Nga”. Ngoài ra, theo quan điểm của hai cơ quan này, các trạm tiềm năng có thể được sử dụng một cách hữu hiệu để tiến hành hoạt động tình báo trực tiếp trên lãnh thổ Mỹ.

Bài viết trên New York Times dẫn lời một số quan chức Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng cho biết, những nghi ngờ trên nghiêm trọng đến mức Nhà Trắng đã phải trì hoãn quyết định cuối cùng về vấn đề bố trí các trạm Glonass, chừng nào Nga chưa cung cấp thêm thông tin còn các cơ quan Mỹ chưa xóa bỏ bất đồng ý kiến.

Những nỗ lực của Nga cũng đã khuấy động mối quan tâm ở Capitol Hill, nơi các thành viên của uỷ ban tình báo và lực lượng vũ trang Mỹ đang đòi chính quyền phải giải đáp các mối nghi ngờ. “Tôi muốn hiểu lý do tại sao Mỹ phải quan tâm tạo điều kiện cho các đối thủ cạnh tranh với GPS, chẳng hạn như Glonass của Nga, trong khi sự phụ thuộc của thế giới vào GPS mang lại lợi thế rõ ràng cho Hoa Kỳ trên nhiều cấp độ”, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ chất vấn.

Tuần trước, ông Roger cũng đã gửi yêu cầu Lầu Năm Góc cung cấp một báo cáo đánh giá tác động tới an ninh quốc gia của việc cho phép Nga lắp đặt các trạm Glonass trên đất Mỹ. Các yêu cầu này đã được nói tới trong một bức thư gửi đến Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Ngoại trưởng John Kerry và Giám đốc tình báo quốc gia James R. Clapper Jr.

Hệ thống đinh vị Glonass là câu trả lời của người Nga cho hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Glonass thực chất là một phiên bản phục hồi và nâng cấp đáng kể một mạng vệ tinh quân sự cũ của Liên Xô đã bị tạm dừng năm 1995 do thiếu kinh phí. 

Hệ thống Glonass mới được thiết kế nhằm phục vụ cho cả mục tiêu quân sự và dân sự, được đánh giá là cạnh tranh tốt với hệ thống GPS của Mỹ, Bắc Đẩu của Trung Quốc hay Galileo của Liên minh châu Âu trong tương lai.

Đầu năm nay, Nga đã đặt một trạm Glonass ở Brazil và dự kiến sẽ sớm đạt thoả thuận với Tây Ban Nha, Indonesia và Australia về việc lắp đặt Glonass ở lãnh thổ các quốc gia này. Trong khi đó, các trạm GPS của Mỹ có mặt ở khắp nơi trên toàn thế giới, trừ Nga.

Linh Linh