Chuyện từ ý kiến đổi lời Quốc ca

10:04 | 12/06/2013

2,839 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày này, dư luận chưa hết bàn tán về những ý kiến đề nghị đổi tên nước thì lại “nảy nòi” ra ý kiến của một vị đại biểu quốc hội là nên đổi lời bài “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam từ ngày lập nước đến nay. Hình như vị đại biểu này không hiểu lịch sử của bài “Tiến quân ca” và quá trình bài hành khúc này trở thành Quốc ca.

Mùa đông năm 1944, Văn Cao gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt minh, Vũ Quý là người từng quen biết Văn Cao và đã động viên ông viết những bài hát yêu nước như “Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca”... Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh.

Văn Cao viết bài hát đó trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền. Ông có viết lại trong một ghi chép tháng 7 năm 1976 như sau: "...Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được...".

Về ca khúc, Văn Cao nói rằng, tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ ca khúc “Thăng Long hành khúc ca” trước đó: "Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng" và bài “Đống Đa”: "Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa"... Và ông đã rút lại những ca từ trong bài hát đó thành “Tiến quân ca”.

Sau khi hoàn thành tác phẩm, Văn Cao gặp và hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng, giao cho Văn Cao tự tay viết bài hát lên đá in. Và lần đầu tiên “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết.

Nhạc sĩ Văn Cao

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, ca khúc được hát trước quần chúng lần đầu tiên tại một cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội.

Còn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, sau khi nghe Văn Cao hát bài hát này, đã xúc động thật sự và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó Nguyễn Đình Thi viết được bài “Diệt phát xít”, Văn Cao viết thêm bài “Chiến sĩ Việt Nam”, cả hai bài hát này đều phổ biến rộng rãi trong công chúng.

Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 Ngày 17 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít-tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, bài “Tiến quân ca” đã được cất lên lần đầu tiên trước đông đảo dân chúng. Cũng tại quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít-tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, “Tiến quân ca” chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Trước ngày biểu diễn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn với Văn Cao thống nhất sửa hai chữ trong “Tiến quân ca”, cụ thể là rút ngắn độ dài của nốt “rê” đầu tiên ở chữ "Đoàn" và nốt “mi” ở giữa chữ "xác" làm cho bản nhạc khỏe khoắn hơn.

Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”.

Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định đổi tên nước  thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quốc ca là “Tiến quân ca”.

 Lịch sử sơ lược của bài “Tiến quân ca” trở thành Quốc ca của chúng ta là như thế đó.

Trở lại chuyện có ý kiến nên thay lời bài “Tiến quân ca”.

Không hiểu rồi sau những ý kiến đòi đổi tên nước, thay lời Quốc ca thì người ta còn muốn thay gì nữa, đổi gì nữa?

Hay lại bàn đổi quốc huy, đổi quốc kỳ?

Việc đổi tên nước thì khi đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội năm nay, hầu hết các đại biểu đã bác bỏ. Và đâu chỉ có đại biểu Quốc hội, hầu hết người dân cũng bày tỏ ý kiến không đồng tình.

Còn chuyện đổi lời bài “Tiến quân ca”, thì cũng ngay lập tức vấp phải sự phải đối của các nhạc sĩ và giới nhân sĩ, trí thức.

Nghĩ mà thật… buồn cho những ý kiến được gọi là “tối kiến” này.

Nhân chuyện có người đề xuất thay lời bài “Tiến quân ca”, người viết bài này chợt nhớ đến cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới được tổ chức vào năm 1981 và kéo dài một năm. Lý do đưa ra để thay Quốc ca là: “Ngày nay, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới. Để cổ vũ mạnh mẽ đồng bào và chiến sĩ ta, thể hiện sâu sắc chí khí hào hùng của toàn dân quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ mới của cách mạng, thì cần có một Quốc ca mới”. Và yêu cầu Quốc ca mới “phải vừa hùng tráng, vừa trữ tình, vừa sôi nổi, vừa lắng đọng”.

Điều lệ dự thi sáng tác Quốc ca mới là: Mọi công dân Việt Nam đều có quyền dự thi sáng tác Quốc ca mới. Tác giả dự thi có thể là một người, một nhóm hoặc một tập thể và có thể gửi một bài hoặc nhiều bài dự thi. Những bài hát được sáng tác từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975 phù hợp với yêu cầu về nội dung và hình thức nêu ở trên đều có thể dự thi.

Thời hạn gửi bài dự thi: Từ ngày 19/5/1981 đến ngày 19/12/1981.

Cuộc vận động đã gây ra cơn sốt khắp từ Bắc chí Nam. Giới nhạc sĩ chuyên nghiệp lao vào sáng tác với tất cả nhiệt huyết đã đành, giới không chuyên cũng hào hứng chẳng kém. Rồi các tổ chức chính trị, xã hội cũng tổ chức họp hành, bàn luận và đua nhau thi viết lời cho Quốc ca, rồi thuê mướn nhạc sĩ… phổ nhạc.

Cuộc thi sáng tác Quốc ca mới còn lôi cuốn được cả những người một nốt nhạc bẻ đôi không biết. Và họ “sáng tác” Quốc ca theo kiểu thế này: Họ hát thành giai điệu, rồi họ lên Ban Tổ chức ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam và… hát cho các thành viên trong Ban Tổ chức nghe. Rồi họ yêu cầu phải ghi âm lại bài họ đã hát và phải cho người… ký âm, viết thành bản nhạc.

Rồi lại có không ít người đã chuyển thể các làn điệu dân ca và đặt lời mới để thành… Quốc ca. Thậm chí, bài “Tình bằng có cái trống cơm” cũng được đặt lời mới để làm… Quốc ca. Lý sự của người “sáng tác” rằng: “giai điệu trống cơm vui tươi, khỏe khoắn, biểu hiện khí thế lạc quan cách mạng, đồng thời mang âm hưởng… dân ca”.

Chuyện về sáng tác Quốc ca mới ngày ấy “vui” như thế nào, các nhạc sĩ Việt Nam, những ai ở tuổi thất thập trở lên đều biết rất rõ.

Đến hết ngày 19/12/1981, ban vận động đã nhận được cả thảy 1.420 bài của 1.181 tác giả. Trong số này, có 625 bài có đủ cả nhạc và lời ca, 795 bài thơ, từ, văn; trong 1.181 tác giả, có 173 nhạc sĩ chuyên nghiệp và 10 nhà thơ.

Việc hưởng ứng của nhân dân đối với cuộc thi này có nhiều nét cảm động: có cụ già gửi hàng chục bài thơ để “nói hết tấm lòng với Tổ quốc”; có những cặp vợ chồng, vợ viết nhạc, chồng viết lời ca để dự thi...; còn các nhạc sĩ thì ai nấy đều xác định rằng, sáng tác bài dự thi là làm một nhiệm vụ đối với Tổ quốc, là bày tỏ tấm lòng đối với cách mạng.

Sau gần 7 tháng làm việc nghiêm túc, thận trọng, bộ phận thường trực Hội đồng Giám khảo đã sơ tuyển vòng I được 74 bài của 74 tác giả (58 tác giả soạn nhạc chuyên nghiệp và 16 tác giả soạn nhạc không chuyên, trong đó có một nữ giáo viên dạy văn ở cấp III phổ thông trung học và chồng là giáo viên dạy toán cùng trường, cùng làm chung nhạc và lời, có một sĩ quan công an, hai sĩ quan quân đội, một vụ trưởng của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, một linh mục...).

Sau cuộc tuyển chọn khắt khe, từ 74 bài, cuối cùng chọn ra được 17 bài và hầu hết các tác phẩm được lọt vào vòng cuối cùng là của các nhạc sĩ danh tiếng.

 Một buổi biểu diễn các bài “Quốc ca mới” được tổ chức tại Hội trường Ba Đình. Các ca sĩ danh tiếng, các dàn nhạc lừng lẫy tên tuổi được giao nhiệm vụ thể hiện. Buổi biểu diễn được tổ chức hoành tráng với sự tham gia của gần hết các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc thức giả, các văn nghệ sĩ tên tuổi.

Nhà văn Nguyễn Tuân được mời ngồi ở hàng ghế thứ hai.

Sau khi biểu diễn được một bài, mọi người trố mắt khi thấy ông đứng dậy, chống ba toong, lững thững ra về. Một vị lãnh đạo của Hội Nhạc sĩ vội chạy theo mời ông ở lại, ông thủng thẳng: “Tôi không nghe nổi cái thứ nhạc như cối xay lúa!”.

Thấy ông “dũng cảm” về, một số văn nghệ sĩ khác cũng lục tục rời hội trường.

Cuộc thi tuyển chọn “chết” luôn từ hôm ấy và tuyệt nhiên không thấy nhắc gì đến nữa.

Nghe đâu, mỗi bài hát được lọt vào vòng trong được trả nhuận bút 250 đồng. Số tiền ấy, ngày đó, có thể mua được gần 1 chỉ vàng!

Nếu như bài hát nào có thể liên kết triệu người như một, thì đó chỉ có thể là “Tiến quân ca”.

Nếu như bài hát nào có thể thúc giục mọi người xông lên phía trước, giành chiến thắng trước kẻ thù, thì đó chỉ có thể là “Tiến quân ca”.

Sức mạnh to lớn của “Tiến quân ca” thiết tưởng không còn ngôn từ gì để miêu tả nữa. Và lịch sử đã chứng minh giá trị bền vững của “Tiến quân ca”.

Cho nên, thật buồn cho “quan trí”, khi họ lại định sửa lời bài hát đã trở thành một phần máu thịt của con dân Việt Nam, dù là ở trong nước, hay đang ở phương trời nào đó.

Như Thổ

(Những dòng in đậm trong bài là trích nguyên văn từ Báo cáo của Ban Vận động sáng tác Quốc ca mới, do ông Cù Huy Cận, Phó trưởng ban Vận động sáng tác Quốc ca mới, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo trình bày tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa VII ngày 23/6/1982)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc