Đừng để phải tắt tiếng Quốc ca!

07:04 | 10/12/2021

109 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc thiếu những bản ghi âm Quốc ca chính thức, được cung cấp, công bố rộng rãi cho toàn dân sử dụng miễn phí là một sự thiếu sót lớn. Nếu không sớm cải thiện, chuyện phải tắt tiếng Quốc ca tương tự như vừa qua có thể sẽ tái diễn.

Hình ảnh các cầu thủ Việt Nam (trong trận Việt Nam - Lào thuộc vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020) đang hát Quốc ca nhưng không có tiếng, kèm dòng xin lỗi: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ” khiến dư luận vô cùng bức xúc vì lòng tự hào dân tộc bị tổn thương. Nhiều người “đổ tội” cho BH Media “đánh gậy bản quyền” trên YouTube với ca khúc “Tiến quân ca” khiến khán giả không được nghe Quốc ca của Việt Nam.

Mọi sự vỡ lở, đơn vị phát sóng trận đấu là Next Sport đã chủ động tắt tiếng Quốc ca để phòng... mất tiền oan, do rút kinh nghiệm từ sự việc trước đó của FPT. Cụ thể, tối 16-11-2021, kênh bóng đá FPT đã tiếp sóng trực tiếp trận Việt Nam - Saudi Arabia thuộc vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Dù có gần 4 triệu lượt xem, nhưng kênh này đã bị mất tất cả doanh thu vì bản ghi “Tiến quân ca” mà ban tổ chức trận đấu dùng là do Hãng Marco Polo sản xuất, có thông báo xác nhận sở hữu bản quyền.

Đừng để phải tắt tiếng Quốc ca!
Bản Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên YouTube trong trận Việt Nam - Lào tối 6-12-2021

Xét ở góc độ một đơn vị làm kinh tế, lỗi của Next Sport không lớn bằng việc lâu nay chúng ta thiếu những bản Quốc ca chung, do cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật sản xuất, để mọi người dân Việt Nam được quyền sử dụng miễn phí, được tự do hát theo mà không sợ bị ai đòi thu tiền bản quyền.

Ngay cả BH Media hay Hồ Gươm Audio cũng vậy, họ không có lỗi khi sở hữu bản quyền bản ghi âm “Tiến quân ca”. Họ bỏ tiền, công sức, trí tuệ ra để sản xuất bản ghi âm và pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Sở hữu trí tuệ, công nhận bản quyền bản ghi âm đó.

Hiện nhiều người còn mơ hồ về bản quyền ghi âm với quyền tác giả. Gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng “Tiến quân ca” cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Đó là tặng quyền tác giả tác phẩm, còn bản quyền ghi âm thì khác. Dễ hiểu hơn, bây giờ, bất cứ ai muốn thực hiện hòa âm phối khí, thu âm “Tiến quân ca” thì không cần phải xin ý kiến tác giả, không phải trả phí tác quyền cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao nữa, nhưng sẽ có bản quyền đối với bản ghi âm “Tiến quân ca” của riêng họ.

Trên thực tế hiện nay, có nhiều bản ghi “Tiến quân ca” do các ca sĩ, đơn vị sản xuất thực hiện, ai cũng được sử dụng miễn phí. Nhưng những bản ghi âm chính thức, chuẩn mực, do cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật sản xuất và cung cấp miễn phí, công bố rộng rãi cho toàn dân sử dụng thì chưa có.

Đó là một điều đáng tiếc, một thiếu sót lớn, nếu không sớm cải thiện, chuyện phải tắt tiếng Quốc ca tương tự có thể sẽ còn tái diễn.

Trúc Vân